.

Sau những khen chê

.
08:33, Chủ Nhật, 16/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Chắc ông nghĩ mình ca hay lắm. Phải nghĩ thế ông mới tự tin phơi phới mỗi khi đăng đàn, cầm míc giới thiệu những “ca khúc rất dễ thương”, “nhạc phẩm đi cùng năm tháng” bằng thứ ngôn từ sến vô bờ bến rồi mới biểu diễn. Từ cách cầm míc đến dáng đi, điệu nhảy, cả cách cúi chào của ông đều điệu đà, chuyên nghiệp. Nhưng khán giả từ hy vọng tràn trề chuyển qua thất vọng toàn tập khi ông vừa cất lên tiếng hát.
 
Thường thì ca sĩ và nhạc công cùng phối âm phối khí như cặp đôi hoàn hảo, làm phông nền cho nhau cùng thăng hoa tỏa sáng. Ông thì khác, một mình một phách, cứ giẫm lên nhạc mà hát, thành ra người đệm đàn phải đuổi theo ca sĩ như chạy thi việt dã.
 
Lắm khi nhạc công nghe ông hát cứ ngơ ngác rồi lắc đầu bất lực bởi chẳng biết chọn tông nào cho phù hợp; vậy nên, lời ca tiếng đàn cứ tréo ngoe như cặp vợ chồng khắc khẩu. Nỗi khổ của nhạc công nhân lên và kéo dài khi ca sĩ tự phong thường làm liền vài bài mỗi khi cầm được míc; thậm chí chơi liên khúc ba, bốn bài cùng lúc.
 
Phần đông khán giả chẳng thích gì giọng ca lúc rên rỉ như mưa rơi, khi hú hét như gió bão, nghe cứ như hành hạ lỗ nhĩ. Người nhếch nửa miệng, kẻ cười ngặt nghẽo hay tròn mắt nhìn nhau lắc đầu mỗi khi nghe ông hát. Nhưng còn lâu ông mới xuống, khi đã đăng đàn là phải ca tới bến! Thường hát xong một bài, ca sĩ lại hướng về khán giả, khẩn cầu: “Xin bà con và quý vị cho một tràng pháo tay!” Đáp lại là những tiếng vỗ tay lẹt đẹt nhưng không sao, ông vẫn tiếp tục theo chương trình đã định.
 
Hát xong, về lại chỗ ngồi, ông quay qua người bên cạnh, cầu thị bằng câu hỏi khó: “ Nghe được không?” Tất nhiên, chẳng ai bất nhã đến mức nói thật suy nghĩ khiến ca sĩ phật ý. Thế là ông càng vững dạ tự tin giọng ca của mình.
 
Thực ra, sự kém nồng nhiệt dành cho ông chỉ ở những nơi xa lạ, nghĩa là ở đó nhiều người không biết ông; còn trong tiệc vui có nhiều thuộc cấp, ông  được săn đón như ca sĩ thứ thiệt; thậm chí không hát cũng không xong với họ. Lắm lúc vừa ngồi vào tiệc cưới, có anh đã vớ ngay mảnh giấy đặt sẵn trên bàn, lăm lăm bút trong tay, mời mọc mà cứ như khẳng định điều đương nhiên: “Sếp ca bài gì để em đăng ký?” Ông trì hoãn cho có lệ: “Để họ hát đã.” Đáp lại là giọng kích động đầy quả quyết: “ Sếp mở màn cho khí thế!” Chỉ cần ông cười cười là các cận thần kết nối với MC, xí phần cho sếp trên sân khấu.
 
Ông hát chắc cũng không vất vả bằng đám thuộc cấp phụ họa ăn theo. Sếp đăng đàn là bọn họ đồng loạt đứng dậy, chân tay miệng mắt cùng hòa âm phối khí; cao hứng còn nhảy lên sân khấu vây quanh sếp nhảy múa tưng bừng. Hát như thét gào, múa như đánh võ nhưng bọn họ ra vẻ phấn chấn lắm. Khi ca sĩ cúi chào khán giả, lập tức đám cổ động viên nhà reo hò, vỗ tay cuồng nhiệt. Kiểu tán dương mồi chài như thế tức thì đem lại hiệu ứng dây chuyền, cả đám đông giật mình, vỗ tay hùa theo khiến bữa tiệc sôi nổi hẳn.
 
