.
Hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11-7:

Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển: 25 năm nhìn lại

.
07:21, Thứ Năm, 11/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Năm 1994, hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (ICPD) được tổ chức lần đầu tiên tại Cairo, Ai Cập. Hội nghị đã giúp chúng ta hình dung được một cách toàn diện hơn về cách thức mà thế giới nhìn nhận về dân số, phát triển và quyền sinh sản, đánh dấu một điểm khởi đầu mang tính đột phá.
 
Tại hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, 179 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển. Các quốc gia đều đồng thuận với quan điểm cho rằng chúng ta cần đặt con người vào vị trí trung tâm và khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển. Việc lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bổ nguồn lực ở các cấp, vùng nhằm giải quyết hợp lý các chỉ tiêu dân số, bao gồm tỷ lệ tăng dân số, cơ cấu tuổi, mức sinh, mức chết, di cư... đều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của phát triển con người, kinh tế và xã hội.
 
Nhìn lại 25 năm qua để thấy, công tác dân số, phát triển của toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng có những bước đi đầy thăng trầm nhưng đáng tự hào, góp phần không nhỏ vào sự thịnh vượng chung của thế giới ngày hôm nay. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả nhất định trong công tác dân số, phát triển. Đó là tốc độ gia tăng dân số được khống chế thành công. Năm 2018, dân số Việt Nam khoảng 95 triệu người. Ước tính quy mô dân số đã giảm được khoảng 20 triệu người nhờ có các chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) phù hợp. Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số.
Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức diễu hành tuyên truyền nâng cao chất lượng dân số. (Ảnh: T.Hoa)
Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức diễu hành tuyên truyền nâng cao chất lượng dân số. (Ảnh: T.Hoa)
Tại Quảng Bình, thực hiện mục tiêu dân số và phát triển theo tinh thần, nội dung Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 13-3-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới (Nghị quyết số 21-NQ/TW), dựa trên tình hình thực tế tại địa phương, công tác DS-KHHGĐ đã tập trung vào nội dung giảm mức tăng dân số, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và hướng tới nâng cao chất lượng dân số. Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương đã thực sự quan tâm đến công tác dân số, đưa mục tiêu, chính sách DS-KHHGĐ vào một trong những mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
 
Qua các năm kiên trì thực hiện các mục tiêu về DS-KHHGĐ, nay chuyển dần sang dân số và phát triển, tỉnh ta đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đó là quy mô gia đình ít con đã dần hình thành và được chấp nhận, tỷ suất sinh năm 2011 là 16%o và đến năm 2018 giảm xuống còn 14,76%o; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 16,06% năm 2011 xuống còn 13,84% năm 2017. Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai năm 2011 là 75,5% và đến năm 2018 tăng lên 76,3%.
 
Tuy nhiên, tỉnh ta vẫn là một trong số ít tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế; tỷ số giới tính khi sinh trên toàn tỉnh ở mức mất cân đối và biểu hiện chênh lệch cao ở một số địa phương; chất lượng dân số còn hạn chế, việc triển khai các hoạt động can thiệp nâng cao chất lượng dân số rời rạc, chưa thường xuyên; phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập... Dân số phân bố không đều và có sự khác biệt giữa các huyện, thị xã, thành phố; một số nơi, cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác DS-KHHGĐ... 
 
Để đạt được các mục tiêu về dân số, phát triển trên tất cả các lĩnh vực quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số như mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 13-3-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh ta phải tập trung tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác dân số; tiếp tục thực hiện các chính sách dân số phù hợp với yêu cầu chuyển hướng của công tác dân số cũng như thực tế của từng địa phương. Bên cạnh đó, cần đổi mới, triển khai đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về cả quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số với nội dung, hình thức phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng nhóm đối tượng; tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ KHHGĐ.
 
Ngoài ra, từng bước hình thành, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới; tăng nguồn lực đầu tư của địa phương cho việc thực hiện công tác dân số, đẩy mạnh xã hội hóa, có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, phân phối, cung cấp các phương tiện, dịch vụ trong lĩnh vực dân số.
 
Qua 25 năm bền bỉ phấn đấu, kiên trì thực hiện, đến nay, Chương trình hành động Cairo vẫn nguyên vẹn giá trị và tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thời đại. Các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam cũng như các vùng, miền còn nhiều khó khăn, lạc hậu vẫn nỗ lực, kiên trì thực hiện các giá trị tốt đẹp hướng tới con người, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội để hướng tới mục tiêu thu hẹp sự bất bình đẳng, để không ai bị bỏ lại phía sau.  
 
BSCKII Lê Thanh Tuân
PGĐ Sở Y tế, Phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh
,