.

Hình tượng bát vật trong kiến trúc tâm linh

.
14:35, Thứ Hai, 19/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Mỗi khi Tết đến xuân về, với niềm tưởng nhớ ông bà tổ tiên, tâm thức của người Việt lại muốn tìm về những chốn tâm linh, như: đình, chùa, miếu mạo, lăng tẩm, nơi thờ tự, để thắp nén tâm hương tri ân các bậc tiền nhân. Tại những nơi này, chúng ta được chiêm ngưỡng những đồ án trang trí vô cùng đẹp mắt. Trong muôn vàn hình thù độc đáo ấy, nổi bật nhất là hình các “linh vật" rất quen thuộc  trong dân gian, đó là nhóm "Tứ linh", gồm: long (rồng), lân, quy (rùa), phượng và thêm bốn con vật khác là Ngư (cá chép), bức (con dơi), hạc, hổ, gọi chung là bát vật được các nghệ nhân dân gian thể hiện qua nghệ thuật trang trí rất sinh động và linh thiêng.

Đứng đầu nhóm "Tứ linh" là long (rồng). Rồng được tổng hòa nhiều bộ phận của các con vật khác nhau, là sản phẩm của nghệ thuật, không tồn tại trong thế giới tự nhiên: mắt quỷ, sừng nai, tai thú, trán lạc đà, miệng lang, cổ rắn, vảy cá chép, chân cá sấu, móng chim ưng. Rồng cũng là biểu tượng cho xuất xứ nòi giống dân tộc Việt Nam (con rồng cháu tiên), là biểu tượng của nhà vua thời chế độ quân chủ. Trong trang trí, rồng được thể hiện theo mấy chủ đề sau: long hàm thọ (hình mặt rồng ngậm chữ thọ); lưỡng long tranh châu hay lưỡng long triều nguyệt (hình 2 con rồng giành mặt nguyệt); long ẩn (rồng ẩn hiện giữa sóng biển hay mây mù); ngư long hý thủy (rồng cùng cá chép giỡn đùa giữa sóng nước)....

Hình tượng con lân không phổ biến như con rồng trong đồ án trang trí, nhưng vì theo điển tích con lân tượng trưng cho hòa bình nên hình ảnh nó cũng khá quen thuộc. Theo truyền thuyết, con lân là một linh thú biểu tượng cho sự nhân đức, hiền lành, may mắn, phát đạt thái bình thịnh vượng. Trong nghệ thuật trang trí, người ta thường thể hiện hình tượng con "long mã" mang cuộn giấy trên lưng gọi là "cổ đồ" là chủ đề "long mã phụ đồ" thường thấy trong phù điêu trang trí ở các đền chùa... Con nghê là một biến thể của lân thường được trang trí phụ như ở trên chóp đỉnh lư hương hay ở các cột cổng, tai vễnh, chân ngắn đuôi xù kết thành những hình xoắn ốc rất đẹp.

Quần tượng quy hạc và lân (nghê) ở chùa Phổ Minh (TDP Đức Trường, phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới). Quần tượng quy hạc và lân (nghê) ở chùa Phổ Minh (TDP Đức Trường, phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới).
Quần tượng quy hạc và lân (nghê) ở chùa Phổ Minh (TDP Đức Trường, phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới).

Hình tượng quy tức là con rùa, tượng trưng cho sự bền vững nên đồ án này được thể hiện thông dụng nhất trong tượng tròn làm bia hay trong quần tượng "quy hạc" (con hạc đứng trên lưng con rùa):

"Thương thay thân phận con rùa
Lên đình đội hạc xuống chùa đội bia".

Rùa còn biểu tượng cho trường thọ; chủ đề "thủy ba" diễn tả rùa phun nước thường được thể hiện bằng hội họa hay phù điêu rất đẹp.

Hình tượng phượng (phụng) là đồ án phổ biến sau hình con rồng, là loại chim tượng trưng cho sự trang nhã, quý phái của phụ nữ phương Đông, là biểu tượng của hoàng hậu (ngày xưa những vật có hình chim phượng là dành cho phụ nữ) Khi thể hiện trong tác phẩm trang trí, người ta thường thể hiện phượng ngậm bông hoa có khi là cuộn giấy, hình cổ đồ hay cuốn sách gọi tên là "phượng hàm thư"...

Ngư là con cá chép tượng trưng cho sự phồn thịnh. Theo truyền thuyết, cá không phải ở luôn kiếp cá, gặp cơ hội nó vượt qua "long môn" (vũ môn) thì hóa ra con rồng (cá hóa rồng) một đề tài ưa thích đối với những người nuôi mộng lớn...

Bức (con dơi) tượng trưng cho sự tốt lành may mắn vì chữ "bức" gần giống với chữ "phúc" nên con dơi cũng được gọi là phúc. Bởi vậy, hình dơi thành một đồ án thông dụng nhất là hình dơi xòe cánh là mẫu trang trí lý tưởng cho cửa võng, khải hoàn môn, hương án. Nghệ sĩ xưa ít thể hiện một con dơi đơn độc mà thường bố cục 5 con dơi gọi là ngũ phúc: phúc, thọ, khang ninh, háo đức, khảo chung mạng, nghĩa là: giàu có, sống lâu, yên lành, có sức khỏe, có đức hạnh; chết già. Về mặt mỹ thuật, hình ngũ phúc dễ bố cục trang trí. Khi đơn giản người ta thể hiện chủ đề phúc thọ (hình con dơi ngậm chữ thọ) thay chữ thọ bằng chữ khánh thì gọi là phúc khánh.

Hạc được thể hiện ra tượng tròn đứng trên con rùa thường để trên bàn thờ, đình, chùa; đầu đội hoặc mỏ ngậm một cái đế để cắm nến. Hạc là một con chim hình dáng gần giống như loại sếu được thần thoại hóa và mật thiết quan hệ đến tính ngưỡng biểu hiện của sự hài hòa giữa trời và đất, giữa âm và dương...

Hổ là con vật có thật, tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng, là vị thần bảo vệ trấn giữ các phương chống lại mọi tà ma, nên hổ trở thành một đề tài phổ biến trong tranh dân gian và là đồ án cần thiết ở bức bình phong, 2 bên cổng đình, chùa, miếu, mạo. Nghệ sỹ Việt Nam tận dụng màu sắc và vết vằn của của lông hổ để cách điệu thành những hình trang trí rất đẹp.

Trải qua bao đời, nghệ thuật trang trí ở các công trình kiến trúc tâm linh được thể hiện rất phong phú sinh động. Hình tượng các con vật, hoa lá cỏ cây nói chung và bát vật nói riêng được cách điệu thành các đồ án thích hợp với bố cục trang trí, mang tính linh thiêng trong tính ngưỡng văn hóa dân gian, đậm nét bản sắc văn hóa Việt ngàn năm văn hiến.

Hiệp Vân

,