Chẳng phải ai cũng không phân biệt được hay-dở nhưng mối quan tâm chính khi ngồi vào bàn tiệc đâu phải nghe hát thành ra người ta dễ dãi với sự tán thưởng, cũng là cách tỏ ra lịch sự. Ngược lại, ca sĩ thì hình như sướng lắm với giọng ca của mình; cứ nhìn gương mặt phơi phới như cờ được gió là biết. Rời sân khấu, ông cũng chưa được yên với đám thuộc cấp đứng quanh, cứ thi nhau nâng cốc, tâng bốc bằng những lời giả lả cùng tiếng cười “khuyến tài khuyến lộc”.
 
Những cận thần của ông còn đi xa hơn trong mơn trớn, vuốt ve niềm vui của sếp. Mỗi khi nội bộ có tiệc vui hay liên hoan văn nghệ, họ đều bố trí những ca khúc làm hài lòng người đứng đầu cơ quan. Cũng điểm xuyết vài bản tình ca hay lướt qua mấy bài về ngành rồi họ khẩn trương tập trung vào chủ đề ngợi ca quê hương sếp. Nhiều khán giả ngớ người, không biết đám tâm phúc của sếp đào đâu ra lắm bài hát nhằm thỏa mãn nhu cầu hướng thượng đến thế.
 
Cả những làn điệu dân ca dân vũ có nguồn gốc từ quê sếp, tưởng đã bị thất truyền cũng được bọn họ phù phép cho sống lại. Trong khi nhiều người nhăn mặt, lắc đầu, quay đi hoặc lầm bầm rủa “trò hướng thượng” thì sếp vui rạng rỡ, chốc chốc lại lên sân khấu tặng hoa ca sĩ. Đám cận thần chỉ cần thấy sếp thế là sướng rồi, còn đám đông có chửi cũng kệ.
 
Người thường nhăn mặt quay đi mỗi khi ông đăng đàn ca hát lại chính là vợ ông. Những khi cùng dự tiệc, thấy chồng nhìn lên sân khấu với vẻ nhấp nhỏm, bà khoèo vào chân ông, ra hiệu không được manh động. Nếu thấy thuộc cấp của chồng lởn vởn vây quanh, gạ gẫm sếp lên sân khấu, bà còn nạt cho: “Thôi đi, đừng xúi dại!” Nhưng khổ, vợ đâu phải lúc nào cũng kè kè bên chồng nên nói chung quyền tự do ca hát của ông vẫn được thỏa mãn và phát huy. Có người còn bảo, tiệc nào không được hát, chắc ông phải mất ngủ cả đêm sau đó. Dễ thế lắm, những khi bị vợ cấm chỉ biểu diễn, ông lộ rõ vẻ bứt rứt, ngồi không yên và chẳng thiết ăn uống gì. 
 
Người thứ hai dị ứng giọng hát của ông là anh bảo vệ cơ quan; anh này chọc ngoáy theo kiểu kêu tên ông kèm danh xưng ca sĩ rồi ngoác mồm cười khành khạch như hóa dại. Trong khi nhiều thuộc cấp dành những tràng pháo tay như sấm sét cổ vũ giọng ca của sếp thì anh là kẻ độc hành ngược chiều, ngồi bất động, lặng suy tư. Có khi không nén được, anh còn bật ra lời báng bổ trắng trợn khiến nhiều người giật mình, trố mắt:
 
“Hát hay nhưng không hát hay hơn!” Nghe mấy cận thần thi nhau bơm giọng ca của sếp, anh liền quay đi, chun mũi, hệt như đang gặp phải thứ mùi khó ngửi. Thái độ không thiện chí ấy của anh diễn ra sau lưng nhưng lòng vòng rồi cũng đến tai ông. Nhưng anh không ngán, thậm chí còn nói thẳng: “Sếp cứ nghe mấy thằng trời ơi đó khen đểu, coi chừng có ngày hối không kịp.” Ông nạt cho kẻ thuộc cấp dám ngang ngược xẵng giọng như vỗ vào mặt sếp. Anh im nhưng vẻ ấm ức, không tâm phục.
 
