.

Muối mặn

.
09:09, Chủ Nhật, 10/03/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Đêm ấy, bếp lửa giữa nhà sàn bập bùng sưởi ấm và soi tỏ cho già Sơn chuốt lại các nan mây. Những sợi mây tắt dài và chỉ nhỉnh hơn đầu đũa lấy từ Dốc Mây vào cuối mùa gió heo may, được phơi qua nắng nhẹ, gác bếp qua mùa rẫy mới đủ dai, kết thành những chiếc gùi theo lưng người Vân Kiều đi khắp núi rừng Trường Sơn. Chốc chốc, ông lại nhìn về dòng suối trước bản.
 
Hơn hai tháng xuôi dòng Long Đại về vùng Rào Trù lấy nước, con Mạy bên bản Chút Mút và thằng Pông luôn bên nhau. Chúng đã về! Đàn bò băng suối khua nước như báo cho ông biết, đi đầu đàn bò vẫn là con Min của nhà ông.
 
Chúng kéo theo những thân tre to được đục thủng mắt chứa đầy nước. Cháu đã về, yên tâm ông chuốt tiếp mấy nan mây. Nước đã đổ hết vào các chum, chóe, bò về sàn đã lâu mà hai đứa vẫn bịn rịn dưới suối. Con Mạy cúi người, dòng nước từ cánh tay vạm vỡ, chắc như gỗ táu của thằng Pông chảy dài theo suối tóc của nó. “Hai đứa đã phải lòng nhau!”.
 
Con Min là người bạn của gia đình ông. Hơn 7 mùa rẫy trước khi người Vân Kiều rời vùng Tây Quảng Trị để tránh người Pháp bắt đi xâu đi lính đến định cư ở đất này được mấy năm. Nắng to, hạn tiếp hạn, suối khe cạn khô, dòng Long Đại chỉ còn le te ít nước, cỏ lau khô quắt, đá rơi làm rừng tranh bên Ba Rền liên tục cháy. Đàn bò được lùa về thung lũng Chút Mút nơi còn có cỏ, tranh để chúng vượt qua đợt khô hạn kéo dài. Có mưa vùng Trệt bắt đầu xanh trở lại.
 
Lẫn trong đàn bò chầm chậm về bản nổi bật giữa mấy chú bò con là con nhỏ nhất lông đen mượt, cầu cất phủ lông dày như bờm ngựa, tập tểnh theo con bò cái tên Hoen của nhà ông. “Giàng ơi!”. Già Sơn kêu lên, đây là một chú bò lai giữa con Hoen và một con bò rừng nào đó.
 
Một móng con bên chân phải trước của con bò lai đã bị mất, chắc là nó bị kẹt vào hốc đá, khi rút được chân lên thì đá sắc đã gọt đi, chân chưa lành nên nó vẫn còn tập tễnh. Hiếm khi nuôi được loại bò này, với bản tính hoang dã nếu không có cách cầm chân, sớm muộn gì chúng cũng tìm về với rừng đại ngàn.
Già Sơn đặt cho nó cái tên Min theo cách người Lào Lùm gọi loài bò rừng. Con Min sớm bộc lộ các phẩm chất của một con đầu đàn. Nó giúp ông làm cái nương, cái rẫy, đưa những cây gỗ to về để ông dựng lên nếp nhà sàn bề thế này. Nhớ nhất là dịp con Min giúp dân bản hạ con cọp to tại bãi Đìu Đo. Dạo đó, rú động, con cọp một mắt thường xuyên mò về bản bắt trâu bò.
 
Dân bản khua chiêng, gõ mõ vang động cả núi rừng mới xua được nó đi. Không ai dám rời bản, lúa trên rẫy đã cúi nhưng không đi tuốt được, được mùa mà nguy cơ đói kém đã cận kề. Dân các bản phải đưa trâu bò vào bãi Đìu Đo lánh nạn.Vào Đìu Đo chỉ bằng một lối nhỏ, khá dốc nằm dọc suối, bên này là dốc núi cao, bên kia là vực thẳm, cây rìn rìn kên dày phủ kín cả suối Trệt.
 
Cuối đoạn đường dốc là một bãi đất lẫn đá mồ côi tương đối bằng phẳng đủ cho cả đàn ngủ đêm. Con Min luôn nằm ngoài cùng, phía sau là 5,6 con bò tơ lực lưỡng cùng hướng về phía chân dốc, mắt lim dim. Đàn bò chưa kịp quen chỗ, con cọp đã mò tới.
 
Chưa bắt được bò, đêm nào nó cũng lảng vảng quanh bãi Đìu Đo, thỉnh thoảng nó lại đi lên dốc, có lúc con cọp chỉ cách con Min chưa đầy một bước nhảy. Suốt đêm, đàn bò luôn chộn rộn, căng thẳng, no cỏ nhưng chúng sọp đi trông thấy. Đàn bò, vốn liếng của cả mấy bản và quỹ ủng hộ kháng chiến đang đứng trước nguy cơ bị con cọp bắt dần.
 
