.

Tái diễn căng thẳng quanh hải phận gần vùng lãnh thổ Gibraltar

.
14:11, Thứ Ba, 19/02/2019 (GMT+7)

Ngày 18-2, chính quyền vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh chỉ trích việc một tàu chiến Tây Ban Nha yêu cầu các tàu thương mại rời khỏi vùng hải phận gần Gibraltar.

Tàu chiến Tây Ban Nha ở hải phận gần Gibraltar. (Nguồn: PA)
Tàu chiến Tây Ban Nha ở hải phận gần Gibraltar. (Nguồn: PA)

Đây là diễn biến mới nhất trong chuỗi những tranh cãi ngoại giao về chủ quyền liên quan vùng lãnh thổ ở Địa Trung Hải gần Tây Ban Nha nhưng do Anh kiểm soát từ năm 1713 này. Thủ hiến vùng Gibraltar Fabian Picardo cho rằng vụ việc lần này cho thấy Madrid đang hành động thiếu chuyên nghiệp và sẽ không mang lại kết quả gì ngoài sự khiêu khích. Những hành động này sẽ gây ra hiểu lầm và nguy cơ không đáng có với hoạt động hàng hải trong khu vực.

Căng thẳng bùng phát từ hôm 17-2 khi thủy thủ đoàn của một tàu hải quân Tây Ban Nha yêu cầu tất cả các tàu thương mại rời khỏi vùng hải phận mà Gibraltar tuyên bố thuộc quyền kiểm soát của vùng này.

Truyền thông Gibraltar đưa tin các thủy thủ trên tàu Hải quân Tây Ban Nha đã gọi đây là vùng hải phận của Tây Ban Nha. Chính quyền Gibraltar gọi đây là hành động xâm nhập bất hợp pháp để củng cố luận điểm chính trị về chủ quyền với vùng hải phận của Gibraltar.

Gibraltar là vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, rộng khoảng 6,8 km2 và có khoảng 30.000 dân sinh sống, nằm gần cực Nam Bán đảo Iberia  bên trên eo biển Gibraltar, giáp Tây Ban Nha ở phía Bắc.

Madrid nhiều lần yêu cầu London trả lại vùng đất mà Tây Ban Nha đã từ bỏ năm 1713 theo Hiệp ước Utrecht.

Với vị trí nằm ngay ở cửa ngõ chiến lược ra vào Địa Trung Hải, vùng hải phận rộng khoảng 2,6 km2 xung quanh vùng lãnh thổ này thường chứng kiến các tranh chấp chủ quyền giữa các tàu của Tây Ban Nha và Anh.

Dự kiến, Gibraltar sẽ cùng Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 29-3 tới, cho dù trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 về Brexit, 96% dân số vùng lãnh thổ này đã bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU. Vấn đề Brexit làm dấy lên những nghi vấn về khả năng đảm bảo dòng chảy hàng hóa và di chuyển dọc biên giới Gibraltar với Tây Ban Nha.

Anh và EU đã ký kết một thỏa thuận"ly hôn" trong đó nêu rõ hai bên sẽ tìm cách tránh xảy ra căng thẳng trong tương lai về vấn đề Gibrlatar hậu Brexit. Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa nhận được sự ủng hộ của Hạ viện Anh.

Theo Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

,