.

Bến sông quê

.
14:34, Thứ Bảy, 25/05/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Khi tôi mới lẫm chẫm biết đi, biết nhớ thì đã có bến rồi. Không biết xửa xưa, cha ông từ ngoài Bắc vào đây lập nghiệp tụ cư dọc hai bờ Kiến Giang đã mở cái bến như như thế nào! Đến đời chúng tôi, cái bến nước dẫu còn sơ sài nhưng không hoang vu lắm nữa. Từng chặng, giữa dọc dài dân cư hai bên tả hữu Kiến Giang có những cái kiệt ngang chạy song song như xương cá, gọi là “trôổng”. Mỗi trôổng có chừng mươi nóc nhà. Đầu mỗi trôổng tiếp giáp với sông có một cái bến nước, là nơi giao tiếp giữa con người với con sông.
Kiến Giang soi bóng. Ảnh: Tiến Hành
Kiến Giang soi bóng. Ảnh: Tiến Hành
Nói “giao tiếp” là ý rằng, ngoài chuyện ăn uống, tắm giặt, giao thông thuyền bè, người ta còn coi con sông như một vật linh, một nơi gửi gắm. Vui, ra bờ sông đứng cười. Buồn, ra bờ sông ngồi khóc. Nóng, ra hóng mát, hóng chuyện. Cô đơn, ra ngồi thổi sáo giãi bày.
 
Cái bến sông của trôổng tôi bên tả ngạn Kiến Giang, như bao bến sông khác, cũng có bóng mát của bụi tre, có cây cầu gỗ lát hai lớp ván giật cấp. Người rửa rau, gánh nước thì bước ra lớp ván ngoài múc nước sạch.
 
Chùi chân, tắm giặt thì ngồi lớp ván trong gần bờ. Thời bọn trẻ chúng tôi tắm sông tập bơi thì cầu bến đã cũ nát, chỉ còn sáu cây cột gỗ bám đầy con hà, con ốc ẩn hiện dưới nước. Lũ chúng tôi quen với những cái cột đến nỗi cứ đứng trên bờ nhảy ào xuống nước mà không hề hấn gì. Cái chuyện học bơi của chúng tôi cũng nguyên thủy lắm. Thực ra, chẳng ai dạy mà cũng không ai học.
 
Đơn giản, buổi trưa hè nắng nóng, mỗi đứa bé cứ ôm lấy một đoạn thân cây chuối làm phao, chân đập loạn xạ. Qua một mùa hè là có thể thả phao, tự bơi. Ban đầu “chập bũng”, sau rồi cũng bơi sải thành thạo, ra dáng.
 
Ngày trước, chuyện họp xóm là hy hữu lắm, có khi vài năm mới có một lần. Vậy nên, cái bến nước chính là nơi “hội họp”. Ở đó, buổi trưa, buổi chiếu luôn quần tụ năm bảy, có khi tới mươi người. Và, những chuyện trên rừng dưới biển cứ thế mở ra khép lại. Bến sông trổổng tôi có một cây cừa cành nhoài ra mặt nước.
 
Từ đó thả tua tủa từng chùm rễ phụ nâu đỏ như bột râu của người già trong truyện cổ tích. Những buổi trưa gió nam, những đêm hè trăng sáng, nhánh cừa là “thiên đường” của lũ trẻ choai choai nằm nghe gió thổi, thân tre cọ vào nhau, lá tre rụng xạc xào, tiếng cá móng dưới nước, tiếng sáo trúc của ai uốn lượn vẳng lại từ đầu thôn. Có lúc nghe rõ một tiếng “tủm”, rồi lóc bóc-lóc bóc là biết có con tấy (rái cá) vừa nhảy xuống nước bơi vào hang.
 
Kịp đến tuổi mười lăm, cái bến sông và cây cừa già không còn “vô tư” nữa. Một đêm mùa hè khô nóng, chúng tôi chơi trăng chán chê bèn tìm về bến sông cởi quần áo định leo lên thân cây cừa nhảy ùm xuống sông tắm mát, bỗng nghe có tiếng gì lào phào, tiếng thở gấp. Cả bọn nín lặng tiềm nhập lại gần mới nhận ra thằng Ngạc với con Mai đang đang cầm tay nhau. Thằng Ngạc hơn tôi một tuổi, mặt đã nổi mụn trứng cá.
 
Con Mai cũng phổng phao ra dáng thiếu nữ, ngực tròn nhô lên, búi tóc dày, má hồng rực, mắt long lanh. Hai đứa ngồi sát nhau trên nhánh cừa, tay trong tay nhìn nhau trân trân. Trống ngực tôi đập hơn trống làng.
 
Sinh lực thằng con trai căng cứng khắp nơi. Lần đầu tiên tôi tự biết mình đã lớn. Đó là vào năm 1966, không quân Mỹ ào ạt đánh ra miền Bắc. Năm sau, thằng Ngạc nhập ngũ. Từ bến sông, chiếc thuyền gỗ quay mũi chở nó sang bờ bên kia để lên huyện. Nó vào lính cao xạ. Bốn tháng sau, trong một trận chiến đất đối không, Ngạc dính mảnh đạn Rocket, hy sinh.
 
