.

Nghĩa tình vùng đất giáp ranh

.
10:11, Thứ Hai, 01/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Nếu không có tấm biển báo theo chiều đi từ Bắc vào Nam “Địa phận Quảng Trị, Km 717+100” chắc chắn chẳng mấy ai biết rằng mình đã qua hết Quảng Bình, chạm đất Quảng Trị. Nơi vùng đất giáp ranh này, nhà liền nhà, sông nối sông, ruộng đồng vấn vít vào nhau. “Con chó sủa, con gà gáy bên này vang vọng thấu tận bên kia”, chỉ mỗi một bước chân là đã qua về Quảng Bình, Quảng Trị. Ở vùng đất này luôn thắm nghĩa, thắm tình.
 
Đất trung kiên
 
Vùng đất giáp ranh ấy phía bắc thuộc thôn Sen Bình, xã Sen Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), phía nam thuộc cụm dân cư Khe Lấu, thôn Chấp Bắc, xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh, Quảng Trị).
 
Trở lại nơi “ngọn khoai lang bò ngang hai tỉnh” lần này, những cố nhân mà chúng tôi tìm gặp là ông Đinh Đức Ngư, nguyên Chủ tịch UBND xã Sen Thủy; Lê Thanh Vượng, Bí thư Chi bộ thôn Sen Bình; Đinh Đức Chương, Trưởng thôn Sen Bình. Phía Quảng Trị là gia đình anh Trần Đức Đông, Cụm trưởng cụm dân cư Khe Lấu…
 
Ông Đinh Đức Ngư (SN 1937) và vợ Hoàng Thị Đẻn trong những năm kháng chiến chống Mỹ làm y tá tại vùng giáp ranh. Năm 1980, ông Ngư làm Chủ tịch UBND xã Sen Thủy, đến năm 1991 mới về hưu. Ông Ngư trong câu chuyện kể thường hay chép miệng bảo: “Quảng Bình, Vĩnh Linh, nơi phía đầu giới tuyến trên bom, dưới đạn. Sen Bình, Khe Lấu trở thành trọng điểm bắn phá ác liệt lắm, bom đạn mù trời mù đất.

Tàu bay thằng Mỹ bay trong ra, sợ lưới lửa phòng không tầng tầng, lớp lớp của quân dân miền Bắc, cứ nhằm giới tuyến mà trút bom xuống cho mau để chuồn. Lọt ra miền Bắc rồi, bom đạn thả không hết lại quay về “tống tháo” xuống Sen Bình, Khe Lấu. Vợ chồng tôi đều y tá cả, sau mỗi trận bom, nhà tan, người mất. Đau thương không kể xiết!

 Vùng đất giáp ranh phía Quảng Bình ngày càng đổi thay nhiều hơn.
Vùng đất giáp ranh phía Quảng Bình ngày càng đổi thay nhiều hơn.

Trận bom rải thảm chiều ngày 15-9-1973 nơi vùng giáp ranh. Thấy có người bị thương, tôi cho chặt hạ hai cây dương ngáng ngang đường chặn xe lại. Không ngờ, chặn phải đoàn xe chở Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ trong Quảng Trị ra.

Chủ tịch Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng quyết định dành một xe chở người bị thương đi cấp cứu tại Bệnh viện Vĩnh Linh. Ông Hoàng Kim Xu và con trai Hoàng Kim Thiện bị dính bom bi nặng. Bệnh viện Vĩnh Linh chỉ cứu sống được ông Xu đứt 9 đoạn ruột, bị thương ở chân. Cháu Hoàng Kim Thiện đứt đến 13 đoạn ruột, không qua khỏi”.

Chuyện máy bay Mỹ quần đảo suốt ngày đêm, người dân vùng giáp ranh quen lắm, như cơm bữa. Bởi thế, dù bom đạn, chồng lên bom đạn, nhưng khốc liệt chiến tranh nơi vùng giáp ranh lại đi vào chuyện trạng Vĩnh Hoàng nhẹ nhàng, lạc quan: “Anh dân quân vùng giáp ranh cho con trai xuống hầm chữ A tránh bom, anh ra trận địa lúc quay về, trời quá tối, anh chui xuống hầm xem con ngủ thế nào.
 
Sờ sờ, răng mà chừ có tận hai đứa con. Một đứa có vẻ đang sốt cao lắm, người nóng hung. Hoảng quá, anh quẹt bật lửa lên coi, giật chắc, té ra không phải con nhà ai gửi mà một đực bom lùi rớt xuống không nổ, lại chui vô nằm hầm với con, rứa mới hoảng chứ. Anh chạy đi nhờ mấy eng công binh buộc dây kéo lạo bom lên khỏi hầm. Riêng thằng con vẫn ngủ ngon lành, chắc quen với bom đạn rồi”.
 
Thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình
 
Trời trưa trật…Vùng đất giáp ranh nóng như chảo lửa. Cụm trưởng cụm dân cư Khe Lấu Trần Đức Đông tiếp chúng tôi bằng những cốc chè xanh “đặc đến đứng đũa”. Anh tếu táo: “Đúng với tinh thần chuyện trạng Vĩnh Hoàng đấy. Nhưng ai dùng được thì dùng, còn không khéo… say”.
 
