.
Vụ việc người dân bị ngân hàng đòi nợ sau gần 20 năm tài sản thế chấp đã bán:

Người dân vẫn không đồng tình với trả lời của phía Agribank!

.
09:40, Thứ Năm, 11/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Liên quan đến vụ việc bà Trần Thị Duyên (hiện trú tại xã Thuận Đức, TP. Đồng Hới) khiếu nại việc bị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Chi nhánh Lý Thái Tổ đòi nợ sau gần 20 năm các tài sản mà vợ chồng bà dùng để thế chấp vay vốn tại ngân hàng này đã bị bán đấu giá để xử lý thu hồi nợ vay, phía Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Bình đã có văn bản trả lời cho Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Bình và người khiếu nại. Tuy nhiên, phía người khiếu nại vẫn không đồng tình với nội dung trả lời của phía Agribank.

Trước đó, bà Trần Thị Duyên đã có đơn gửi cho Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Bình với nội dung khiếu nại việc Agribank bỗng nhiên sau 20 năm đòi món nợ vay của gia đình bà, dù  tài sản mà ông bà dùng để thế chấp vay vốn tại ngân hàng này đã bị bán đấu giá để xử lý thu hồi khoản nợ vay.

Sau khi nhận công văn chuyển đơn từ Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Bình, phía Agribank chi nhánh tỉnh Quảng Bình đã có văn bản số 222/NHNoQB-KTKS, ngày 12-3-2019 gửi Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Bình và bà Trần Thị Duyên.

Theo nội dung công văn này, qua xác minh nội dung đơn trình bày của bà Trần Thị Duyên về việc Agribank  Lý Thái Tổ (đơn vị  thuộc Agribank chi nhánh tỉnh Quảng Bình) hơn 20 năm mới đòi nợ, Agribank chi nhánh tỉnh Quảng Bình cho rằng các hồ sơ liên quan đến việc thế chấp, vay vốn, xử lý tài sản thế chấp, trả nợ vay của ông bà Đặng Văn Tẹm và Trần Thị Duyên được Agribank thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Từ cơ sở này, phía Agribank khẳng định: Ông Đặng Văn Tẹm là người trực tiếp vay vốn và cũng là người đã trả một phần nợ vay, hiện đến nay không có ý kiến thắc mắc gì về vụ việc trả nợ như nội dung trình bày của bà Duyên là vợ (người thừa kế). Như vậy ý kiến thắc mắc của bà Duyên không đủ căn cứ.

Cùng với đó, phía Agribank cho rằng: Sau khi bán tài sản thế chấp, ngân hàng đã cùng đại diện hộ vay lập biên bản đối chiếu nợ vào ngày 22-8-2000, với số nợ gốc còn lại là 14,940 triệu đồng do ông Đặng Văn Tẹm ký. Và như vậy, việc bà Duyên trình bày ngân hàng không thông báo số dư nợ còn lại cho gia đình khi bán tài sản thế chấp là không đúng.

Agribank Chi nhánh Lý Thái Tổ, nơi có sự việc xảy ra.
Agribank Chi nhánh Lý Thái Tổ, nơi có sự việc xảy ra.

Ngày 22-8-2018, cán bộ ngân hàng biết ông Đặng Văn Tẹm (chủ hộ vay vốn) còn nợ ngân hàng với số tiền 163,266 triệu đồng (trong đó nợ gốc 14,94 triệu đồng, nợ lãi trong hạn 102,471 triệu đồng và nợ quá hạn 45,855 triệu đồng), nhưng không trả nợ trong lúc có vốn tài sản lớn.

Cụ thể, góp vốn 6 tỷ đồng vào Công ty CP đầu tư TCTC của anh trai theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nghiệp CTCP số 3100765537 đăng ký lần đầu vào ngày 22-7-2011…biên bản xác nhận góp vốn ngày 10-7-2011. Vì vậy, cán bộ ngân hàng đã đề nghị ông Đặng Văn Tẹm trả số tiền còn lại đang nợ ngân hàng và trường hợp khó khăn yêu cầu ông Tẹm có văn bản, đơn trình bày ngân hàng xem xét giảm một phần lãi quá hạn.