Hôm anh bảo vệ bôi bác ông trên mạng xã hội thì ông không chịu được nữa. Anh xuất hiện trong một clip với đám bạn; giả giọng, giả phong cách hệt như ông và hát đúng những bài ông hay hát. Anh cũng giới thiệu những “ca khúc rất dễ thương”; rồi kêu gọi “cho một tràng pháo tay, quý vị ơi” khi kết thúc mỗi bài… Cả đám bò ra cười rũ như lũ điên. Sau cùng, anh đột ngột thôi bỡn cợt, lấy lại nét mặt nghiêm trang, ngân nga lời chế một ca khúc nổi tiếng: “Dở hay nếu ai không biết/Sẽ không lớn nổi thành người”. Cả đám vỗ tay rào rào như thể tán thưởng cái câu kết đầy ngụ ý kia thay vì cả xê-ri bài hát bắt chước trước đó.
 
Ông đùng đùng nổi giận, muốn tính sổ với kẻ chơi xỏ mình nhưng nghĩ lại, ông do dự rồi chùn tay. Các cụ bảo đánh chó còn kiêng chủ nhà, đằng này… Nhân viên bảo vệ là cháu của sếp cũ cơ quan; chính vị này đã bàn giao công việc cho ông trước khi về nghỉ hưu, với những trao đổi kinh nghiệm rất thân tình, đáng quý. Vả lại, lấy lẽ gì để trừng trị kẻ bất kính kia. Lý trí không cho ông tự biến thành kẻ bội nghĩa và hồ đồ nhưng căm tức thì không thể gạt bỏ.
 
Ông chẳng thèm nhìn mặt kẻ biêu riếu mình; mỗi lần qua cổng cơ quan, ông đi thẳng, không ngó vào phòng bảo vệ và tươi cười như mọi khi. Ông cũng chỉ làm được thế, chân bảo vệ giống như kẻ trọc đầu, lấy gì mà nắm, có gì để mất. Bổng lộc? Không! Địa vị? Chẳng ai tranh cái chân chót bảng ấy! Lương thì không thể tùy tiện cắt cúp, khi người ta hoàn thành công việc.
 
Anh bảo vệ hình như sớm bắt được sóng lòng của sếp nhưng vẫn thản nhiên, hoàn toàn không nhún mình xoa dịu để cấp trên hạ nhiệt. Vẻ như anh hơi buồn. Trong các tiệc vui ở cơ quan, khi sếp thượng đài và hát thì anh chỉ ngồi lặng, chẳng tỏ thái độ; cùng lắm lấy cớ hút thuốc để đi ra ngoài. Sau cùng, với lý do để gần nhà, anh xin chuyển về làm bảo vệ cho một công ty trên địa bàn xã nhà. Ông thấy thế cũng thuận cho đôi bên nên không cản.
 
Mới đây, ông bất ngờ gặp lại anh trong đám cưới con trai sếp cũ ở quê hương của họ. Vị này nghỉ hưu đã lâu nên chỉ mời vài người thân ở cơ quan cũ, trong đó đương nhiên có người kế nhiệm là ông. Lâu ngày gặp lại, ông và anh bảo vệ  tươi cười chào nhau; trong khi anh cười phô cả hàng tiền đạo thì nụ cười của ông, nếu đo được, chỉ có một nửa thân thiện. Cũng chỉ thoáng qua rồi họ cùng vào hôn trường, ông ngồi sát sân khấu, anh ngồi bàn cuối ngay cửa ra vào, người nhà vẫn thường chọn vị trí khiêm nhường như thế.
 
Đây có lẽ là lần đầu ông tự mình đăng ký tiết mục góp vui văn nghệ. Đơn giản là ở đây ông không có các cận thần vệ tinh; nhiều người không biết ông là ai. Cũng bởi không biết nên MC xếp ông hát gần cuối, chứ chẳng phải “giờ vàng”- mở đầu như mọi khi. Và rồi, sự cố đã xảy ra.
 
Ông vừa hát được nửa bài thì cử tọa rùng rùng đứng lên ra về. Anh bảo vệ liền bật dậy, đưa tay chỉ chỉ lên sân khấu rồi ra hiệu mọi người ngồi xuống. Anh cố giữ khách bằng giọng khẩn cầu rối rít: “Người ta đang hát, bà con nán lại một chút, một chút thôi, lịch sự mà...” Số đông vẫn quay lưng với ca sĩ, đi về phía cửa, lẫn trong tiếng ta thán giữa trời: “Đúng là giọng ca tiễn khách!” Chỉ số ít cử tọa, nhất là những người ngồi gần anh nán lại; số ít ấy đã cho ông bớt bẽ bàng.
 
Nguyễn Trọng Hoạt
,