.

Cô hàng xóm

.
08:57, Thứ Hai, 09/04/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Cả xóm ai cũng công nhận cô hàng xóm của tôi là người nhan sắc mặn mà dù đã bước vào cái ngưỡng của tuổi già. Có nhiều người nói với tôi rằng khi còn trẻ, con gái trong làng không mấy ai đẹp bằng cô, ấy vậy mà cô không chịu lấy chồng, trong khi có rất nhiều trai tráng trong làng và các làng khác đến dạm ngõ. Nhà cô ở cách nhà tôi một quãng đường ngắn, giữa  hai nhà có một lối đi chung ở phía sau vườn nên hàng ngày cô cháu thường tíu tít trò chuỵên với nhau. Cô chăm làm vườn nên nhà cô đầy hương và sắc của các loài hoa quả, từ cam ngọt, chanh chua đến mãng cầu, mít, ổi... đào, mai, hồng, cúc... rực rỡ bốn  mùa. Cô ít nói nhưng tốt bụng.

Hàng xóm hễ có ai  ốm đau cần giúp đỡ là cô đi ngay, dẫu đêm hôm khuya khoắt hay cả những ngày mưa bão. Không ít lần, người thân, bè bạn hỏi cô chuyện gia đình, chồng con, cô chỉ cười trừ. Và nếu ai đó gượng hỏi nhiều lần thì cô trả lời qua loa "mỗi cây, mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Mỗi khi trả lời những câu hỏi đại loại như thế cô thường nhìn về khoảng xa xôi nào đó với đôi mắt thật buồn. Dần dà không mấy ai băn khoăn vì sao cô không lập gia đình và coi như đó là "cái số" của cô.

Một ngày, đang cùng gia đình cô em gái xem ti vi, cô chợt bật khóc khi nghe người phát thanh viên của chương trình truyền hình "Đi tìm đồng đội" công bố những dòng tên của các liệt sĩ đã được tìm thấy. Môi cô mấp máy đọc đi đọc lại một dòng tên rồi xin phép gia đình cho cô đi Hưng Yên-quê hương của một liệt sĩ mà cô vừa nhận ra từ chương trình ấy. Kể  từ lúc đó, cánh cửa bí  mật trong trái tim cô dần được hé mở. Cô bắt đầu kể về tình yêu đầu đời của mình, về một người lính mà cô luôn mang theo bên mình nỗi nhớ, niềm thương. Đó là cái thời cô mới mười tám, đôi mươi, tham gia thanh niên xung phong trên một cung đường ác liệt nhất bởi bom đạn Mỹ. Tình yêu đến với cô bắt đầu là một cuộc gặp gỡ thoáng chốc, vậy mà ánh mắt người đó như dõi theo suốt cả cuộc đời cô.

Hàng ngày, cô đón và tiễn biết bao chuyến xe chở vũ khí, đạn dược vào miền Nam phục vụ kháng chiến. Ấy vậy mà cuộc gặp gỡ giữa cô và chú bộ đội quê ở Hưng Yên ấy lại dệt nên trong cô những tình cảm khác biệt. Cô gặp chú bội đội ấy khi chú bước xuống xe để phụ giúp các thanh niên xung phong san đường giúp xe mau thẳng tiến. Trời xui đất khiến thế nào chú làm việc bên cạnh cô, rồi hỏi han tên tuổi, quê quán... Hai người cứ tíu tít như thể đã quen nhau từ lâu lắm rồi. Đến lúc phải lên đường, chú bộ đội vội vàng lấy trong túi áo một chiếc khăn màu xanh trao cho cô rồi nói: "Đợi anh nhé, nhất định anh sẽ tìm thấy em, nhất định thế". Cô lặng lẽ gật đầu, nước mắt ướt nhòe trên chiếc khăn tay mà chú vừa tặng. Cũng từ hôm đó, do yêu cầu nhiệm vụ, chú và cô thường thay đổi địa điểm nên họ không có điều kiện gặp nhau. Chỉ một lần gặp gỡ duy nhất nhưng lại làm cho cô tin vào một tình yêu lớn giữa hai người. Niềm tin ấy đã thôi thúc cô chờ đợi cho đến lúc mái tóc pha sương.

Tranh minh họa của Minh Qúy.
Tranh minh họa của Minh Qúy.

Câu chuỵên của cô làm nhiều người xúc động. Em gái của cô quyết định đi cùng chị về quê người lính ấy để cô trọn nghĩa với người xưa, dẫu khoảng cách giữa hai người bây giờ là một khoảng lặng vô hình. Chiếc khăn màu xanh hàng ngày cô vẫn giữ bên mình đã bạc màu cùng năm tháng bây giờ là hành trang cùng cô tìm về nơi ấy. Nhà chú bộ đội nằm giữa một khu vườn rộng đầy những cây nhãn đang vào mùa trổ hoa. Gia đình, họ hàng và quê hương đón chú trong nghi lễ hết sức quan trọng. Nhìn di ảnh tuổi đôi mươi đầy sức trẻ, nhiều người bật khóc. Cô như chết lặng giữa dòng người đón chú về nghĩa trang quê nhà.