Mặc dù khẳng định bà Duyên chỉ là vợ (người thừa kế) nên ý kiến thắc mắc của bà Duyên không đủ căn cứ (ông Tẹm chồng bà Duyên trực tiếp vay vốn và cũng là người đã trả một phần nợ vay, hiện đến nay không có ý kiến thắc mắc gì về việc trả nợ như đơn của bà Duyên-trích phần trả lời của Agribank Chi Nhánh tỉnh Quảng Bình tại văn bản số 222/NHNoQB-KTKS), tuy nhiên phía Agribank tỉnh Quảng Bình lại yêu cầu không chỉ ông Đặng Văn Tẹm mà cả bà Trần Thị Duyên vẫn phải có nghĩa vụ tiếp tục trả nợ đối với nợ gốc còn lại và lãi phát sinh của khoản vay nhưng không thu đủ nợ tại Agribank chi nhánh Lý Thái Tổ Quảng Bình cho đến khi hết nợ gốc và lãi.

Cùng với đó, phía Agribank “khuyến cáo”: Trường hợp khách hàng (ông Tẹm, bà Duyên) không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, Agribank sẽ thực hiện khởi kiện ra tòa án để tiếp tục có biện pháp thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.

Trước nội dung văn bản trả lời trên từ phía Agribank, bà Duyên bức xúc cho biết: Kể từ thời điểm ngân hàng phát mãi bán tài sản thế chấp vay vốn của gia đình bà vào tháng 8-2000, phía ngân hàng không ra một thông báo chính thức nào về số nợ còn lại và thời gian trả nợ.

Do phía ngân hàng không tổ chức đòi nợ cho nên gia đình cứ nghĩ là đã được xóa nợ, vì tài sản thế chấp khi định giá cho vay là 100 triệu đồng và ngân hàng chỉ cho vay 50% giá trị tài sản thế chấp (49 triệu đồng). Mãi đến ngày 22-8-2018, phía ngân hàng mới gửi thông báo đến đòi nợ gia đình với số tiền lên đến 163 triệu đồng.

Như vậy, tính từ thời gian ngân hàng phát mãi bán tài sản thế chấp của gia đình để thu hồi khoản nợ vay 49 triệu đồng đến thông báo đòi số tiền nợ gốc còn lại 14,9 triệu đồng là 20 năm, trong thời gian này đã trải qua đến 5 đời giám đốc.

Tiếp đó, vào ngày 28-9-2018, gia đình bà mới nhận được giấy phúc đáp và một bảng kê chi tiết một lần và không có thông báo đòi nợ lần 1, lần 2 hay lần 3…theo quy định. Với cách làm việc như vậy của một tổ chức tài chính Nhà nước có đúng không? Tại sao 20 năm qua phía ngân hàng không tổ chức đòi nợ.

Nếu phía ngân hàng tổ chức đòi nợ theo quy định thì đến bây giờ phía gia đình bà không phải bị bắt trả một món nợ lớn đến như vậy. Cụ thể, sau khi phát mại bán tài sản thế chấp, theo tính toán của ngân hàng phía gia đình bà còn nợ ngân hàng số tiền 14,9 triệu đồng. Tuy nhiên với cách làm việc buông thả, thiếu tinh thần trách nhiệm và không đúng quy định của pháp luật khiến số nợ đó nay đã lên đến hơn 163 triệu đồng.

Với nội dung văn bản trả lời từ phía Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Bình, bà Duyên cho biết bà không đồng tình và đã có đơn kiến nghị gửi cho Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Bình đề nghị làm rõ sự tắc trách, thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý và việc làm không đúng quy định của phía Agribank đối với gia đình bà.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc vụ việc này.

Bùi Thành

,