.

Cùng chung tay hành động vì môi trường không khói thuốc

.
08:14, Thứ Bảy, 01/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá sẽ góp phần gìn giữ “lá phổ xanh” và hạn chế được các nguy cơ cháy nổ…, trong những năm qua, Ban chỉ đạo chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông PCTHTL. Nhờ đó, đã nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và lợi ích của việc xây dựng môi trường không khói thuốc.
 
Thực hiện các nội dung của Luật PCTHTL, từ năm 2015, Ban chỉ đạo chương trình PCTHTL tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động PCTHTL, như: mít tinh, tuần hành hưởng ứng Ngày Thế giới không hút thuốc lá (31-5), Tuần lễ quốc gia không khói thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5) và tăng cường hoạt động truyền thông trực tiếp về PCTHTL tại các trường THPT, THCS, các khu công nghiệp và cộng đồng dân cư.
 
Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe tỉnh, đơn vị làm công tác truyền thông của ngành Y tế đã tích cực đi đầu trong việc chủ động xây dựng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến đông đảo cán bộ giáo viên, học sinh ở các trường học và người lao động tại các xí nghiệp, cơ sở y tế, khu du lịch… về tác tại của khói thuốc lá, vận động các đơn vị xây dựng môi trường không khói thuốc.
Học sinh Trường trung cấp Luật hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5.
Học sinh Trường trung cấp Luật hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5.

Các hoạt động trên đã giúp cho nhiều người, nhất là các em học sinh hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc lá để sớm thiết lập thói quen sống lành mạnh, nói không với thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe.

Nhiều mô hình nơi làm việc không khói thuốc được triển khai xây dựng và mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu cho phong trào này là các đơn vị, như: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Trường trung cấp Y tế, Bệnh viện Y-Dược cổ truyền… 

Điều đáng ghi nhận là thời gian qua, hầu hết người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đều quan tâm chỉ đạo công tác PCTHTL. Việc tổ chức các hoạt động thiết thực, như: đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hàng năm, xem việc không hút thuốc lá là tiêu chí để bình xét các danh hiệu đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động đã được nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc.
 
Theo số liệu khảo sát của Ban chỉ đạo chương trình PCTHTL tỉnh, 76,7 % người dân tại các cộng đồng dân cư toàn tỉnh hiểu biết về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, môi trường; 61,7 % người dân tại cộng đồng hiểu biết về thuốc lá gây bệnh nguy hiểm…
 
Tuy nhiên, công tác PCTHTL vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, rào cản. Hiện nay, tỷ lệ nam giới trưởng thành ở nước ta, trong đó có Quảng Bình hút thuốc vẫn khá cao. Việc xử phạt hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc nơi công cộng chưa được triển khai đồng bộ. Một bộ phận người dân chưa nắm vững các quy định của Luật PCTHTL. Thực tế cho thấy, thuốc lá đang được bày bán tràn lan và mọi người có thể dễ dàng mua ở nơi công cộng, đặc biệt là quán cà phê, nhà hàng và địa điểm vui chơi, giải trí...
 
Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện các quy định cấm hút thuốc lá và chưa thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm trong PCTHTL. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân về PCTHTL chưa cao. Một số thôn, bản, người dân vẫn trồng cây thuốc lá để phục vụ nhu cầu sử dụng thuốc lá cho gia đình...
 
Qua đánh giá ban đầu, mới chỉ có 65% các sở, ban, ngành, địa phương trên toàn tỉnh thực hiện đồng bộ việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện Luật PCTH của thuốc lá. Hoạt động tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực thuốc lá theo quy định của luật chưa được chú trọng đúng mức.
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá cao (25,9%), chủ yếu là nam giới. Ở một số địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn rất nhiều người hút thuốc, trong đó, phụ nữ sử dụng thuốc lá chiếm trên 20,2% (trên tổng số người hút thuốc).
 
Ngoài ra, tình trạng người dân hút thuốc lá vẫn còn khá phổ biến tại các vùng nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Ngay cả những nơi luật quy định cấm hút thuốc hoàn toàn, như: các cơ sở giáo dục, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em, cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, cơ sở y tế… vẫn không ít người “thờ ơ” với luật.
 
Hút thuốc lá không những làm giảm sức khỏe và rút ngắn tuổi thọ của con người mà còn gây thiệt hại về kinh tế. Nhiều gia đình có người hút thuốc lá phải bỏ ra một số tiền khá lớn để mua thuốc lá sử dụng hàng ngày, chưa kể là có thể họ phải tốn rất nhiều chi phí cho việc khám, chữa bệnh do thuốc lá gây nên.
 
Điều này không chỉ gây tổn thất cho bản thân người hút mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của cả gia đình. Nguy hiểm hơn, hút thuốc lá nơi làm việc, nhất là các nhà máy, xí nghiệp… còn làm tăng nguy cơ mất an toàn lao động,  nguy cơ xảy ra hỏa hoạn…
 
Nâng cao nhận thức và hành động trong PCTHTL được tỉnh ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần được đẩy mạnh trong thời gian tới, trong đó vai trò hạt nhân là ngành Y tế. Tuy nhiên, để việc xây dựng môi trường không thuốc lá thực sự đi vào cuộc sống, đến được với mọi người, mọi nhà, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, cần phải có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng trong thực hiện Luật PCTHTL.
 
Chỉ khi triển khai tốt các nội dung của luật mới có thể bảo đảm quyền của những người không hút thuốc lá được hít thở bầu không khí trong lành, giúp giảm nguy cơ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá, giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong có liên quan đến sử dụng thuốc lá.
 
Nh.V-L.H
,