.

Du xuân với lễ hội cầu yên Quảng Phương

.
17:24, Thứ Tư, 21/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Xã Quảng Phương (Quảng Trạch), vùng đất trù phú nổi danh với những làng cổ ngàn năm, di chỉ khảo cổ học Cồn Nền, những giếng Chăm cổ, rặng trâm bầu ngút ngàn xanh, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo. Tiêu biểu là nghệ thuật ca trù làng Đông Dương, hát Kiều làng Pháp Kệ và lễ hội cầu yên đầu năm.

Người dân Quảng Phương có câu rằng “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày lễ hội tháng giêng, ngày rằm/ Dù ai buôn bán trăm bề/ Đến ngày lễ hội nhớ về cùng vui”. Hằng năm, cứ đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch, người dân hai thôn Pháp Kệ và Đông Dương lại rộn ràng trong lễ hội cầu yên (có khi được gọi là kỵ yên). Ngày này, trẻ em xúng xính trong bộ quần áo mới, người lớn y phục chỉnh tề, hồ hởi tề tựu trước đình làng hay địa điểm tổ chức trong ngày lễ hội.

Không ai biết được lễ cầu yên tổ chức lần đầu vào lúc nào, nhưng chắc chắn rằng đã có từ rất lâu, được tổ chức đều đặn, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống địa phương; người ta tổ chức lễ hội để cầu an, cầu một năm mới tốt lành, mong mưa thuận gió hòa, ruộng nương tươi tốt, làm ăn phát đạt, cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới. Đây cũng là thời điểm để cùng tưởng niệm những người có công với cộng đồng làng xã, tưởng nhớ các vị khai canh, khai khẩn lập làng, các vị thần hoàng làng với mong muốn bảo trợ cho làng, các dòng họ và cho mỗi thành viên trong cộng đồng thôn xóm.

Trước đây, làng Pháp Kệ được chia ra các xóm Đông, Nam, Đoài, Bắc, có cây đa, giếng nước, miếu thờ... Đấy là nơi thường tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ của xóm và cũng là địa điểm tổ chức lễ cầu yên hằng năm. Sau này, do mở rộng không gian địa lý, dân cư đông đúc hơn, các xóm mới thành lập, người dân lại chọn một vị trí cao ráo, hợp phong thủy để làm nơi tổ chức lễ hội cầu yên của xóm mình, mà người ta gọi là Cồn Lệ. Riêng với làng Đông Dương, do đặc điểm dân cư sống tập trung, quy mô làng nhỏ nên người dân tổ chức chung tại đình làng Đông Dương- di tích lịch sử văn hóa quốc gia - chính vì thế nơi đây cũng là điểm tổ chức lễ hội bài bản nhất và lớn nhất, hoành tráng nhất vùng.

Từ sáng sớm của ngày rằm tháng giêng, ban lãnh đạo của xã, của thôn, các xóm, các cụ ông, cụ bà, nam thanh nữ tú, trẻ con và khách thập phương tề tựu đông đủ tại địa điểm tổ chức lễ hội. Nét đặc biệt là hầu hết các hộ dân trong thôn xóm đều tự nguyện làm mỗi hộ một mâm cỗ gồm xôi, thịt, trà, rượu, bánh trái, heo quay để cùng với mâm cỗ chung của xóm dâng lên trời đất, thành hoàng, các vị khai canh, khai khẩn trong vùng. Các mâm cỗ được sắp xếp đẹp, mang tính thẩm mỹ cao. Ban tổ chức lễ hội là các cụ trong Hội Người cao tuổi có uy tín lớn với cộng đồng, các xóm trưởng, trưởng họ của các nhánh, các đoàn thể địa phương. Những người tham gia đều ăn mặc quần áo đúng với lễ nghi thời xưa; có trống, cồng, chiêng, kèn, sáo... Bước vào buổi lễ, người dân cử một người đức cao vọng trọng để dâng hương và báo cáo với trời đất, thành hoàng những kết quả đạt được trong năm qua, mong muốn sang năm mới mọi người bình an, làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào, mùa màng tươi tốt. Sau đó, lần lượt người dân dâng hương lên hương án để cầu mong cho bản thân, gia đình những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Hòa chung với không khí lễ hội, đông đảo bà con  trong các làng bạn, các cán bộ lãnh đạo địa phương, cùng đến thắp hương, dự lễ chung vui với người dân địa phương. Sau các nghi lễ, vật tế được mang xuống cùng với sự đóng góp tự nguyện của dân làng, một bữa tiệc diễn ra ngay tại chỗ, mọi người cùng quây quần bên nhau vừa ăn uống vừa trò chuyện vui vẻ, cùng nâng ly rượu lễ chúc mừng lễ hội thành công, chúc sức khỏe lẫn nhau và trong tâm trí họ luôn tin tưởng thành hoàng, các vị thần bản xứ sẽ bảo bọc độ trì cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, người người khỏe mạnh yên vui.

