.

Hát về người lính quân hàm xanh

.
08:53, Chủ Nhật, 03/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Tôi có trong tay những tuyển tập ca khúc về người lính, anh bộ đội Cụ Hồ, trong đó ghi cả năm ra đời của từng ca khúc. "Đêm trên Cha Lo" của nhạc sĩ Phạm Tuyên-1971 có lẽ là ca khúc ra đời sớm nhất viết về người lính quân hàm xanh. Từ đó đến nay, đã có nhiều ca khúc của các nhạc sỹ Việt Nam, nói lên được hình ảnh cao đẹp của người lính Biên phòng cầm chắc tay súng bảo về biên cương Tổ quốc.

Mở đầu ca khúc Đêm trên Cha Lo, nhạc sĩ Phạm Tuyên viết: "Đêm nay ta về bên nhau, vui tin thắng trận miền Nam/Biên giới sáng trong niềm vui mới/Vang vọng tiếng đoàn xe qua/Hỡi gió núi hãy hát cùng ta/Niềm hân hoan gửi vào tiếng ca/Suối ngàn hãy ngân theo điệu khèn/Nắng quê hương bừng lên...".

Bài hát ngợi ca lính Biên phòng ở Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo, nơi cửa khẩu quốc tế sang nước bạn Lào và tuyến đường Trường Sơn hành quân vào chiến trường miền Nam những ngày đánh Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đồn như một vì sao sáng, canh giữ vùng biên cương của Tổ quốc: "Ơi Cha Lo! Nơi rừng núi miền tây Tổ quốc/Bừng sáng lung linh một vì sao/Vì một tiếng ru hời hay tiếng đánh vần bi bô/Những cánh đồng hợp tác hay những nhà máy khói bay/Có chúng tôi đây vững vàng trên miền tây...".

Cùng với Đêm trên Cha Lo, bài hát Chiều dài biên giới của Trần Chung, ra đời từ năm 1979, đã mở đầu cho phong trào sáng tác về những người lính Biên phòng. Trong bài có đoạn: "Chiều dài biên giới/Dài theo bước chân chúng tôi/Những đỉnh núi mờ sương/Tiếng sóng vỗ trùng dương/Nghe đất quê hương hát cùng bước chân chúng tôi...".

Hình ảnh những bước chân lính Biên phòng hành quân dài theo đất nước, dài theo lịch sử đánh giặc ngoại xâm phương Bắc hàng ngàn năm trước: "Hành quân đi ven rừng xưa còn in bóng cờ/Vó ngựa ngàn năm những anh hùng đi giữ nước/Đây Chi Lăng, đây Đống Đa còn vang tiếng thét/Vẫn còn kia/Tiếng sóng xô Bạch Đằng đã cuốn đi cuồng phong/Qua rồi thời vương bá...". Ca từ kiên cường, dũng mãnh; âm nhạc hùng tráng, hừng hực khí thế tiến công đánh đuổi quân xâm lược biên cương của Tổ quốc thân yêu.

Hình ảnh người chiến sỹ mang quân hàm xanh đã đi vào nhiều bài hát một cách chân thực, xúc động. Ảnh: Đ.Vân
Hình ảnh người chiến sỹ mang quân hàm xanh đã đi vào nhiều bài hát một cách chân thực, xúc động. Ảnh: Đ.Vân

Trong bản hùng ca Lời tạm biệt trước lúc lên đường của nhạc sỹ quân đội - đại tá Vũ Trọng Hối có đoạn: "Ngày ra đi hướng biên cương gió bấc tràn về lòng anh lạnh buốt/Nòng súng thép dán câu thơ, ý thơ tuyệt hay là thơ Lý Thường Kiệt/ Lòng người Việt Nam nào đâu thích gì đạn bom./Ngọn nguồn đau thương trải qua nhiều rồi..." và nếu "giặc dùng đạn bom thì ta giáng trả đạn bom!/Quyết chiến thắng cho hôm nay, cho con cho cháu và cho khắp mọi miền.../Đời tuyệt đẹp, gió bát ngát/Xanh xanh câu hát trời trong sáng tuyệt trần...".

Đúng vậy, đã có nhà thơ viết: "Dù rằng đời ta thích hoa hồng. Kẻ thù buộc ta ôm cây súng". Cuộc sống thanh bình, bao chàng trai, cô gái đang vui sống, lao động và học tập, vậy mà quân giặc đã liều lĩnh dùng đạn bom toan xâm chiếm đất nước ta. Trước tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ sẵn sàng lên đường, giáng trả đạn bom với giặc, quyết chiến thắng kẻ thù xâm lược để bảo vệ biên cương.

