.

Đón xuân này lại nhớ xuân xưa

.
08:24, Chủ Nhật, 03/02/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhân gian có câu “vui như Tết”, bởi đây là dịp để gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Tết cũng là dịp để các thế hệ con cháu thể hiện lòng thành và sự hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Trải qua thời gian, Tết nay ít nhiều đã có sự thay đổi, nhưng những giá trị vốn có của Tết vẫn còn hiện hữu trong đời sống của những người dân quê.

Khi từng đợt mưa phùn, gió bấc kéo về, khí trời se se lạnh cũng là lúc mùa xuân đang về ngang ngõ. Trong thời khắc thiêng liêng tiễn biệt năm cũ để đón chào năm mới, lòng người như muốn chùn lại để nhìn về quãng thời gian đã qua và nghĩ đến những ngày tháng mới trong sự xốn xang, bồi hồi và cả niềm hân hoan, rạo rực.

Thuở ấy, quê tôi chỉ là một xóm nhỏ đơn sơ. Cha mẹ tôi cả năm tần tảo với cuộc mưu sinh để chị em tôi được ăn học cho bằng chúng bạn, được xúng xính trong những bộ cánh đẹp nhất để đón chào năm mới. Và cứ thế, mỗi độ xuân về, dấu ấn thời gian hiện rõ trên gương mặt mẹ cha qua những nếp nhăn.

Hội bài chòi, một trong những trò chơi truyền thống của các địa phương trong dịp Tết.
Hội bài chòi, một trong những trò chơi truyền thống của các địa phương trong dịp Tết.

Tết xưa trong ký ức của tôi là những ngày hạnh phúc nhất trong năm bởi được ăn ngon, mặc đẹp, được tung tăng cùng mẹ ra chợ và hòa vào dòng người tất bật sắm Tết. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, song cứ đến Tết, nhà nhà đều phải có bánh chưng xanh, có dưa hành, mứt gừng và một số loại bánh như bánh ít, bánh gai, bánh mật…

Nhớ lắm giây phút quây quần cùng gia đình bên nồi bánh chưng, chờ đợi khoảnh khắc thiêng đón giao thừa để bước vào năm mới. Trong ánh lửa đỏ rực được đốt bằng những thanh củi chắc nịch, gương mặt ai nấy bừng lên sắc hồng và chị em tôi lại được nghe từng câu chuyện kể của cha mẹ luôn bắt đầu bằng cụm từ ngày xưa, ngày trước. Cha mẹ say sưa kể về những cái Tết đã qua có cả những niềm vui, nỗi buồn… và luôn nhắc chúng tôi không được quên quá khứ.

Tết xưa, trong trí nhớ của những người lớn tuổi, tuy không đủ đầy, sung túc như ngày nay nhưng lại có thừa sự ấm áp của tình thân gia đình và tình làng, nghĩa xóm. Chuyện xưa của cha, mẹ chỉ kết thúc khi nồi bánh chưng đã chín. Tôi thích nhất cái cảm giác chờ đợi khi mẹ vớt từng chiếc bánh hình vuông ra khỏi nồi và đặt ngay ngắn vào chiếc thúng tre cho ráo nước.

Bên cạnh những chiếc bánh to, mẹ còn gói thêm vài chiếc bánh nhỏ chỉ bằng bàn tay và đó là phần quà của chị em tôi. Trong lúc cha loay hoay chuẩn bị lá để tạo lớp vỏ màu xanh bên ngoài cho bánh trước khi đặt lên bàn thờ tổ tiên thì chị em tôi cùng nhau chơi trò tính nhẩm, ai tính đúng và nhanh nhất sẽ được ăn chiếc bánh chưng nhỏ xinh đầu tiên.