Trai làng dựng chòi cạnh bãi giương nỏ sẵn sàng bảo vệ đàn bò. Nhưng con cọp khi ngửi thấy hơi người là bỏ đi. Già Sơn họp các bô lão tìm cách trừ cọp dữ, các thanh niên cường tráng nhất, giỏi bắn nỏ nhất được chọn. Qua 3 đêm dầm sương, nhóm bắt cọp do già Sơn chỉ huy đi về bãi Đìu Đo.
 
Nấp sau mấy tảng đá, cây bụi phủ kín, 5 cánh nỏ luôn giương sẵn. Mùi khét không lẫn vào đâu được sộc vào mũi, con cọp đã mò tới, nó thận trọng quan sát, chậm rãi bước lên dốc. Tấm lưng dài rộng loang lổ, uốn theo nhịp chân. Lên mép dốc, nó dừng quan sát, đàn bò dồn lại đứng sát vào nhau.
 
Lần này, nó quyết tấn công con đầu đàn! Con Min hơi co người lại.  Già Sơn quan sát kỹ từng động thái của con cọp... Gập thân hết cỡ, con cọp tung mình, miệng ngoác rộng nhằm cổ con Min bập vào.
 
Trong chớp mắt con Min duỗi thẳng 2 chân trước, phần thân trước hạ thấp sát đất, con cọp vồ trượt. “Roạc”, con Min giật ngước đầu lên lắc mạnh, sừng trái cắm vào bụng dưới con cọp, máu cọp tuôn ra xối xả. Cả thân hình to lớn của con cọp đè lên con Min. “Bắn!”, sau khẩu lệnh của già Sơn, 5 mũi tên tẩm độc cắm phập vào cổ con cọp. Giãy giụa một hồi lâu, con cọp tắt thở. Ánh đuốc trên tay già Sơn rà sát quanh miệng con cọp, lông mép con cọp cháy khét lẹt…
 
Sau hai trận đánh bắt sống quan Tây tại chợ Chè giữa ban ngày và trận phục kích đoàn thuyền lương của địch ở rào Tân Lệ, lính đồn tìm cách phong tỏa các ngã đường lên các chiến khu Bang Rợn và Ba Rền. Hàng hóa theo dòng Long Đại vẫn ngược xuôi, trừ muối. Không ai nghĩ đến việc này, chỉ cách biển một ngày đường mà thiếu muối. “Quan đồn thu muối”, thằng Pông từ chợ Cổ Hiền về, vừa bốc hàng dưới thuyền lên vừa nói với ông.
 
Bữa ăn những ngày thiếu muối thật thảm hại, miếng thịt rừng nhạt thếch, nuốt không trôi. Người bải hoải dần, cầm không nổi cây rựa, cái cuốc. Cách gọi đàn bò về bản hàng đêm bằng cách cho chúng ăn cỏ trộn muối không còn tác dụng. Thiếu muối, gần nửa tháng, đàn bò không về bản.
 
Lần này, chúng không tìm đến các đồi cỏ bên Chút Mút, bên Rìn Rìn mà đi về phía mặt trời mọc. Dấu chân to, có tật ở ngón phụ của con Min dẫn già Sơn qua vùng Đá Búa, Hôi Rấy băng qua thác Tam Lu về phía núi Rào Trù. “Ông ơi! Con Min kìa”, thằng Pông chỉ về bãi trước mặt, đàn bò đang thong thả gặm cỏ trên bãi ven sông.
 
Nắng tháng sáu nung cháy núi rừng, nhưng đám cỏ ven sông vẫn xanh mướt, thỉnh thoảng đàn bò lại xuống sông uống nước. Con Min dừng gặm cỏ, vẫy đuôi khi già Sơn và thằng Pông đến, rồi lại tiếp tục cúi đầu gặm cỏ, dưới ánh nắng vệt đất pha cát ven sông lấp lánh ánh kim.
 
- Giàng ơi!  Mặn!-Già  Sơn vốc nước sông uống thử, kêu lên.
 
- Chi ông?-Thằng Pông sững người hỏi lại ông nó.
 
May quá, thằng Tây cấm muối nhưng thiên nhiên đã đưa vị mặn của biển khơi đến hai xã kháng chiến Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám. Trong những ngày nắng hạn, thủy triều đưa vị mặn của muối biển lên tận chân núi Rào Trù. Hèn gì cỏ ven sông có cọng nhỏ màu tím, cuống phủ lông tơ mềm, lá xanh ngắt!
 