Riêng đối với làng Đông Dương, có một chút khác biệt, lễ hội được tổ chức sớm hơn, từ tối 14 đến hết ngày 15 tháng giêng. Trước đại lễ thì đêm 14 tháng giêng, đại diện các dòng họ, người dân đã tập trung tại đình làng, tổ chức dâng hương và nghe hát ca trù với nhiều làn điệu độc đáo, nhiều nhạc cụ cùng ngân vang những tiết tấu trầm bổng mà sâu lắng. Từ sân đình, những làn điệu ca trù được duy trì và phát triển, trở thành niềm tự hào to lớn của người dân miền quê nơi đây, đã có nhiều nghệ nhân được tôn vinh như cụ Phạm Thị Thứu được phong Nghệ nhân dân gian Việt Nam năm 2007 hay là nghệ nhân Hồ Xuân Thể nổi tiếng với cây đàn đáy trăm tuổi.   

Như một quy luật, đi kèm với phần lễ là phần hội, trong tiếng trống rộn ràng giục xuân mới, hầu hết tại các địa điểm tổ chức lễ cầu yên, trong lúc các bậc cao niên tổ chức lễ dâng hương bố cáo với trời đất, thì tại những khu đất rộng, bằng phẳng gần đấy, người ta tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao độc đáo; đó có thể là hội chơi đu, kéo co, đánh cờ tướng, cờ thẻ, đánh bóng chuyền. Nhưng điều thú vị níu chân du khách là các hội vật truyền thống, trong đó nổi bật là hội vật xóm Nam thôn Pháp Kệ và hội vật thôn Đông Dương. Sau 3 hồi trống vật nổi lên, mọi người già, trẻ, gái, trai đủ mọi tầng lớp nô nức đến bao quanh đấu trường. Không chỉ những thanh niên trong xã tham gia, hội vật còn thu hút đông đảo thanh niên các làng, xã bạn cùng thử sức. Với mỗi trận đấu, người ta bình luận say sưa, chê khen rành rọt từng thế, từng miếng vật, từng keo vật, từng tác phong của mỗi đô vật; hào hứng cổ vũ cho những đô vật có thế vật hay, miếng vật khéo léo. Ngoài sự vui chơi, giải trí, hội vật còn là nét văn hóa truyền thống thể hiện tinh thần thượng võ, đoàn kết của người dân nhằm rèn luyện sức khỏe để phục vụ lao động sản xuất. Đó không chỉ là niềm vui trong ngày Tết mà còn thỏa mãn niềm đam mê đã thấm sâu vào máu người dân địa phương từ bao đời.

Lễ hội cầu yên hai làng Pháp Kệ, Đông Dương từ lâu đã có sức hấp dẫn đặc biệt và vẫn được các thế hệ gìn giữ đến ngày hôm nay. Dù cuộc sống đã nhiều đổi thay, mỗi năm một lần đến hội, người dân hai làng dẫu đi xa về gần vẫn luôn hướng về quê hương, mong muốn giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của làng...

Nguyễn Thanh Định
(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quảng Trạch)
 

,