Sau những ca khúc ngợi ca người chiến sỹ Biên phòng, một số ca khúc ra đời đã khắc họa đậm nét những hình ảnh xanh tươi nơi miền biên cương của đất nước, hình ảnh người lính quân hàm xanh ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc thân yêu.

Trong bài Hoa sim biên giới, nhạc Minh Quang, thơ Đặng Ái, ca từ và âm nhạc rất tươi trẻ, lãng mạn tình yêu người lính Biên phòng: "Nếu em lên biên giới em sẽ gặp bạt ngàn hoa/ Hoa sim giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong/Sắc hoa sim yêu thương trong lòng người lính trẻ/Chờ em nên tím ngát bồi hồi...".

Tình cảm quân dân nơi vùng cao biên giới được khắc họa rõ nét trong bài hát Chiều biên giới, nhạc Trần Chung, lời thơ Lò Ngân Sủn: "Chiều biên giới em ơi!/Có nơi nào xanh hơn/Như chồi non cỏ biếc/Như rừng cây của lá/Như tình yêu đôi ta.../ Em ơi! Có nơi nào đẹp hơn/Chiều biên giới khi mùa đào hoa nở/Khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây/Muôn tỏa ngát hương bay/Chiều biên giới em ơi!/Nhớ bao điều thân thương/ Đôi ta cùng chiến hào/Tình yêu đẹp tiếng hát giữ đất trời quê ta".

Cũng là ca khúc Chiều biên giới, nhưng nhạc sỹ Vũ Hiệp Bình, nguyên Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Việt Nam, đã tái hiện hình ảnh người chiến sỹ Biên phòng với cây đàn ghi ta. Những lúc yên bình, anh chiến sỹ Biên phòng ngồi bên dòng suối ngân nga câu hát, tiếng hát hòa âm với tiếng suối reo, tiếng gió bát ngát đưa hương và hoàng hôn buông xuống tím ngát khúc ca về người chiến sỹ nơi biên cương Tổ quốc: "Rừng chiều biên giới bao la/Ngồi bên con suối ngân nga/Có người chiến sỹ hát với cây đàn ghi ta"...

Và tiếng hát với cây đàn ghi ta của anh lính Biên phòng bên con suối ngân nga ấy đã làm cho bao cô gái say mê phải ghìm cương bên suối: "Chiều biên giới, bóng ai lưng ngựa ghìm cương biên suối/Lắng nghe tiếng ghita người chiến sỹ...", để rồi đời chiến sỹ tháng năm vơi đầy niềm vui nỗi nhớ cùng gắn bó với quê hương miền biên giới. dù gian khó, vẫn luôn vững chân đêm ngày đường tuần tra cùng tiếng hát thiết tha yêu đời theo cùng bập bùng ghi ta.

Ca khúc Chiều biên giới của nhạc sỹ, thiếu tướng Vũ Hiệp Bình nhẹ nhàng, tình cảm, đã khai thác chủ đề tiếng hát người lính để giới thiệu nhiệm vụ của người chiến sỹ Biên phòng, luôn cầm chắc tay súng, xuyên rừng, lội suối, đêm mưa... để tuần tra giữ yên biên cương đất nước.

Nhạc sỹ Thế Hiển với ca khúc Hát về anh đã "...khó nói hết bằng lời/Nên đọng lại trong tôi những nghĩ suy", bởi viết về lính Biên phòng, không ngôn từ nào đủ để ngợi ca hết những hy sinh, cống hiến của họ.

Các anh chỉ "Một ba lô, cây súng trên vai/Người chiến sỹ quen với gian lao/Ngày dài đêm thâu vẫn có những người lính trẻ/Nặng tình quê hương, canh giữ trên miền đất mẹ... /Cho em thơ ngủ ngon và vui bước sớm hôm đến trường/Cho yên vui mùa xuân đôi lứa còn hẹn hò ước mơ/Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...". Chúng ta "Xin hát mãi về anhngười chiến sỹ biên cương.".

Và các ca khúc: Mùa xuân của lính biên phòng, nhạc Phương Minh Quang, thơ Trần Đăng Khoa, bài Tuổi trẻ trên đường biên giới của Phạm Tịnh; bài Em hát tặng anh chiến sỹ Biên phòng của Bùi Anh Trí; bài Hành khúc chiến sỹ Biên phòng của Nguyễn Hoàng Long và bài Hành khúc biên phòng của Trần Danh... đều đã viết nên bản hùng ca người lính quân hàm xanh ngày đêm cầm chắc tay súng, tuần tra canh giữ nơi rừng sâu, núi cao, biển khơi, hải đảo, để bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Đồng Hới, mùa xuân 2019
Nhạc sỹ Dương Viết Chiến
 

,