.

Trò chơi gà chọi ngày xuân

.
11:05, Thứ Năm, 15/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Mùa xuân, khi trăm hoa đua nở, tiếng trống hội vang rền, cùng với các trò chơi dân gian, tiết mục văn nghệ truyền thống thì chọi gà có lẽ là một thú chơi được nhiều người yêu thích nhất. Khắp các làng quê trong tỉnh ta, từ Quảng Trạch, Ba Đồn đến Quảng Ninh, Lệ Thủy..., từ lâu chọi gà đã trở thành một trò chơi truyền thống đầy tao nhã và kỳ thú nhưng cũng lắm công phu...

Bài 1: Sân đình làng náo nhiệt “chiến kê” so tài

Đến hẹn lại lên, cứ rằm tháng giêng, người dân La Hà (xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn) và nhiều làng quê khác lại mở hội tại đình làng để tưởng nhớ công đức các vị tiền hiền của làng; đồng thời tổ chức nhiều trò chơi dân gian, nhưng có lẽ thu hút đông người đến xem, chơi nhất vẫn là trò chơi chọi gà...

Thú chơi đam mê...

Làng La Hà (Quảng Văn) là một trong “bát danh hương” nổi tiếng ở đất Quảng Bình. La Hà nổi tiếng vì từ xưa người làng rất hiếu học và có nhiều người đỗ đạt cao. Không những thế, La Hà còn nổi tiếng là nơi lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng, nhiều trò chơi dân gian truyền thống, trong đó trò chơi chọi gà - một thú vui đã tồn tại hàng trăm năm nay ở làng, được các tầng lớp người dân nơi đây xem là một thú chơi tao nhã, đậm chất truyền thống và đầy đam mê.

Ông Phạm Văn Mùi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Quảng Văn chia sẻ: “Nhiều thế kỷ qua, chọi gà đã là thú vui đầy đam mê của người dân La Hà. Ở La Hà, từ xưa đến nay, hàng năm cứ đúng vào ngày rằm tháng giêng, người dân lại mở hội ở đình làng để tưởng nhớ các bậc tiền hiền có công với làng và tổ chức các trò chơi dân gian; trong đó trò chơi chọi gà vẫn thu hút được nhiều người đến xem, tham gia nhất. Với người làng La Hà, chọi gà là một thú chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống lâu đời của làng; không chỉ để giải trí về đấu pháp, tài nghệ của gà, nó còn có một ý nghĩa khác đó là xem “lộc” đầu năm. Đặc biệt, trong những trận “thư hùng” ở đình làng vào ngày rằm tháng Giêng, gà chọi của gia đình nào chiến thắng xem như là có “lộc”, cả năm hanh thông, làm ăn sẽ phát đạt...”

Đình làng La Hà, nơi hàng năm vào rằm tháng Giêng, người dân tổ chức ngày hội làng và lễ hội chọi gà.
Đình làng La Hà, nơi hàng năm vào rằm tháng Giêng, người dân tổ chức ngày hội làng và lễ hội chọi gà.

Theo ông Mùi, không chỉ diễn ra trong ngày rằm tháng Giêng, mùa chọi gà thường được bắt đầu từ tháng chạp đến tháng tư âm lịch, nhưng thường được tổ chức nhiều nhất vào dịp Tết đến, xuân về. Những ngày này, làng La Hà như náo nhiệt hơn bởi những “sới” được hình thành không chỉ ở sân đình mà còn nhiều nơi khác trong làng, trong xã. Bỏ qua những trường gà chọi với đủ ngón nghề móc túi con bạc biến tướng ở nhiều nơi, người dân La Hà bao đời nay mê chọi gà không chỉ bởi sức hấp dẫn từ đấu pháp, tài nghệ của những “đấu sĩ” này, mà niềm đam mê đó còn thể hiện khát vọng thượng võ, nét văn hóa đậm đà bản sắc của một làng quê có truyền thống hiếu học, khoa bảng bậc nhất như La Hà.

Không chỉ có người dân La Hà, mà nhiều làng quê khác dọc theo sông Gianh như: Quảng Minh, Quảng Hòa, Quảng Lộc, Quảng Trung, Ba Đồn,... (thị xã Ba Đồn); hay vào Thanh Trạch, Lý Hòa, Hoàn Lão (huyện Bố Trạch) và các làng quê khác ở huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy..., thú chơi chọi gà hầu như được phổ biến rộng rãi ở mọi làng quê, mọi tầng lớp nhân dân. Về những làng quê trong dịp Tết đến, xuân về, khi những ngày nông nhàn rỗi, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh trên tay nhiều cụ già, thanh niên ôm những chú gà chọi ra bãi “xổ gà” (đá thử gà); hay những đám đông hội náo nhiệt bên những sới gà ở đình làng, nhà văn hóa thôn, hoặc đơn giản chỉ là một trảng cỏ bên đường làng. Trong khi các đấu sỹ “chiến kê” đang quần nhau trong “sới” thì phía bên ngoài, hàng trăm cặp mắt từ nam phụ, lão ấu... đều hào hứng dõi theo những miếng đánh, lối ra đòn hiểm hóc, biến hóa khôn lường của các đấu sỹ gà chọi... Có những trận đấu những cặp “chiến kê” kéo dài nhiều hồ (hiệp đấu) mà bất phân thắng bại, càng làm cho người xem thêm hấp dẫn, đam mê...