Một lần nữa, con Min lại giúp người Vân Kiều. Bản tính hoang dã đã đưa nó đi khắp đại ngàn, không bờ bãi nào là không in dấu chân của nó. Con Min dẫn đàn đi về phía mặt trời mọc có bãi cỏ mặn trong những ngày nhớ muối để lại dấu chân cho ông cháu ông tìm đến.
 
Thằng Pông cùng con Mạy bên bản Bến Đường lại được cử dẫn thanh niên các bản về vùng Rào Trù lấy nước mặn. Những ống luồng chứa đầy nước được đàn bò kéo theo đường mòn xuyên rừng tránh những con mắt xoi mói của quan Tây về bản. Sau những ngày đi rừng đi rẫy, bà con tranh thủ đun cô nước mặn lấy muối. Không dư dả, nhưng dòng Long Đại đã cho người Vân Kiều và quân dân vùng chiến khu vượt qua đợt cấm muối khắc nghiệt.
 
Rồi quan Tây cũng biết nhưng đã muộn, người Vân Kiều không về chợ Cổ Hiền, chợ Mỹ Đức mua muối, mà cuộc sống của họ hầu như không có gì xáo trộn gì. Khi quan biết thì muối biển từ vùng Lý miền Nam ngược sông Dinh qua đường Ba Rền đã đến được Ho Rum, Mít Cát…  và vào tận Hướng Hóa, Quảng Trị.
 
Đêm nay, nước mặn đã đổ hết vào chum, chóe, đàn bò về gầm sàn ngủ đã lâu, mà hai đứa vẫn bịn rịn dưới suối. Lẽ ra ông vui mới phải. Niềm vui vừa đến đã sớm vụt tắt. “Chúng nó khó mà nên vợ nên chồng được!”. Khổ thế! Không khéo rồi thằng Pông cũng như bố mẹ nó thôi. Tục xin cưới của người Vân Kiều cần nhiều trâu bò, bạc nén, mâm đồng lắm, thời buổi giặc giã…, rồi nó cũng phải nhìn con Mạy đi lấy chồng thôi. Nước mắt ông đã chảy.
 
Người Vân Kiều hay kể lại những cậu chuyện buồn về chuyện trai gái yêu nhau mà không được thành vợ thành chồng. Tục cà răng của con trai Vân Kiều xuất phát từ một mối tình không thành, đôi trai gái không lấy được nhau nên họ đã cùng chết, mang theo mối tình dang dở.
 
Từ đó, con trai Vân Kiều lớn lên phải cà răng. Nhiều người vướng vào tục nối dây, mấy anh em lấy chung một vợ, vợ thì già mà chồng quá trẻ, sinh con sinh cháu ngày một què quặt đi… Càng nghĩ, lòng ông càng đau như xát muối mà đành chịu!
 
Bố mẹ thằng Pông chết khi còn quá trẻ, cả bản bàng hoàng. Ông đưa nó về nuôi khi còn bé xíu, càng lớn nó càng khỏe, đã khéo tay mà còn rất chịu khó. Bố nó làm nhiều cái rẫy, nuôi mấy con trâu, đổi gỗ lấy mâm đồng, nhưng một mình vẫn làm không kham…
 
Không cưới được nhau, bố mẹ nó phá lệ về ở với nhau trong sự dèm pha của dân bản. Bụng mẹ nó ngày một to, họ phải ra cái chòi rẫy ở, thằng Pông được sinh ra trên chòi rẫy nằm chênh vênh lưng núi, trong những ngày gió mưa tháng tám. Mưa thối đất, mưa gãy cây rừng.
 
Đất trượt! Dân bản tìm được thằng Pông, cha nó chống hai tay, hai chân gồng mình che chắn cho nó. Dân bản moi đất tìm người, Pông còn thoi thóp thở. Chăm Pông từ đó, được cái ông trời thương, Pông ít ốm đau, khỏe mạnh, hiếu động và rất sáng ý, nó giúp ông hết việc này đến việc khác. Mới ngày nào còn đỏ hỏn mà giờ nó đã ra dáng một chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Đến vùng đất này, người Vân Kiều cưu mang, đùm bọc nhau như ruột thịt, đương đầu với bao khó khăn, họ kết thành một khối tưởng chừng như không có thế lực nào chia rẽ được.
 
Được nên vợ nên chồng, thằng Pông, con Mạy sẽ có những đứa con trai với đôi chân vững như đá núi, cánh tay rắn chắc như cánh nỏ, con gái có giọng hát ngân vang như tiếng khánh đá, mái tóc dài như suối nước đen nhánh như gỗ mun và làn da trắng hơn trứng của con gà rừng… Nhưng, tục lệ cưới hỏi của người Vân Kiều qua năm tháng vẫn không thay đổi. “Nó lại như bố nó thôi!”.
 