*
Cái bến sông nhiều khi lại là hình bóng của cánh đồng. Mùa nào bội thu, nông dân gặt hái chở nặng thuyền về cập bến, xóc lúa gánh trĩu vai, nói cười rổn rảng. Mùa thất bát thì ngược lại, gánh lúa nhiều thóc lép nhẹ bẵng, gương mặt người cũng ảm đạm. Với lũ trẻ nhỏ chúng tôi thì được mùa hay thất bát cũng không ngăn được cái khoái của trò khỏa thân, đứng cao trên lái thuyền nhảy ùm ra giữa dòng nước.
 
Theo với lúa là cá. Hồi xưa, cánh đồng vùng tôi cá nhiều lắm. Nhiều đến nỗi một gia đình đi tát, bắt cá ruộng mà cũng phải chở đò, mang theo cơm trưa, quây cả chạc ruộng, dùng dây ngao dồn cá về một góc. Chiều về đầy cả đò cá. Cánh phụ nữ sợ xanh mắt. Trảy vảy, làm ruột, xóc muối cho hết đò cá phải trắng đêm. Bến nước tanh rình nhưng tới mùa mưa rét thì tha hồ có cá mắm ăn ngon.
 
Mùa mưa lụt thì lại là chuyện khác. Sông Kiến Giang ngầu đục, cuộn sóng. Rều rác gỗ củi trôi về băng băng. Những người đàn ông khỏe mạnh chèo thuyền như đánh võ giữa dòng nước lớn, vớt củi. Mỗi bến sông thế nào cũng có vài anh đứng cất rớ (vó).
 
Theo đó, vài mươi người đứng chầu rìa, lội nước lụt chơi. Nước lên to nữa, thì ngả thân chuối đóng thành bối (bè) chống đi khắp làng thăm nhau. Nhưng, ký ức dịu ngọt mà ấn tượng hơn cả về bến sông, không phải mùa tát cá, mùa gặt hay lũ lụt mà là vào độ giêng hai. Giáp hạt, vùng đồng chiêm rất dễ bị đói.
 
Chú, bác, cô, dì rủ nhau chèo đò lên miền thượng mua sắn khoai, bóc mây, lấy củi. Chiều về mang theo nhiều sản vật miền rừng, thứ cho trẻ con, thứ để chống đói. Người đợi đông trên bến như “chờ mạ đi chợ về”.
 
Một lần khác, tôi đi học cấp ba trên trường huyện về thấy bến sông khá đông người nhưng ai nấy âm thầm làm việc. Vẳng tiếng trống kèn, tiếng khóc mới hay tin bà cụ già nhà ở đầu trôổng đã mất. Người ta kết hai ba chiếc đò, lát ván phẳng để “tuồng đồ” che quan tài gọi là “nốốc kết”. Nửa đêm, di quan xuống thuyền chèo ngược lên vùng thượng du.
 
Thuyền chèo ngược sông, tiếng trống trầm buồn cầm nhịp cho âm công chèo thuyền và tiếng hò đưa linh âm vang trong không gian tĩnh lặng nửa đêm về sáng ghi dấu vào ký ức đời người không bao giờ quên. Mươi năm gần đây, xuất hiện dịch vụ ca nô kéo thuyền tang. Ban đầu, bà con phản ứng, cho rằng đã “trăm tuổi” còn bị kéo cổ lên rừng, lại không được chèo mái nện mái xắp, hò đưa linh tống tiễn. Nhưng rồi, sự tiện ích của máy móc dần dần đánh bại nhu cầu truyền thống. Tiếc cho một sinh hoạt văn hóa dân gian nữa lại bị mai một đi.
 
*
Thuyền ơi, có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi tuyền
 
Tôi nhớ rất rõ, đầu năm 1973, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, hiệp định Pari ký kết, từ chiến trường trở ra đã thấy cái bến sông được xây tam cấp bằng xi măng. Lần đầu tiên, trong cảnh quê hương thanh bình, tôi được ngồi trên bậc bến trong đêm trăng như cổ tích cạnh một cô gái làng.
 
Không như thằng Ngạc năm nào, tôi đã trưởng thành, cầm tay em biết nói những lời có cánh. Em run như một con chim dẽ dồng. Cổ tay em tròn đầy trong bàn tay tôi. Vậy mà, đường đời trăm ngả, tôi còn đi nữa để khi trở lại với bến xưa thì đã chẳng còn em...
 
Ôi, những cái bến sông! Cuộc đời mỗi người đi qua biết bao bến đục-trong-lớn-bé-xưa-nay, chỉ duy nhất một cái bến của thôn hương của ngõ xóm mình là luôn níu gọi. Ở đó, dẫu người xưa không còn thì bóng một cây cừa, một bụi tre, tiếng lóc bóc của con rái cá và lời hẹn thề văng vẳng nào đó cứ khăng khăng réo gọi ta về.
 
Nguyễn Thế Tường
,