Ngày nay, cuộc sống người dân khác xưa nên cái cảm giác đợi Tết để được ăn ngon, mặc đẹp, được vui chơi vì thế cũng ít nhiều vơi đi. Nhiều gia đình không còn thói quen gói bánh chưng và những món ăn truyền thống vì tất cả các mặt hàng đều có sẵn ngoài chợ hay trong siêu thị, thậm chí nếu có nhu cầu sẽ được phục vụ tại nhà nên chỉ trong vài giờ đồng hồ là đã có thể sắm Tết đầy đủ.

Lũ trẻ ở thành phố không còn háo hức diện quần áo đẹp, cũng chẳng mấy mặn mà với bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành… Đáng buồn hơn là không ít đứa trẻ ngày nay chỉ quan tâm đến chiếc phong bì đựng tiền lì xì trong ngày Tết mà không hào hứng với sách và bánh-món quà Tết phổ biến mà trước đây người lớn thường tặng trẻ con trong ngày đầu năm mới. Khi mọi thứ quá đủ đầy như bây giờ, ngày Tết cũng giảm đi một phần sự thiêng liêng và ý nghĩa.

Phong tục đón Tết cổ truyền ở nhiều địa phương đã bị mai một. Song, bên cạnh đó vẫn còn những làng quê giữ nguyên dư vị mặn mà, ấm cúng của Tết xưa. Đó là không thể thiếu bánh chưng xanh, mai vàng, đào thắm cùng dưa hành, thịt mỡ… Các gia đình trong dòng họ thường đội mâm lễ đến nhà thờ để cúng tổ tiên.

Những trò chơi dân gian, như bài chòi, đánh đu, cướp cù… vẫn thu hút đông đảo người dân tham gia trong những ngày vui xuân, đón Tết. Và vẫn còn đó những lời chúc nhau sức khỏe cùng mọi sự hanh thông, những bữa cơm đầm ấm bên gia đình và các nghi lễ truyền thống, như lễ tiễn ông Táo về trời, lễ cúng trong đêm giao thừa và phong tục tảo mộ ngày đầu năm mới…

Kéo co là một trong những trò chơi dân gian ngày Tết được lưu truyền, gìn giữ qua bao thế hệ.
Kéo co là một trong những trò chơi dân gian ngày Tết được lưu truyền, gìn giữ qua bao thế hệ.

Người Việt cho rằng, Tết Nguyên đán là cơ hội để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc, cụ thể nhất. Khi cuộc sống đủ đầy hơn, đạo lý ấy lại được thể hiện rõ nét, trọn vẹn hơn. Ngày Tết, người ta không quên đến các nghĩa trang liệt sỹ thắp nén tâm hương thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc; đến các gia đình thương binh, người có công với cách mạng để thăm hỏi, tặng quà…

Nhiều tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với tấm lòng của những người con nhằm bù đắp phần nào nỗi mất mát lớn lao của các mẹ. Tết đến, cũng là lúc người ta quan tâm hơn đến các hoạt động nhân đạo bằng tấm lòng thiện nguyện. Người nghèo, trẻ mồ côi, người khuyết tật, người bệnh nghèo… được tặng quà.

Những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ nhà ở và các vật dụng cần thiết phục vụ cho đời sống sinh hoạt thường ngày. Những việc làm đó góp phần làm cho ngày Tết đẹp hơn, ý nghĩa hơn.

Tết xưa, Tết nay, dẫu có nhiều đổi thay, song những giá trị văn hóa vẫn được mỗi người dân Việt gìn giữ, trao truyền qua bao thế hệ. Và đã là người Việt thì dẫu ở phương trời nào vẫn luôn hướng về nguồn cội, về nơi có từng nếp nhà với làn hương nồng ấm từ nồi bánh chưng trong đêm giao thừa, nơi có nụ cười giòn tan của lũ trẻ khi được chia quà bánh…

Hình ảnh thân thương đó là một phần của quê hương đã hằn sâu trong ký ức của những người con xa xứ, để rồi, mỗi dịp đón xuân mới lại bâng khuâng nhớ về những ngày xuân đã qua…

Nhật Văn

 

,