.

Máu vẫn chảy trong mắt!

.
13:49, Thứ Ba, 09/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Đọc “Yên ngựa sau cuộc chiến”-bút ký chiến tranh của Hoàng Đình Bường, NXB Quân Đội 2018.
                                                 
Mươi năm trở lại đây, một mạch chảy văn học xuất hiện như một phương pháp sáng tác mới về chiến tranh dần dần chiếm được cảm tình độc giả: lối viết trực diện, chân thực, hấp dẫn bằng chính sự kiện và chi tiết, những chi tiết và sự kiện lưu lại trong ký ức người lính trận, kết tinh như hạt ngọc, tinh chất, điển hình và lấp lánh hơn mọi thủ pháp hư cấu. Một loạt những tác giả cựu lính trận xuất hiện và lập tức khẳng định được chỗ đứng: Nguyễn Xuân Sùng, Nguyễn Trọng Luân, Như Thìn, Nguyễn Xuân Diệu, Trung Sĩ, Nguyễn khắc Diệu...
 
Và đọc xong tập bút ký chiến tranh “Yên ngựa sau cuộc chiến” của một cựu sinh viên Trường đại học Sư phạm Vinh, một trong bảy chiến sỹ sống sót trong tiểu đội Văn Sử mười lăm tay súng sau bốn năm tham chiến ở chiến trường tây Thừa Thiên-Huế, tôi muốn ghi tên ông vào danh mục những tác giả trên đây: nhà giáo Hoàng Đình Bường.
 
Là một sinh viên nhập ngũ và tham chiến những năm cuối của cuộc chiến tranh giải phóng, như nhiều sinh viên Văn khoa khác, Hoàng Đình Bường mang theo trong bản thể cái “hội chứng chữ nghĩa” trong mỗi bước hành quân vào chiến trường và trong từng trận đánh, trong mỗi giờ “giải lao” giữa hai đợt phản kích. Với con mắt của một sinh viên năm thứ ba chuyên ngành Văn, mới bập vào ngày hành quân đầu tiên trên cung đường Trường Sơn, tác giả đã thấy cái mà có thể cả đơn vị hành quân qua vô tình không để ý, một chi tiết đặc tả độc đáo dành cho trái tim và phong cách của người trí thức văn nghệ gác bút nghiên: “Ở những “Bãi khách”(binh trạm) chưa bị đánh phá còn hằn nguyên dấu vết người qua lại. Trên những thân cây khắc đầy tên tuổi địa chỉ, năm tháng và có cả những câu thơ xưa phảng phất buồn, triết lý: Cổ lai chinh chiến địa/ Bất kiến kỷ nhân hồi”.
 
Tác phẩm như luôn tựa theo sườn của một cuốn nhật ký chiến trường, nhưng, rất may mắn là với giọng điệu có văn, cả trong câu chữ, trong tiết tấu, trong khắc họa chân dung... Không tuân theo mạch truyện và số phận nhân vật của tiểu thuyết, nhưng cái chức năng lớn nhất của văn xuôi dung lượng lớn thì tác giả đã thực hiện xuất sắc việc dựng lại chân dung một chiến trường thuộc vào hàng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng. 4 năm, xấp xỉ 1.500 ngày đêm. Chân dung và tâm hồn tác giả (cũng là nhân vật chính của tác phẩm) luôn hiện hữu mâu thuẫn điển hình của cả một thời đại “Dù rằng đời ta thích hoa hồng/Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”.
Trang bìa cuốn bút ký
Trang bìa cuốn bút ký "Yên ngựa sau cuộc chiến" của Hoàng Đình Bường
Bốn năm như thế với vài lần trả giá bằng những vết thương chảy máu khắp cơ thể, không lạ để thấy phải hơn 40 năm sau, Hoàng Đình Bường mới lắng lại, mới đủ độ kết tinh và bình tĩnh để dựng lại chân dung cả chiều rộng, chiều sâu của không gian và chiều dài của thời gian một cuộc chiến đẫm máu từng ngày.
 
Là lính chiến, tư liệu được soi chiếu dưới con mắt của một người đã “có nghề” 40 năm sau nhìn lại, Hoàng Đình Bường đoạn tuyệt hẳn với phong cách phản ánh hiện thực lạc quan tếu một thời. Tiểu đội Văn sử của tác giả vào tham chiến có 15 tay súng sinh viên. Sau 4 năm, nhìn lại, 8 người nằm lại mảnh đất Trị Thiên. 4 người, trong đó có tác giả, ôm đầu máu vào quân y viện. Phiên hiệu trung đoàn 6 của ông sau 10 năm tham chiến (1965-1975), con số liệt sỹ gấp 10 lần con số phiên chế (12.000/1.200).
 
Hoàng Đình Bường tuân thủ phương pháp hiện thực nghiêm nhặt. Từng nhiều lần nhặt thi thể đồng đội và phải sau bốn mươi năm, tác giả đủ dũng cảm để viết: “Đồng chí Tạo vẫy tay ra hiệu nghỉ một chút để định hình và lấy lại sức. Mới vài phút thì một quả M79 nổ, xé tan vùng bộ hạ, cướp mất sinh mạng đồng chí đại đội phó. Chúng tôi đặt xác đồng chí chỉ huy trong một lùm cây ven khe, đi tiếp...”. Đó là những dòng văn tả chân, trực diện, không cần hư cấu thêm một câu chữ nào nên không gì có thể chân thực hơn.
 
