.

Lễ hội rằm tháng giêng ở đình làng Cao Trạch

.
08:38, Thứ Năm, 01/03/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Đình làng Cao Trạch thuộc thôn Cao Trạch, xã Phong Hóa (Tuyên Hóa), được xây dựng từ năm 1926. Khi mới xây dựng, đình có đình tiền, đình hậu, miếu thờ thần bên phải, trước đình có bức bình phong và 2 cột nanh cao vút với các câu đối chữ Hán làm bằng sành sứ. 
 
Đình tọa lạc trên một vùng đất bằng phẳng, hướng mặt ra con sông Gianh. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, do chiến tranh tàn phá, nên hiện nay, đình còn đình hậu, riêng đình tiền đã hư hỏng tháo dỡ từ lâu. 
 
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, trước đây đình tiền có 3 gian rất to, cột đình 2 người ôm không xuể, được xây dựng với thiết kế độc đáo công phu, có nhiều phần chạm khắc tinh ở vì kèo, rường xà. Ngày xưa, đình tiền chủ yếu là nơi hội họp, tổ chức các lễ hội, các sự kiện của thôn. Đến nay một số cây cổ thụ xung quanh vẫn còn.
 
Trong kháng chiến chống Pháp, đình được sử dụng làm nơi huấn luyện quân sự cho bộ đội và dân quân du kích, điều trị cho thương bệnh binh, các cuộc họp của cán bộ xã, huyện chuẩn bị cho kháng chiến.
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, có một thời gian dài, đình được dùng để làm kho chứa lương thực. Sau đó đình tiền bị bom phá hủy, chỉ còn lại đình hậu, miếu thờ bên phải, 2 trụ cổng và bức bình phong, nhưng rồi thời gian trôi đi, do tác động của thiên nhiên, của con người, đình hậu ngày một bị hư hỏng. Năm 2010 đình mới được tu sửa tôn tạo lại từ sự đóng góp công sức của nhân dân trong làng và con em quê hương.
 
Đình hậu là một gian thờ lớn khá rộng, có mái xây vòm, trên mái vòm có vẽ các hoa văn đủ màu sắc. Với truyền thống tín ngưỡng của người dân đất Việt luôn nhớ đến công ơn của các vị tổ tiên, các vị có công với nước, với dân nên phía sau đình hậu, chia ra 3  nơi thờ: Chính giữa thờ 2 vị thành hoàng làng, họ Nguyễn và họ Trần; bên phải thờ đức thánh mẫu, các chư tướng chư binh bản bộ (những người đi lính cho quốc gia tử trận), nay thờ thêm các anh linh liệt sỹ của thôn trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc và sau năm 1975; bên trái thờ bản hộ canh nông, tiên sư canh nông và cấp chưởng bộ hạ quan làng (những người có cống hiến cho làng). 
Hành lễ trước đình hậu.
Hành lễ trước đình hậu.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lễ hội đình làng thường diễn ra một năm 2 lần. Một lần vào rằm tháng giêng âm lịch: Tế thành hoàng làng, cầu yên; một lần vào rằm tháng 7 tế thần nông. Hàng năm cứ đến ngày lễ, dân làng được các chức sắc trong làng phân công làm cỗ cúng bái. Từ năm 1945, nhiều đền thờ miếu mạo bị phá bỏ, đình làng bị hư hỏng do chiến tranh, từ đó lễ hội không còn duy trì được nữa.
 
Ở Tuyên Hóa, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có nhiều lễ hội diễn ra ở nhiều nơi, như: Lễ hội Tam niên đáo lễ ở xã Đức Hóa, Ngũ niên đáo lễ đại trường câu ở xã Tiến Hóa, lễ hội đình làng Cao Trạch, lễ hội đua thuyền, lễ hội cầu mưa... Ngày nay, các lễ hội đã mai một theo thời gian, chỉ còn lễ hội đua thuyền truyền thống vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 được phục dựng lại từ năm 2000 và lễ hội rằm tháng giêng ở đình làng Cao Trạch mới được phục dựng lại từ năm 2014.
 
