.

Đi về phía sáng

.
08:10, Thứ Tư, 27/03/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - “Tôi đã từng chán ghét bản thân, từng tuyệt vọng đến mức muốn tìm đến cái chết nhưng rồi tôi lại đứng lên đương đầu với những khó khăn, thách thức để làm lại cuộc đời. Bây giờ có nói cả ngàn lời cảm ơn cũng không thể diễn tả hết được sự trân trọng, biết ơn của tôi đối với những cán bộ y tế và người thân trong gia đình tôi. Họ đã cho tôi sức mạnh, nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Và vì thế tôi phải trả ơn họ bằng cách sống tốt hơn, sống có ích cho gia đình, xã hội và cho những người không may mắn như tôi…”. Anh Trần Văn Tân (chúng tôi tạm đổi tên), quê ở huyện Quảng Ninh, một bệnh nhân đang điều trị căn bệnh AIDS tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Quảng Bình mở đầu câu chuyện về cuộc đời mình với chúng tôi như thế.
 
Sinh ra trong một gia đình nghèo nên mới học đến lớp 7, Tân phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ kiếm tiền trang trải cuộc sống. Năm 1997, Tân kết hôn với một cô gái cùng làng và tận hưởng cuộc sống êm đềm, hạnh phúc dẫu còn nhiều khó khăn về kinh tế.
 
Thương vợ lam lũ ngày đêm vẫn không đủ tiền để lo cho hai con ăn học nên năm 2004, Tân quyết định đi làm ăn xa với hy vọng kiếm được nguồn vốn kha khá để sau này về quê sửa sang lại căn nhà, mở quầy hàng tạp hóa cho vợ kinh doanh.
 
Mặc dù lúc đó nhiều người thân trong gia đình Tân khuyên anh nên ở lại quê nhà để vợ chồng cùng nhau nuôi dạy con cái, cùng nghĩ cách làm ăn, nhưng ước mơ thoát nghèo vươn lên làm giàu cứ thôi thúc anh lên đường tìm đến vùng đất mới. Khi đã có đồng ra đồng vào, ngoài việc gửi về cho gia đình, Tân cùng đám bạn lao vào các cuộc nhậu.
 
Một lần, sau cuộc vui chếnh choáng hơi men, các cậu bạn rủ Tân đi “mát mẻ” và anh đã đồng ý. Cứ nghĩ chỉ một lần sống chung với gái lạ thì không ảnh hưởng gì nên Tân lao vào cuộc vui mà không ngờ cuộc đời mình bắt đầu đi vào những tháng ngày đen tối nhất.
 
Sau vài năm làm việc nơi đất khách, quê người, Tân cũng có chút vốn khá khá nên về quê để cùng vợ con xây dựng cuộc sống mới. Không lâu sau đó, anh thấy sức khỏe của mình ngày một suy kém, thường xuyên ho, sốt, đau ốm triền miên, nhất là những khi trái gió, trở trời.
 
Cứ nghĩ mình mắc bệnh thông thường nên mỗi lần đau ốm, Tân lại tự mua thuốc điều trị cho mình song không có kết quả khả quan. Lo lắng cho tình trạng bản thân, Tân mày mò tìm hiểu các thông tin liên quan đến căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS trên sách báo và hoang mang khi nghĩ về hoàn cảnh hiện tại của bản thân mình.
Tuân thủ điều trị, Tân đã có được sức khỏe tốt để tiếp tục lao động ổn định cuộc sống.
Tuân thủ điều trị, Tân đã có được sức khỏe tốt để tiếp tục lao động ổn định cuộc sống.
Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Tân tìm đến Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh xét nghiệm và cay đắng nhận kết quả dương tính với HIV. Bàng hoàng, tuyệt vọng, Tân lầm lũi và tự cô lập bản thân ngay trong chính ngôi nhà của mình.
 