Là người trong cuộc, giữa cuộc, cây bút CCB Hoàng Đình Bường không ngại ngần đề cập đến một hiện tượng rất nhạy cảm ở chiến trường: đấu tranh tâm lý giữa cái sống và cái chết, giữa bảo mạng và nghĩa vụ. Con người, không phải sắt đá, có đủ ái, ố, hỷ, nộ, cái cao thượng, cái thấp hèn. Chạm đến trạng huống này, vẫn là phản ánh trực diện nhưng trái tim nhân đạo của chàng sinh viên khoa Văn, của người cầm bút có hơn 30 năm trên bục giảng vẫn nghiêng về chiều thông cảm, tha thứ. Đây là tình cảnh những người lính mới ra khỏi quân y viện dã chiến ở chiến trường: “Địch ta vào thế cài răng lược, giành giật nhau từng quả đồi loang lỗ máu. Thắng thua diễn ra liên tục. Lính cũ lộ vẻ mệt mỏi, ngán ngẩm chiến tranh. Lính mới ngơ ngác, có người hoang mang khi nghe lính cũ kể về những trận đánh ác liệt...”
 
Đây có lẽ là “vết thương chiến tranh” lần đầu được vén lên “thăm” lại nhưng tác giả biết dừng lại ở lằn ranh giới, không mổ xẻ thêm. Hoàng Đình Bường đã tuân thủ phong cách sáng tác “chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt” một cách quyết liệt ít thấy trong đội ngũ các tác giả viết về chiến tranh. Và còn nhiều góc khuất nữa mà chỉ có “người giữa cuộc” mới nắm được chính xác và đủ bản lĩnh để chạm tới.
 
Vẫn là trái tim của người lính sinh viên Văn khoa, giữa những trang văn thản nhiên miêu tả sự tàn khốc của chiến tranh, tác giả không khỏi có cảm giác bàng hoàng cảm khái: “Chiến tranh đã đánh cắp tuổi thanh xuân một cách man rợ trong bão tố đạn bom và cả thời hậu chiến”. “Việc chuẩn bị vũ khí súng đạn gạo cơm và điều nghiên trận địa là chuyện bình thường. Đào huyệt chuẩn bị cho cái chết của chính mình thì thật khó tin, kiêng cữ vô cùng. Vậy mà ở đơn vị chúng tôi việc đó diễn ra gần như bình thường".
 
Là bút ký tư liệu, hấp dẫn người đọc bởi tính chân xác của sự kiện, chi tiết, “Cuộc chiến sau yên ngựa” bất ngờ có được một chương nhỏ xây dựng nhân vật (nhân chứng) rất giản dị lại rất thành công. Tiêu đề “Người lính giữ kho” đưa ta làm quen với một người lính sinh viên Văn khoa quê xứ Nghệ “nhỏ con, sức khỏe yếu, mắt kém... trúng tuyển trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Đậu Công Nhân đến với chiến trường Trị Thiên trong dáng hình tiều tụy, hốc hác, luôn đi cuối đội hình”.
 
Những dòng văn kể lại chuyện hai người lính khoa Văn gặp nhau giữa rừng già và người lính nhỏ bé nhút nhát giữ kho gạo đã liều mình phá kỷ luật bớt ít gạo sấy để đồng đội, đồng môn mang về cứu nguy cho đơn vị chiến đấu khiến độc giả rơi lệ. Người lính ấy có 4 năm ở một mình giữa rừng già với kho gạo, chống chọi với cô đơn, buồn nhớ. Hết chiến tranh, anh trở về học tiếp đại học, ra trường đành phận dạy cấp hai ở một huyện miền núi: “Vẫn cần mẫn, cẩn thận và chu tất như những ngày làm thủ kho ở chiến trường, ai cũng mến mộ...bạn bè xác nhận Nhân mất ở tuổi 63”.
 
Thật kỳ lạ, cả một tập văn hừng hực lửa chiến trận với những chiến công và những cái chết bi hùng như tiểu thuyết mà nước mắt độc giả lại rơi vào một chiến sỹ vô danh làm công việc giữ kho bình thường. Nghệ thuật kể chuyện khắc họa nhân vật của Hoàng Đình Bường bất ngờ thành công lớn: “Bốn năm ở chiến trường, ở rừng. Gần 40 năm nữa Nhân vẫn ở rừng. Chiêm nghiệm chuyện đời, chuyện người, chuyện mình, biết đâu Đậu Công Nhân ở bên đó (cũng) đang viết hồi ký chiến tranh và thời hậu chiến”. Chân dung về cuộc đời người lính nhà giáo Đậu Công Nhân chỉ mươi dòng chấm phá mà lay động tâm can người đọc.
 
Số phận những CCB trí thức thời hậu chiến đã vậy, gia cảnh những người lính không trở về cũng không khá hơn. Không đến nỗi đói rách, nhưng những thành viên trong gia đình có cha và ông nội đều là liệt sỹ mà tác giả đến thăm sau gần 40 năm cách biệt cũng là những trang văn gây cảm giác buồn. Câu hỏi đột ngột của người con gái đầu của liệt sỹ Hoàng Đình Bách không chỉ khiến tác giả mà cả độc giả giật mình: "Răng chú về mà không rủ ba cháu về với? Đến bựa ni mà chị em cháu vẫn không biết mặt ba". Không bao giờ nữa, con gái ạ! Dù bao nhiêu thế kỷ nữa trôi qua. Vì ba cháu, Đại đội trưởng Nguyễn Đình Bách đã vĩnh viễn nằm lại dưới chân đồi Mồ Côi, chiến trường Tây Trị Thiên.
                                                                 
 Nguyễn Thế Tường
,