Buổi tối đầu tiên trên đất khách quê người nhưng cô lại có cảm giác ấm áp như đang ở nhà mình. Cô không xem hiện tại là một cuộc chia ly mà như sự trở về vì từ nay người cô yêu đã trở về với gia đình, không còn lẻ loi nơi đất khách. Người em trai của chú kể cho cô nghe những kỷ niệm thời ấu thơ của anh trai mình và không quên trao tận tay cô chiếc ba lô - kỷ vật duy nhất mà bao nhiêu năm nay gia đình gìn giữ chờ có dịp trao nó cho một người con gái mà chú đã nhắc tới qua những phong thư. Trong chiếc ba lô ấy, ngoài những bức ảnh cũ về bố mẹ, em gái của chú là hàng chục bức thư chỉ có tên người nhận mà không có địa chỉ. Đó là những bức thư nói lên niềm thương nhớ và hứa hẹn về tương lai tươi đẹp giữa chú và cô gái  tên Loan trong một cuộc gặp gỡ tình cờ.

Phần cuối những bức thư lặp đi lặp lại dòng chữ: "Sao anh ngốc thế nhỉ,  vì ngốc mới không ghi lại địa chỉ cụ thể của em, nhưng anh tin một ngày nào đó những bức thư này sẽ đến tay em. Hãy chờ anh...". Cô ôm trọn những bức thư vào lòng. Cô cho rằng chú  đã giữ đúng lời hứa với cô, đã gửi đến cô những lá thư mà cô chờ đợi. Trên hành trình trở về quê nhà cô không khóc, không thở dài dẫu đôi mắt đượm sâu một nỗi buồn vời vợi... Cô nói với em gái mình rằng "Chị đang rất vui, vì cuối cùng cũng gặp được anh ấy".

Cuộc sống của cô lặng lẽ và bình dị với những niềm vui cùng bao nỗi buồn lớn. Niềm vui của cô là hàng ngày được chăm sóc cho cha mẹ, chăm sóc những người thân bằng đôi bàn tay nhẹ nhàng và trái tim nhân hậu. Không chồng, con nên cô dành trọn tình yêu thương cho cha mẹ, chăm sóc ông bà chu đáo từ miếng ăn, thức uống. Cô xem đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời mình. Niềm vui không mấy khi trọn vẹn mà nỗi buồn thường đến như một lẽ thường tình. Đó là những cuộc tiễn đưa mà dẫu không muốn cũng phải trải qua theo quy luật cuộc đời của mỗi con người.

Cách đây 3 năm, cô  tiễn mẹ về với tổ tiên khi  cụ bước  vào tuổi 101. Mọi người  vẫn nhớ như in dáng cô gầy gầy đẩy xe đưa cụ ông ra ngõ để tiễn biệt cụ bà. Và chỉ một  năm sau, cô lại ngậm ngùi tiễn cha về với mẹ. Năm đó, cụ ông tròn 102  tuổi. Cả xã ai cũng khen cô là người con hiếu thảo, chăm sóc cha mẹ tốt nên các cụ đều đã ra đi khi ở vào độ tuổi "đại thượng thọ". Sự ra đi của các cụ thật nhẹ nhàng, không ốm đau, bệnh tật mà như một giấc ngủ sâu không bao giờ tỉnh dậy. Không còn cha mẹ, niềm yêu thích của cô là làm vườn. Cô chăm bẵm từng gốc cây để có thật nhiều hoa tươi, quả ngọt hằng ngày đặt lên bàn thờ cha  mẹ. Cô đã  sống như thế, lặng lẽ và cần mẫn với góc vườn, với những cuộc chia ly cùng những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ.

Tôi cũng như nhiều người khác đã từng xúc động khi đọc những bài thơ, những câu chuyện kể về tình yêu của người lính về đức hy sinh lòng thuỷ chung của người phụ nữ và bây giờ câu chuyện cuộc đời của cô như một minh chứng cho phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam- những người  đã lặng lẽ cống hiến, lặng lẽ hy sinh.

Cô hàng xóm của tôi là một phụ nữ đẹp. Nét đẹp đó không chỉ hiển hiện trên gương mặt phúc hậu mà còn ẩn sâu trong tâm hồn, như những cây sim nở bông tím ngắt một màu thuỷ chung trên những dãi đất khô cằn sỏi đá.

                                                                                            Nhật Văn




,