.

Níu giữ ca trù Quảng Minh

.
08:18, Thứ Năm, 17/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Ẩn mình giữa nhịp sống hiện đại, làn điệu ca trù xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn) vẫn chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong tâm hồn người nghe. Trải qua nhiều thăng trầm, hiện, bộ môn nghệ thuật này đang được người dân nơi đây phục hồi, phát triển.

Không ai biết chính xác ca trù Quảng Minh có từ bao giờ, nhưng theo các cụ cao niên thì nó tồn tại cách đây đã hàng trăm năm, từ khi những nghệ nhân miền Bắc vào khai khẩn đất đai, lập nghiệp.

Sau một thời gian dài, ca trù nơi đây trầm lắng, có nguy cơ bị mai một. Nuối tiếc di sản văn hóa quý báu người xưa để lại, một số người cao tuổi thôn Bắc Minh Lệ đã tìm mọi cách khôi phục, tạo dựng lại môn nghệ thuật truyền thống của địa phương.

Nói về việc phục dựng làn điệu ca trù Quảng Minh hôm nay, công lao của ông Hoàng Minh Sơn, thôn Bắc Minh Lệ vô cùng lớn. Ngày bắt đầu thực hiện ý tưởng phục hồi ca trù Quảng Minh, ông đã tìm đến tận nhà của các ca nương như bà Trương Thị Liên, Hồ Thị Hởn… để động viên, thuyết phục họ trở lại với sân khấu ca trù.

Với cái tâm tha thiết muốn gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống của quê hương, các ca nương từ lâu đánh rơi tiếng phách, bỏ quên giọng hát, điệu ca bắt đầu nhớ lại, lục tìm trong ký ức một thời để cùng ông khôi phục lại nó.

Sau nhiều lần biểu diễn, được công chúng đón nhận, tháng 11-2017, UBND xã Quảng Minh đã ký quyết định chính thức thành lập Câu lạc bộ (CLB) ca trù Quảng Minh, hoạt động theo phương thức xã hội hóa, nhằm bảo tồn và phát triển di sản văn hóa đang cần được bảo vệ khẩn cấp, phát huy giá trị văn hóa tinh thần mà cha ông đã để lại.

Ông Hoàng Minh Sơn, người có công lớn trong việc khôi phục làn điệu ca trù Quảng Minh.
Ông Hoàng Minh Sơn, người có công lớn trong việc khôi phục làn điệu ca trù Quảng Minh.

Đến nay, CLB ca trù Quảng Minh có 15 thành viên tham gia, mỗi tháng sinh hoạt một lần. Sau khi thành lập, CLB luyện tập thường xuyên, trên tinh thần người biết nhiều truyền cho người biết ít, người biết ít lại dạy cho người chưa biết. Thành viên CLB đa số là nông dân, sau một ngày lao động vất vả, gác lại việc đồng áng tối lại rủ nhau đến tập hát ca trù.

Ngoài việc tổ chức tập luyện thì các thành viên nòng cốt còn tập trung sưu tầm các làn điệu và bài hát cổ, sáng tác các bài hát mới, lên kế hoạch đào tạo thế hệ trẻ. Đến nay, CLB đã sưu tầm được 4 làn điệu, đó là hát cửa đình, hát luyện, hát xẩm, hát chầu.

Đặc biệt, CLB còn chủ động luyện tập các tiết mục hát Kiều để biểu diễn lồng ghép, nhằm làm phong phú đêm diễn, thu hút người thưởng thức.Với sự nhiệt tình của các thành viên, CLB ca trù Quảng Minh đã tạo được chỗ đứng trong lòng công chúng. CLB thường được mời biểu diễn hát ca trù trong các dịp lễ, Tết, lễ hội truyền thống của địa phương.

Ông Hoàng Minh Sơn, Chủ nhiệm CLB cho biết: "Mới thành lập nên CLB vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng với tâm huyết và lòng đam mê của các thành viên thì ngọn lửa ca trù sẽ không bao giờ tắt. Chúng tôi không được phép để ca trù trầm lắng, lời hứa này đã hứa trước hàng trăm khán giả hâm mộ nên các thành viên CLB càng quyết tâm hơn.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến khích thế hệ trẻ tham gia luyện tập, sưu tầm các bài hát cũ, sáng tác thêm các bài hát mới, học hỏi thêm các làn điệu từ các nghệ nhân đi trước, huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa… nhằm duy trì và phát triển tốt CLB ca trù Quảng Minh”.

Sau hơn 1 năm thành lập, CLB ca trù Quảng Minh đã góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển làn điệu ca trù địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, nhất là vấn đề về kinh phí.

Hiện tại, nguồn kinh phí xã hội hóa vẫn chưa đủ để trang trải các chi phí cho mua sắm trang bị, dụng cụ tập luyện, biểu diễn, chi phí cho di chuyển giao lưu và biểu diễn ngoài địa bàn xã… Mặt khác, các thành viên chơi đàn, trống, nhị vẫn còn yếu, chưa được luyện tập nhiều nên các tiết mục biểu diễn vẫn chưa được hoàn hảo.

Ông Hoàng Ngọc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Minh cho biết: Chủ trương của chính quyền địa phương hiện nay là chú trọng công tác bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật ca trù của cha ông để lại.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến hoạt động của CLB, đồng thời, mong muốn các thành viên trong CLB tiếp tục duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật này, truyền đạt thêm cho thế hệ trẻ để ca trù Quảng Minh ngày càng phát triển.

Năm 2009, UNESCO đã công nhận ca trù Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể, cần bảo vệ khẩn cấp. Với tâm huyết của CLB và sự quan tâm, ủng hộ các cấp ủy, chính quyền địa phương, ca trù Quảng Minh đang có những cơ hội phát triển mới, khẳng định sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần nhân dân.

Thanh Hoa
 

,