.

Giấc mơ Thuận Hóa…

.
08:51, Chủ Nhật, 26/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Người dân Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa bị ngăn sông cách chợ bên dòng Gianh bao đời nay, nên cái nghèo khó vẫn cứ mãi đeo bám. Người dân nơi đây mong ước một cây cầu và công trình nước sạch phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Nhưng ngày qua ngày, giấc mơ ấy vẫn chưa thành hiện thực…

Nhiều năm bị chia cắt…

Chúng tôi đến xã Thuận Hóa vào một ngày đầu hè. Mặc dù chỉ cách trung tâm xã chưa đến 1km nhưng lâu nay người dân các thôn Thuận Tiến, Xuân Canh vẫn phải sống trong thế bị cô lập bởi dòng sông Gianh chia cắt đôi bờ. Chính vì vậy, mà đời sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở như chính việc đi lại của họ vậy.

Ông Trần Văn Hận, Bí thư chi bộ thôn Thuận Tiến cho biết, dòng sông Giang chảy qua địa bàn xã Thuận Hóa đã chia xã thành 2 vùng, trong đó, khu vực thôn Thuận Tiến và Xuân Canh với hơn 300 hộ đã bị dòng sông Gianh chia cắt nhiều năm nay.

Anh Trần Thanh Bình dùng nước không bảo đảm vệ sinh từ nhiều năm nay.
Anh Trần Thanh Bình dùng nước không bảo đảm vệ sinh từ nhiều năm nay.

Hàng ngày, việc đi lại của người dân, chủ yếu dựa vào những chuyến đò máy. Tuy nhiên, mỗi khi đến mùa mưa lũ, nước sông Gianh dâng lên cao, chảy xiết thì mọi việc qua lại của thôn đều phải ngưng hẳn. Khi đó, cả thôn như bị cô lập với “thế giới” bên ngoài.

“Khó khăn nhất là việc học của trẻ em nơi đây. Thôn Thuận Tiến, Xuân Canh có gần 160 học sinh các cấp học, hàng ngày các emg qua đò đến trường ở trung tâm của xã để học. Gian nan nhất là mùa mưa lũ, các em đành phải nghỉ học ở nhà vì nước chảy xiết, dâng cao, rất nguy hiểm. Có những trận mưa lũ kéo dài cả tuần, các em cũng phải nghỉ học cả tuần. Cũng vì lẽ đó, mà nhiều em trong thôn không thể theo kịp bạn bè, bỏ học…” ông Hận chia sẻ.

Do thôn bị cô lập bởi giao thông chia cắt, không có cầu để qua lại, nên việc sản xuất, vận chuyển nông sản của người dân tại các thôn Xuân Canh, Thuận Tiến cũng gặp rất nhiều khó khăn, vất vả và thường xuyên bị thương lái ép giá…

Theo ông Hoàng Thanh Phong, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hóa, do bị chia cắt trong thời gian dài nên việc đi lại của bà con thôn Thuận Tiến, Xuân Canh rất vất vả và nguy hiểm, nhất là lúc mưa to nước sông Gianh dâng cao, người lớn thì bó gối ở nhà, lũ trẻ phải nghỉ học. Đêm hôm, người dân có việc cần đi lại hay cấp cứu người, phải thuê thuyền vượt sông Gianh với chi phí cao hơn thường ngày.

Ông Phong cũng cho hay, năm 2014, đã có đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải về khảo sát để cho địa phương một cây cầu treo bắc qua sông Gianh nối thôn Thuận Tiến, Xuân Canh với trung tâm xã. Nhưng sau khi khảo sát xong, họ bảo không thể làm cầu treo được do khẩu độ rồi đi về.

Nhiều năm nay, cứ đến các buổi họp tiếp xúc cử tri là người dân thôn Thuận Tiến, Xuân Canh lại mong muốn có một cây cầu để yên tâm đi lại và phát triển kinh tế. Nhưng mong mỏi của họ vẫn cứ là giấc mơ xa xăm mà thôi…

Mong mỏi chờ nước sạch…

Bên cạnh đó, giấc mơ thiết thực nhất mà nhiều năm qua người dân xã Thuận Hóa vẫn mong chờ hàng ngày… là nước sạch.

Anh Trần Thanh Bình, trú thôn Hạ Lào cho biết, nhà anh ở gần đồng ruộng nên nước giếng bị nhiễm phèn, từ bao đời nay, gia đình anh từ tắm rửa, giặt giũ đến nấu ăn, phải sử dụng nước sông hoặc nước suối chảy qua mương thủy lợi trước nhà. Mặc dù biết rất bẩn, không hợp vệ sinh, nhưng gia đình anh vẫn phải sử dụng.

Hai năm trở lại đây, gia đình anh có khoan giếng, tuy nhiên, nguồn nước cũng bị nhiễm đá vôi, phèn. Để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, gia đình anh phải bỏ tiền mua nước bình, tuy tốn nhiều chi phí nhưng cũng cơ bản bảo đảm được vệ sinh.

Người dân Thuận Hóa mong muốn một cây cầu bắc qua sông Gianh để thoát cảnh chia cắt nhiều năm nay.
Người dân Thuận Hóa mong muốn một cây cầu bắc qua sông Gianh để thoát cảnh chia cắt nhiều năm nay.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Bí thư chi bộ thôn Hạ Lào cho biết, nhiều năm qua, người dân trong thôn không có nước sạch để sử dụng, chủ yếu dùng nước sông Gianh, khe, suối và tích trữ nước mưa. Vào mùa mưa lũ, nước sông Gianh đục ngầu, tuy nhiên, cũng không còn cách nào khác, các hộ dân trong thôn phải xử lý tạm thời rồi sử dụng.

Cũng theo ông Hòa, trước đây, bà con cũng có nước sạch của dự án ADB, tuy nhiên, trận lũ năm 2013 đã cuốn trôi hết đường ống nước, nên đến bây giờ người dân ở Hạ Lào vẫn không có nước sạch…

Theo lãnh đạo xã Thuận Hóa, hiện nay, toàn xã có hơn 500 hộ dân thuộc các thôn Ba Tâm, Đồng Lào, Hạ Lào đang phải sử dụng nước bị nhiễm phèn, nước sông, suối, khe không bảo đảm vệ sinh để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị các ban ngành, quan tâm hỗ trợ cho nhân dân trong xã có công trình nước sạch, tuy nhiên, đã nhiều năm qua, vẫn “bặt vô âm tín”…

“Những năm gần đây, đời sống kinh tế của người dân xã Thuận Hóa có nhiều chuyển biến tích cực; nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh để sinh hoạt mỗi ngày rất lớn. Năm 2020, xã Thuận Hóa sẽ phấn đấu về đích nông thôn mới, hiện nay, xã đã đạt 15/19 tiêu chí. Tuy nhiên, địa phương hiện còn 4 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí về nước sạch…", ông Hoàng Thanh Phong, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hóa cho biết thêm.

Đối với người dân Thuận Hóa, giấc mơ về một cây cầu nối đôi bờ sông Gianh để người dân yên tâm đi lại và phát triển kinh tế; một công trình nước sạch phục vụ cho cuộc sống hàng ngày vẫn sẽ rất xa vời…

Ngọc Hải-Xuân Phú

,