.

Nâng cấp hạ tầng viễn thông xây dựng chính quyền điện tử

.
14:15, Thứ Tư, 24/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, ngày 23-4. Tham dự có đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo.
 
Thời gian qua, hệ thống hạ tầng viễn thông, internet đã được đầu tư đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh. Mạng thông tin di động 3G, 4G đã cơ bản cung cấp dịch vụ đến các địa bàn dân cư; internet tốc độ cao cũng đã phủ sóng đến 157/159 trung tâm các xã, phường, thị trấn (trừ các xã Tân Trạch và Thượng Trạch).  
Đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận phiên họp.
Đồng chí Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận phiên họp.
Trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh tiếp tục được đầu tư, nâng cấp góp phần giảm thiểu nhân lực quản trị, chi phí vận hành và giúp giám sát toàn bộ hệ thống thông tin bảo đảm an toàn. Hệ thống truyền hình trực tuyến được kết nối thông suốt từ tỉnh đến Trung ương, phục vụ hiệu quả các cuộc họp thường kỳ, đột xuất của tỉnh và các sở, ngành, địa phương.
 
Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng đã được triển khai rộng rãi trong các cơ quan Nhà nước; nhiều phần mềm, hệ thống dữ liệu tiếp tục được đầu tư, góp phần bảo đảm sự đồng bộ, liên thông trong xử lý công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
 
Các cơ chế, chính sách và việc bảo đảm nguồn nhân lực cũng đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo bằng việc bố trí kinh phí đầu tư, nâng cấp hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được đẩy mạnh thông qua các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ các cơ quan, đơn vị theo chương trình ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.
 
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh thống nhất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện thời gian tới, đó là: hoàn thiện cơ sở pháp lý triển khai xây dựng, phát triển chính quyền điện tử; xây dựng nền tảng công nghệ phát triển chính quyền điện tử phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ điện tử như hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu phần mềm; phát triển chính quyền điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm nguồn nhân lực triển khai xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Bình.
 
Kết luận phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc phát triển mạng lưới công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh và nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm như: quan tâm nâng cấp hạ tầng viễn thông để đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử; thống nhất sử dụng phần mềm dùng chung có tính phổ biến trên toàn tỉnh; quan tâm đầu tư xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển công nghệ thông tin; tăng cường phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan chức năng nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về hiệu quả và cách thức sử dụng mạng internet hợp lý.
 
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin-Truyền thông sớm hoàn thiện đề án xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến tỉnh Quảng Bình; phối hợp với các sở, ngành chức năng bảo đảm sự thông suốt đường truyền và thắt chặt an ninh mạng; tranh thủ sự quan tâm của Bộ Thông tin-Truyền thông để đầu tư một số hạng mục xây dựng chính quyền điện tử Quảng Bình. Các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp, hỗ trợ để xây dựng chính quyền điện tử Quảng Bình trong thời gian sớm nhất.
 
Nguyễn Hoàng
 
 
,