.

Võ rắn trong Việt võ đạo

.
14:33, Chủ Nhật, 17/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Vovinam-Việt võ đạo là môn võ do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập tại Hà Nội vào năm 1938. Trên cơ sở lấy võ và vật dân tộc làm nòng cốt, đồng thời nghiên cứu tinh hoa của các võ phái khác trên thế giới để dung nạp thái dụng và hóa giải, nhất là cải tiến nền tảng kỹ thuật của mình theo nguyên lý cương nhu phối triển.

Sau khi võ sư Nguyễn Lộc qua đời, cố võ sư chưởng môn Lê Sáng và các môn đồ kế nghiệp tổ chức lại bộ máy, từng bước hệ thống bổ sung lý thuyết võ đạo, bài bản đòn thế... và chung tay góp sức đưa môn phái phát triển như ngày nay.

Tại Quảng Bình, bộ môn Vovinam-Việt võ đạo được võ sư Lê Hùng Ninh (hiện nay là Phó chủ tịch Hội Vovinam-Việt võ đạo tỉnh Quảng Bình, công tác tại Nhà thiếu nhi tỉnh)  thu nhận về từ năm 1997. Là một môn thể thao đã thu hút được đông đảo mọi đối tượng tham gia tập luyện trên khắp địa bàn toàn tỉnh. Là một môn võ của người Việt Nam, Vovinam không ngừng được bổ sung hệ thống đòn thế, bài bản tay không và cả vũ khí bảo đảm những đặc trưng cơ bản ban đầu vừa mang tính truyền thống của Việt Nam vừa mang tính hiện đại.

Võ sư Lê Hùng Ninh đang hướng dẫn môn sinh tập xà quyền.
Võ sư Lê Hùng Ninh đang hướng dẫn môn sinh tập xà quyền.

Theo võ sư Lê Hùng Ninh thì võ rắn trong Vovinam gọi là xà quyền. Xà quyền dựa theo cách di chuyển, phòng thủ, tấn công và phản xạ của loài rắn. Đó là rắn thường di chuyển ngoằn ngoèo theo hình chữ chi, xoay tròn và phóng thẳng về phía trước khi tấn công hoặc bắt mồi, rắn mổ vòng từ trên xuống, mổ ngoặt ra hai bên và mổ ngược ra phía sau. Đầu rắn rất nhanh nhẹn thường sụp xuống để né tránh nên muốn chém đứt cổ rắn phải chém xéo từ dưới lên, từ đó trong võ thuật đã cho ra đời thế võ “Cương đao trảm xà” rất hữu dụng. Trong Vovinam, bài Xà quyền được phân thế  theo 20 câu thiệu như sau:

1. Mãng xà vương xuất động/Rắn độc ra khỏi hang
2 Khởi thủy ngọa viên trung/Lúc đầu nằm khoanh tròn
3. Liên thủ hoành chi tự/Rồi bò đi thoăn thoắt
4. Tróc địch tầm thiên long/phóng lên rượt con mồi
5. Mãng xà vương tái xuất/Rắn độc quay trở lại
6. Tả hữu lưỡng đầu khai/Hai đầu ngồi hai bên
7. Tam biên truyền mật khẩu/Mắt nhìn về ba phía
8. Xà đầu trực hậu lai/Thụt lùi ra phía sau
9. Luân thân xà thiệt thích/Quăng mình rắn phóng tới
10. Thôi chưởng chấn ba đào/Cuộn xiết chặt con mồi
11. Đảo thân luân triệt vĩ/Uốn thân đuôi đập xuống
12. Lưỡng biên phạt cương đao/Vặn cổ phùng hai mang
13. Thôi chỉ lưỡng xà đầu/Hai đầu xà trên dưới
14. Song luân xà đầu hạ/Xoắn tròn ngồi bên nhau
15. Thượng hạ luân xà đao/Vươn cao rồi hạ thấp
16. Phượng dực lưỡng đầu tọa/Ngóc đầu ngồi hai bên
17. Tứ diện thôi xà vĩ/Đuôi xà quét tứ phía
18. Song hoàn chưởng xà mâu/Xoay tròn ngược về sau
19. Nhị luân thủ túc vị/Hai đầu về cùng lúc
20. Hồi nhập động xà đầu/Rút vào trong hang sâu

Bài Xà quyền được thể hiện là 1 cặp rắn (song xà). Con đực ở bên tay phải, con cái ở bên tay trái. 2 đuôi rắn là 2 chân nối liền chung 1 thân (phần bụng của rắn); từ đầu ngón tay đến nách là xà đầu (phần đầu của rắn); từ nách đến háng là xà trung (phần thân của rắn); từ háng đến đầu ngón chân là xà vĩ (phần đuôi của rắn); hai bên hông ngang thắt lưng là xà động (hang của rắn). Xà đầu khi dựng đứng thì phùng mang nên xà thủ phải dẹp và xếp sát ngón tay lại. Xà thủ cũng chia thành hai phần: hàm trên gồm bốn ngón của tay: trỏ, giữa, áp út và út dùng để móc xuống mắt; hàm dưới là ngón cái móc dưới cằm lên...

Người học xà quyền phải công phu luyện tập thủ chỉ pháp (ngón tay), thiết xa chưởng (bàn tay), bích hổ công (lòng bàn tay) và nhuyễn cốt công (gân xương cổ tay). Xà quyền sử dụng hai bàn tay làm hai đầu rắn để mổ, xỉa, chém đâm, móc, gạt, tóm, lôi, cuốn, quấn nên người học phải có trình độ võ học, vững vàng về bộ pháp, thân pháp và thủ pháp; bộ pháp thấp, tấn pháp uyển chuyển nhẹ nhàng,  thủ pháp mềm dẻo, cước pháp nhanh gọn. Bài Xà quyền rất hợp với thể tạng người nhỏ nhắn, thấp, có đôi tay dài, võ sinh là nữ giới rất ưa thích bài quyền này.

Võ sư Lê Hùng Ninh cho biết thêm: Vovinam tuân thủ nguyên lý cương-nhu phối triển bao gồm những thế nhu nhuyễn, các đòn cương mạnh. Ngay trong từng đòn thế cũng cũng chứa đựng sự kết hợp cương-nhu giống như sự giao hòa âm dương trong thiên nhiên và xã hội. Cương nhu phối triển rất linh động, biến hóa. Nguyên lý này áp dụng một cách triệt để trong xà quyền, trong đời sống tinh thần và cách hành xử của võ sinh Vovinam-Việt võ đạo.

                                                                        Hiệp Vân








 

,