Vào ngày rằm tháng giêng, ngay từ sáng sớm, người dân nơi đây ai cũng ăn mặc chỉnh tề, tấp nập về đình làng để được hòa mình vào không gian thành kính, linh thiêng của lễ hội cầu yên đầu năm mới. Tham gia dự lễ còn có các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận xã Phong Hóa.
 
Mục đích của lễ hội rằm khơi dậy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha ông, tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền đã có công lập làng, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xây dựng một cộng đồng làng xóm yêu thương, đoàn kết đùm bọc giúp đỡ nhau cùng phát triển. Lễ hội còn là mốc son quan trọng trong sự phát triển đi lên của làng Cao Trạch.
 
Chủ lễ là trưởng thôn, ngoài ra còn có 2 người bồi tế thay mặt cho 2 họ lớn của thôn có công lập làng là họ Trần và họ Nguyễn đứng ra chịu trách nhiệm cúng tế. Người điều hành lễ là một vị cao niên có uy tín trong làng. Lễ được tiến hành trong không khí trang nghiêm và thành kính ngay trước cửa chính của đình hậu (vì đình tiền không còn nữa). Trước khi vào làm lễ, các chức sắc trong làng quỳ, đứng 2 bên dãy chiếu được trải ở bên ngoài gian giữa trước đình hậu. Trang phục của người hành lễ uy nghi, áo dài có chít khăn xếp. Đặc biệt chủ lễ mang áo dài màu đỏ đầu đội mũ cánh chuồn cũng màu đỏ.
 
Đầu tiên, người điều hành lễ đánh trống khai lễ, sau đó chủ lễ bái thiên địa để xin lập vò hương cúng tế, rồi chủ lễ dâng hương, dâng rượu, chắp tay lạy, khấn vái mời các vị thần, vong linh các bậc tiền nhân, các liệt sỹ và những người có công với nước, với dân về hưởng lễ, rồi đọc sớ tế lễ, báo cáo lại với bản thổ thành hoàng làng, các vị khai khẩn đất đai, các vị khai sinh dòng họ về việc dân làng tổ chức lễ để tri ân các bậc tiền nhân và cầu khẩn đất trời phù hộ cho nhân dân trong làng một năm mới an bình, mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn, điều lành đưa lại, điều hại đẩy đi... Dân làng ngồi trong rạp làm trên nền đình tiền trước đây, chăm chú lắng nghe chủ lễ cúng khấn. Đến phần tế lễ, 11 cô gái được chọn từ 11 tổ tự quản trong làng, mặc áo dài truyền thống, với tấm lòng thành, đội các mâm cỗ, lần lượt kính dâng lên những vị thần tối cao nơi đây, cầu cho một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Mâm cỗ gồm có xôi, thịt, bánh trái, hoa quả được đem vào đặt trong các bàn thờ phía bên trong đình hậu. Sau phần dâng lễ mọi người dự lễ lần lượt lên dâng hương... 
 
Phần hội được đông đảo người dân tham gia với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao...
 
Ông Trần Xuân Quê, một vị cao niên có uy tín trong làng cho biết: “Mặc dù lễ hội rằm tháng giêng ở đình làng Cao Trạch mới được khôi phục lại, nhưng đã trở thành ngày hội lớn, thu hút đông đảo nhân dân trong làng, trong xã và con em quê hương ở khắp mọi nơi về tham dự. Lễ hội không chỉ thể hiện mong ước những điều tốt đẹp sẽ diễn ra, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an mà còn là niềm tự hào của người dân địa phương trong sinh hoạt văn hoá ”. 
 
Lễ hội rằm tháng giêng ở đình làng Cao Trach, là hoạt động văn hóa phi vật thể trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây, mang bản sắc của một vùng quê làm nông ở miền sơn cước Tuyên Hóa. Tin chắc với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lễ hội sẽ được tiếp tục duy trì, phát triển trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của nhân dân. 
 
Hồ Duy Thiện
,