“Ngày Tết về quê được đi xem chọi gà, vừa được thưởng thức một trò chơi dân gian truyền thống, chúng tôi sống lại cảm giác lễ hội Tết thuần Việt rất riêng và độc đáo của quê hương. Thế nên, dù sống xa quê nhưng hồn cốt của quê hương trong những ngày hội làng, trong những trận chọi gà luôn thôi thúc chúng tôi trở về, đặc biệt là trong những ngày Tết...”, anh Võ Thế Ánh, một người La Hà sống xa quê tâm sự.

Kỹ nghệ chọn và luyện “chiến kê”

Chọi gà là một thú chơi tao nhã nhưng cũng thật lắm công phu. Ông Mai Văn Thuận ở thôn La Hà, xã Quảng Văn, một người có thú vui chọn và luyện gà chọi cho biết, năm nào ông cũng có gà đem ra thi đấu ở đình làng vào ngày rằm tháng giêng và đoạt nhiều giải cao. Rằm tháng giêng năm Mậu Tuất này cũng thế, gà của ông Thuận đã giành giải cao nhất hội chọi gà của xã.

Người dân nuôi và luyện gà chọi để tham gia vào ngày hội chọi gà được tổ chức ở đình làng vào ngày rằm tháng Giêng.
Người dân nuôi và luyện gà chọi để tham gia vào ngày hội chọi gà được tổ chức ở đình làng vào ngày rằm tháng Giêng.

Biết chúng tôi tìm hiểu về kỹ thuật chọn và luyện gà chọi, ông Thuận vui vẻ chia sẻ: “Người chơi gà chọi không những phải nắm chắc kỹ thuật mà còn phải tinh tường về những đặc điểm tướng mạo, từ màu sắc lông, cánh, vảy, móng, tiếng gáy, thế đi... thì mới có thể chọn được một chú gà đẹp để chăm nuôi nó thành gà chọi chiến. Đầu tiên là giống, gà có rất nhiều dòng giống, chủng loại khác nhau, để tìm được một con gà chọi chiến thật sự ưng ý là rất khó khăn. Gà mẹ phải được xuất thân từ dòng gà bền bỉ, có sức chịu đòn tốt, gan dạ. Còn gà bố phải thuộc dòng có chân đá hiểm hóc, nhiều đòn thế hay. Chọn gà chọi con là rất quan trọng, phải xem từ vảy chân, lông, đầu, mào, mỏ đẹp thì khi nuôi luyện mới trở thành con gà chọi chiến hay. Ví dụ như vảy chân, gà chọi tốt phải có vảy rồng, vảy hoa cà hoặc vảy quấn sáo. Trong đó, vảy rồng được các “kê sư” (những người luyện gà) thích nhất, bởi con gà như vậy sẽ có lối đánh thông minh, lỳ đòn...”

Chỉ chọn gà chọi con tốt cũng thật nhiều bí quyết, thế nhưng theo ông Thuận, để gà chọi trở thành một “chiến kê” thì công đoạn huấn luyện là rất quan trọng. Nghe ông Thuận kể về cách luyện gà chọi mới thấy hết được sự công phu, kiên trì và cả sự đam mê của nhưng người yêu thích môn chọi gà này.

“Luyện gà chọi là cả một nghệ thuật mà không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và kỹ thuật để thực hiện. Tuân thủ các bước huấn luyện sẽ góp phần không nhỏ để tạo nên một con gà chọi hay. Gà được 4-5 tháng tuổi phải nuôi nhốt riêng từng con, 6-7 tháng tuổi bắt đầu cho xổ (đá) thử. Để cho gà tăng sức chịu đòn, phải dùng nghệ tươi, phèn chua ngâm trong rượu và thuốc bắc thành một thứ dung dịch sền sệt xoa bóp khắp mình gà, làm cho da dày, đỏ (lõi cứng) kết hợp với dầm cẳng để gà có đôi chân mạnh mẽ. Quy trình vô nghệ này chẳng khác một võ sĩ luyện công kết hợp dùng thuốc để tăng sức kháng đả. Ngoài ra, gà chọi phải thường xuyên tập dượt, đúng như câu "văn ôn, võ luyện". Khi gà đủ cứng cáp và đủ tiêu chuẩn thì chủ nhân mới bắt đầu cho gà ra sới để thi đấu. Thường 1 hồ (hiệp) kéo dài 15 phút, nghỉ khoảng 5 phút đá tiếp hồ thứ hai. Một gà đá tốt một ngày có thể thử sức 5, 6 hồ, thậm chí có con đá tới 16 hồ. Đó thực sự là những “chiến kê” dũng mãnh và bền bỉ...”, ông Thuận chia sẻ.

Phan Phương

Bài 2: Những biến tướng của trò chơi gà chọi.
 

,