Ông nghĩ nát cả đầu, là người sáng rừng, sáng bản, có uy tín lớn của 2 xã kháng chiến miền Tây Nam Quảng Bình và Tây Bắc Quảng Trị, có công huy động sức người, sức của phục vụ kháng chiến, nhiều phen ngăn địch lên chiếm các cung đường là những mạch máu của vùng kháng chiến miền Tây Quảng Bình, nhưng với tục cưới xin rất khắt khe của cha ông để lại, ông đành chịu.
 
Thời trước, người Vân Kiều có lúa ngập nương, có trâu bò phủ kín rừng núi. Sản vật của người Vân Kiều về miền xuôi mang về mâm đồng của người Kinh, ngược sang đất Lào, đất Thái Lan mang về bạc xòe, bạc nén. Cuộc sống sung túc cũng làm giá trị lễ cưới hỏi cũng tăng lên.
 
Nhưng thời thế không chiều mãi ý nguyện của người Vân Kiều, nhất là khi người Vân Kiều phải địu con trên lưng, lùa đàn gia súc ngày nghỉ, đêm xuyên dãy Trường Sơn ngược Bắc, xa vùng đất giáp biên giới Việt Lào của tỉnh Quảng Trị để tránh phu phen tạp dịch vì quan Tây mở tuyến đường 9 sang Lào.
 
Trên vùng đất mới, người Vân Kiều làm chung rẫy, nuôi chung con trâu, con bò, cùng kề vai nhau qua chống lại thú dữ, cùng san sẻ với nhau đọt măng rừng qua những bận đói.
 
Cuộc sống bao đời tôi rèn cho người Vân Kiều trở nên can trường nhưng cũng rất nhân hậu và vị tha. Những tưởng không thế lực nào có thể cản bước đi của họ, nhưng không, người Vân Kiều phải mang theo một tục lệ, một ranh giới vô hình bao đời không vượt qua được trong chuyện cưới xin, chuyện hệ trọng nhất trong đời của một con người. Đó không còn là chuyện của riêng nhà trai và nhà gái mà là chuyện của nhiều bản, của hết thảy người Vân Kiều.
 
“Đây đâu phải chuyện riêng của con Mạy, thằng Pông. Chuyện chung, vì tương lai của người Vân Kiều thì phải cùng nhau tìm cách mới được!”, già Sơn nghĩ, tẩu thuốc lóe lên khi ông rít mạnh, khói thuốc giúp ông phấn chấn hơn.
 
Các già làng, bô lão của hai xã đã họp bàn đến 6 bận rồi mà tình hình vẫn căng hơn dây nỏ. Trên vùng đất mới, có bận, thằng Tây bắt trai làng bản Hôi, bản Rấy về Cổ Hiền, Đồn Mới xây đồn phải bỏ cái nương, bỏ cái rẫy.
 
Có năm, gió Lào sớm làm lúa rẫy của bà con bên Bến Đường, Cổ Tràng khô quắt lại, mất mùa riêng, thiếu đói, người Vân Kiều mượn nhau từng thúng lúa, gùi sắn để cùng nhau vượt qua kỳ đói kém. Bản này mượn của bản kia, năm nào có thì trả. Đói, mượn lúa. Nhạt, mượn muối, thiếu thịt, mượn trâu bò.
 
- Ừ, mượn! Cái ăn là quan trọng nhất mà bà con đã tháo gỡ được! Hay ta mượn của cưới vợ cho cháu ta?-già Sơn đột nhiên thốt lên.
 
- Cấy chi? Nói lại tui nghe!-già Hùng bên Mít Cát hỏi ngay, khi già Sơn vừa dứt lời.
 
- Ta mượn của cải để cưới vợ cho các cháu!-Già Sơn thong thả tiếp lời già Hùng.
 
- Đúng rồi, đúng rồi!-tất cả già làng đồng thanh cất tiếng.
 
- Dưới xuôi, cán bộ đã phổ biến việc cưới hỏi theo lối sống mới!-đến lúc này, cán bộ Đông lên tiếng.
 
Lâu nay, các già làng cũng đều canh cánh nghĩ về việc tạo điều kiện cho bọn trẻ lấy nhau. Phải có cách chi đó giảm bớt lễ lạt đi mà không mang tiếng với tổ tiên, ông bà vừa được mọi người chấp nhận. Mượn nhau của cải làm sính lễ để cho các cháu thành vợ chồng: Cưới mượn...
 
Tin báo về cho già Sơn: “Bà con đều ủng hộ ý kiến của các già làng”! Mâm đồng, bạc nén, trâu sính lễ… đã đủ, tháng tới, già Sơn sẽ mời các bản về dự cưới cháu ông.
 
Đám cưới của thằng Pông, con Mạy trở thành đợt liên hoan chung của hai xã. Suốt cả tuần, các bản mổ trâu, mổ bò liên hoan. Trời đất ngã nghiêng say.
 
Nguyễn Lương Cương
(Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình)
 
,