Anh không dám gần vợ, ngại tiếp xúc với con và luôn mang trong mình cảm giác tội lỗi cùng sự chán nản. Khi sức khỏe dần suy kiệt không thể đứng vững, Tân chia sẻ nỗi niềm riêng với vợ và khuyên vợ đi xét nghiệm HIV/AIDS.
 
Vợ Tân lúc ấy chỉ biết cúi đầu và khóc. Tân kể: “Cô ấy khóc rất nhiều và có lẽ, cô ấy cũng đang chuẩn bị nhận kết quả bi đát giống như tôi. Chúng tôi nhìn các con vừa đau đớn, vừa xót xa khi nghĩ đến tương lai của bọn trẻ. Rồi chúng sẽ sống ra sao khi mọi người biết bố mẹ chúng là những người mang căn bệnh thế kỷ?”.
 
Thương con, vợ chồng Tân gạt nước mắt đến cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm và điều kỳ diệu đã xảy ra là vợ anh không bị lây nhiễm HIV từ chồng. Với anh, đó là niềm an ủi lớn nhất trong cuộc đời.
 
Nhận thấy Tân rất ân hận với lỗi lầm đã qua, chứng kiến anh phải đối diện với những nỗi đau về thể xác do bệnh tật hành hạ, vợ anh khuyên anh vượt qua mặc cảm của bản thân, chủ động hợp tác với cán bộ y tế để được chăm sóc, điều trị.
 
Không chỉ động viên, an ủi, tiếp sức cho chồng, chị còn trò chuyện cởi mở với cán bộ y tế, bày tỏ nguyện vọng muốn được tiếp cận những thông tin liên quan đến HIV/AIDS để chăm sóc, hỗ trợ chồng trong quá trình điều trị bệnh.
 
Thời gian đầu tiếp cận với các dịch vụ y tế, sức khỏe Tân rất yếu, cơ thể gầy gò, ăn kém, ngủ kém. Song, khi được sử dụng thuốc kháng vi rút ARV, sức khỏe của Tân thay đổi từng ngày. Nhận thấy rõ lợi ích của việc tuân thủ điều trị, Tân tự nguyện tham gia vào nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng của huyện Quảng Ninh để tuyên truyền, vận động những người nghiện chích ma túy dùng bơm kim tiêm sạch, vận động người bán dâm, mua dâm sử dụng bao cao su và giới thiệu họ đến các dịch vụ y tế thân thiện để được kiểm tra, theo dõi, bảo vệ sức khỏe.
 
Đồng hành với chồng, vợ Tân cũng có mặt trong các cuộc tiếp xúc với những người có nguy cơ lây nhiễm cao (người bán dâm, người nghiện chích ma túy). Câu chuyện của chính cuộc đời Tân luôn là bài học cho những con người lầm lỗi và cả những người trẻ thích “sống thử” mà dấn thân vào các tệ nạn xã hội. Không ít người đã tìm đến cơ sở y tế để xét nghiệm HIV, một số đối tượng đã tránh xa tệ nạn xã hội để hướng đến một cuộc sống lành mạnh.
 
Hơn 10 năm được chăm sóc, điều trị, được chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với cán bộ y tế và những người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS, Tân đã đúc rút cho mình nhiều kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện lối sống lành mạnh để không phải sống chung với bệnh tật như chính bản thân anh. Tân luôn nói với những người cùng cảnh ngộ với mình rằng: Hãy tin ở bản thân, hãy đi về phía sáng…
 
Tân trải lòng: “Tôi đã bước ra từ tăm tối, tuyệt vọng để hướng đến những ngày mới bởi xung quanh tôi còn rất nhiều người tốt-những người đã chia sẻ, đồng hành cùng tôi đi qua những khó khăn…”. Và chúng tôi tin rằng, Tân đang là người tốt bởi anh đã mạnh mẽ đứng lên sau những sai lầm, va vấp để giúp cho những người lầm lỡ, người cùng cảnh ngộ thấy được giá trị của cuộc sống mà hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
 
                                                                             Nhật Văn
,