Sẵn có khách Quảng Bình ghé chơi, anh Đông khe khẽ nhấm nhẵng mấy câu vè mà theo anh khẳng định là nơi vùng giáp ranh này không ai là không thuộc nằm lòng: “Ve vẻ vè ve/Nghe vè làng trạng/Chuyện cười thượng hạng/Có một không hai/Kể rằng cơn khoai/Bò qua hai tỉnh/Côộc ở đất Vĩnh/Đọt tận Quảng Bình/Bà con Vĩnh Linh/Thi nhau hái lộc”.
 
“Đất phía cuối Quảng Bình, phía đầu Quảng Trị mà bề tui đang sống, nghĩa tình lắm eng! Xưa thì củ sắn chia hai, củ khoai xẻ bốn. Chừ vẫn vậy, trai Khe Lấu, Vĩnh Chấp ra rước gái Sen Bình vô làm dâu, riết rồi ngoài tình cảm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau” còn có thêm tình cảm thông gia, nội ngoại”.
 
Cụm dân cư Khe Lấu thành lập trên cơ sở tách từ thôn Chấp Bắc năm 2006, có 60 hộ, trên 220 khẩu. Sau 13 năm, Khe Lấu lại chuẩn bị trở về lại với thôn Chấp Bắc", Trần Đức Đông nhẩm tính… mình làm Cụm trưởng đã được 7 năm.
 
Nhắc đến chuyện sắn khoai, Trần Đức Đông gục gặc đầu kể thêm một câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng “Vì khoai mà bị xử oan”. Chuyện là: “Con trai tui sáng nớ ra đồng bới khoai cho đến chiều tối mà khôông thấy về. Mạ hắn đi ra đi vô dấm dẳng hỏi hắn có bị tai nạn, sập đất, sập đai chi khôông? Nóng rọt (ruột) quá, tui liền xách cây đèn bão đi tìm. Đến roọng (ruộng) khoai, thấy hầm hố thằng con đào lên tô hô, tôốc hôốc, khoai lang thì chất thành từng đôống ngổn ngang.
 
Tui rọi đèn ra phía Quảng Bình, thấy nơi Bàu Sen có ánh sáng lấp ló, tui cắt đường chạy tới hỏi thăm. Bà con cho biết, thằng con tui bị cán bộ kiểm lâm bắt giữ, đang lấy lời khai. Tức khí! Tui xông vô lớn tiếng: “Cớ chi mà mấy chú bắt con tui một ngày đàng, khôông cho hắn về cơm nước?”.
 
Một cán bộ kiểm lâm bảo: “Bác biết khôông, nơi đất giáp ranh ni đã có lệnh cấm mọi người đừng đụng đến bom mìn, rứa mà con trai bác ngang nhiên đào lên, xếp đống lại, may mà chưa nổ. Khôông phạt là còn may lắm đó”. Tui bán tín, bán nghi... con trai đi bới khoai chứ có nghịch ngợm bom mìn chi mà để cho dân quân, kiểm lâm phía Quảng Bình bắt giữ. Tui dõng dạc: “Con trai tui ngoan lắm, bom đạn hắn biết chi, khôông tin thì mấy chú theo tui”.
 
Vô tới roọng khoai, họ lật từng củ lên, bẻ lấy đầu khất kiểm tra mới rõ là khoai lang. Xấu hổ, họ phân trần: “Rứa mà bọn tui tưởng bom chưa tháo ngòi. Thì trước đây, chỗ ni là vùng bom đạn ngút trời nên chẳng ai dám tới trồng trọt. Ngờ mô ngọn khoai lang trong làng bác bò ra thấu đây. Có chi mong bác thông cảm”. Tui nhẹ cái bụng, xua tay: “Thôi thôi... chuyện lỡ rồi, chừ đói bụng, mấy chú cho người khiêng một củ ra ngoài đó luộc để eng tam ăn cho vui”.
 
Trở lại Sen Bình, Trưởng thôn Đinh Đức Chương cho biết: “Toàn thôn có 173 hộ, 635 khẩu, người dân chủ yếu sống thiên về rừng, trồng keo, tràm, thông nhựa và khai thác thông nhựa cho phía Lâm trường Bến Hải. Cái duyên Sen Bình, Khe Lấu đã khăng khít lâu nay, càng trở nên bền chặt hơn khi ở Sen Bình, trên 20 chị em vào làm dâu Khe Lấu, Vĩnh Chấp. Hồ nước Bàu Dum tại Sen Thủy cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày cho nhân dân 5 xã phía bắc huyện Vĩnh Linh”.
 
Lúc chúng tôi chuẩn bị tạm biệt vùng đất giáp ranh, một bà cụ người Khe Lấu bưng cho mấy khúc sắn làm quà. Hỏi đùa: “Sắn mệ to rứa, nấu biết lúc mô mà chín”. Bà cụ bặp bặp điếu thuốc lá vấn sâu kèn trả lời tỉnh queo, rặt trạng Vĩnh Hoàng: “Mấy eng khỏi lo, sắn của tui nỏ cần nấu náng chi cả, cứ cắt khúc rồi giắt vô lưng quần, khi mô hút tàn điếu thuốc là hắn chín nứt tòe loe à!”.
 
                                                                                   Ngô Thanh Long
,