.

Phong tặng nghệ nhân thủ công mỹ nghệ: Vì sao mãi "lỡ hẹn"?

.
23:08, Thứ Bảy, 13/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Bên trong những làng quê hàng trăm năm tuổi, vẫn còn đó bao con người ngày ngày cần mẫn “giữ lửa” nghề truyền thống của địa phương. Với họ, làm nghề không đơn giản chỉ là mưu sinh mà thiêng liêng hơn, họ đang lưu giữ những tinh hoa tri thức của ông cha truyền lại. Nhưng vì sao những người thợ giỏi vẫn mãi “lỡ hẹn” với giấc mơ được phong tặng các danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ trong khi Quảng Bình hiện có đến 29 làng nghề truyền thống được công nhận?
 
Phong tặng các danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ là hoạt động nhằm tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, những người đã có công bảo tồn, phát huy nghề truyền thống. Họ chính là những người "giữ lửa" và "truyền lửa" nghề cho các thế hệ đời sau. Cũng từ những con người lặng thầm ấy, tinh hoa của cha ông được truyền lại, đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang tầm vóc, thương hiệu Việt Nam đến với các nước trên thế giới.
 
Năm  2016 là năm đầu tiên Bộ Công thương tổ chức phong tặng các danh hiệu Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ. Từ đó đến nay, đã có hàng trăm nghệ nhân, những người thợ giỏi của các làng nghề được tôn vinh, ghi nhận. Với những người làm nghề, sự kiện này là nguồn động lực to lớn trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản của cha ông và trao truyền cho các thế hệ sau.
 Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ là tinh hoa tri thức của ông cha truyền lại.
Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ là tinh hoa tri thức của ông cha truyền lại.
Sau ba đợt xét và công nhận (năm 2008, năm 2010 và năm 2015-PV), toàn tỉnh hiện có 29 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Để lưu giữ giá trị làng nghề trước sự biến thiên, thay đổi của thời cuộc, sự ảnh hưởng của cơ chế thị trường, rất nhiều thế hệ người làm nghề đã gắn bó hàng chục năm trời để trao truyền và phát triển nghề. Họ cần mẫn, vất vả cùng nghề nhưng với nhiều người, cho đến cuối đời vẫn không có được một danh hiệu xứng đáng.
 
Theo ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương), việc xét công nhận nghệ nhân, thợ giỏi lĩnh vực tiểu thủ công mỹ nghệ được thực hiện theo Thông tư số 01/2007/TT-BCN ngày 11-1-2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) và Quyết định số 08/2014/QĐ-UBND ngày 1-7-2014 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi ngành thủ công mỹ nghệ tỉnh Quảng Bình. Thời gian qua, Quảng Bình cũng đã tổ chức xét danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi vào năm 2015. Tuy nhiên, sau đợt xét, chỉ có 6 cá nhân đủ tiêu chuẩn công nhận thợ giỏi, không có nghệ nhân ngành thủ công mỹ nghệ.
 
Đến năm 2017, Sở Công thương tiếp tục triển khai xét tặng và đã tiếp nhận được 12 hồ sơ từ các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, qua rà soát, thẩm định, không có hồ sơ nào bảo đảm các tiêu chí quy định tại Quyết định số 08/2014 về quy chế xét tặng nghệ nhân, thợ giỏi ngành thủ công mỹ nghệ tỉnh Quảng Bình.
 
Lý giải điều này, ông Bình cho biết: “Tiêu chí quy định công nhận nghệ nhân được đặt ra quá cao. Ngoài quy định chung, để đạt nghệ nhân ngành thủ công mỹ nghệ thì phải trực tiếp làm ra ít nhất 5 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực trở lên hoặc 5 sản phẩm được tặng giải thưởng vàng, bạc, đồng hoặc tương đương tại các hội chợ triển lãm quốc gia, quốc tế; 5 sản phẩm đạt giải nhất, nhì tại các cuộc thi sản phẩm thủ công do các cơ quan, đơn vị, hiệp hội nghề tổ chức… Còn tiêu chí được công nhận Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú càng khó hơn nhiều lần”.
Ông Trần Văn Sáu là 1 trong 6 người được công nhận thợ giỏi lĩnh vực thủ công mỹ nghệ năm 2015.
Ông Trần Văn Sáu là 1 trong 6 người được công nhận thợ giỏi lĩnh vực thủ công mỹ nghệ năm 2015.
Đó là chưa kể việc xét nghệ nhân, thợ giỏi ngành thủ công mỹ nghệ chỉ được thực hiện đối với làng nghề, làng nghề truyền thống trong lĩnh vực này. Trong khi đó, trong số 29 làng nghề được công nhận thì chỉ có 5 làng nghề hoạt động lĩnh vực tiểu thủ công mỹ nghệ. Vậy nên, với nhiều người thợ giỏi trong các làng nghề, làng nghề truyền thống, giấc mơ được danh hiệu nghệ nhân vẫn xa vời vợi.
 
Ông Trần Văn Sáu (phường Hải Thành, TP. Đồng Hới), 1 trong 6 người được công nhận thợ giỏi năm 2015 cho biết, hơn 20 năm trong nghề chế tác gỗ lũa nghệ thuật, ông đã truyền nghề cho hơn 100 học viên, đạt nhiều giải thưởng tại các kỳ hội chợ. Tuy nhiên, ngoài tiêu chí đặt ra khá cao, để được xét công nhận danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ là cả một chặng đường dài, mất nhiều thời gian trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.
 
Thực tế, cái khó của những người làm nghề truyền thống lâu năm không chỉ là tiêu chí đặt ra quá cao mà còn vướng vào khó khăn chung của việc truyền nghề và phát triển nghề. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho việc duy trì phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống còn hạn chế. Điều khiến những người gắn bó lâu năm với nghề thủ công mỹ nghệ trăn trở nhất chính là tìm được đầu ra ổn định, nhất là khi các sản phẩm thủ công truyền thống đang bị “chèn ép” bởi các sản phẩm công nghiệp. Bên cạnh nỗi lo mưu sinh rất đỗi đời thường còn là nỗi canh cánh sẽ để thất truyền những tinh hoa tri thức nghề truyền thống đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Thực tế hiện nay, trong 29 làng nghề được công nhận, có 2 làng nghề đã không còn hoạt động cũng vì lẽ đó.
 
Bên trong những làng nghề truyền thống, vẫn còn đó bao con người lặng lẽ cống hiến với nghề xưa, nghiệp cũ mà không đòi hỏi cho bản thân bất cứ một danh hiệu nào. Với họ, giải thưởng lớn lao nhất chính là mạch nguồn truyền thống được nối dòng, nghề xưa của ông cha được gìn giữ đến nhiều đời sau. Nhưng, sự tôn vinh kịp thời sẽ là sự đãi ngộ xứng đáng với công sức của những con người cả đời học hỏi, lưu giữ và truyền dạy.
 
Theo ông Bình, sắp tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh sửa đổi một số cơ chế, chính sách của địa phương để hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc duy trì phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống và công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi tại các làng nghề.
Diệu Hương
,