.

Chuyện nghề lưu trữ hồ sơ - Bài 2: Lưu trữ giá trị lịch sử

.
11:03, Thứ Hai, 01/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Công tác lưu trữ tài liệu tồn tại song song với chiều dài lịch sử của dân tộc, sự hình thành của các cơ quan, tổ chức và có vai trò quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh không chỉ đơn thuần là nơi bảo quản, lưu trữ tài liệu mà còn là nơi lưu giữ giá trị lịch sử.
 
“Cầu nối”
 
Phòng khai thác và sử dụng tài liệu của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh lúc nào cũng mở sẵn cửa phục vụ nhu cầu tìm kiếm, tra cứu tài liệu của người dân. Là “khách ruột” thường đến trung tâm tìm tài liệu, ông Hoàng Thanh Sơn, xã Hoàn Trạch (huyện Bố Trạch) cho biết, ông đến phòng khai thác và sử dụng tài liệu nhiều đến nỗi các chị em trong phòng ai cũng quen mặt.
 
Ông kể, ông có gần 7 năm làm nhiệm vụ hỗ trợ y tế ở Lào nhưng sau khi trở về địa phương thì thất lạc hết giấy tờ. Biết được thông tin trung tâm có lưu giữ nhiều tài liệu quan trọng từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nên ông “đánh liều” vào tìm.
 
 
“Các chị ở phòng lưu trữ rất nhiệt tình, sau khi trình bày mong muốn tìm quyết định điều động đi Lào để làm chế độ, các chị ấy nhanh chóng chia nhau lật từng giá hồ sơ để tìm tài liệu cho tôi. Các chị ấy nhiệt tình đến mức gần hết giờ làm việc nhưng chị Ngọc, chị Vân, chị Trâm vẫn cố gắng nán lại để tìm cho bằng được. Nhờ sự giúp đỡ của các chị lưu trữ mà tôi đã tìm được quyết định làm chế độ hưởng trợ cấp”, ông Sơn tâm sự.
 
Sau khi được giải quyết chi trả chế độ trợ cấp một lần, ông Sơn tiếp tục làm “cầu nối” dẫn dắt thêm nhiều cựu binh khác đến trung tâm tìm tư liệu hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ. “Đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi câu nói của các chị ở Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh khi lần đầu gặp mặt: "Chúng cháu có được như ngày hôm nay là nhờ công lao của các bác, các chú nên chúng cháu phải có trách nhiệm tìm cho bằng được dù khó khăn, vất vả như thế nào".

Chính sự giúp đỡ tận tình đó mà rất nhiều cựu binh như chúng tôi đã tìm được những tài liệu quan trọng mà tưởng chừng như không thể tìm được”, ông Sơn xúc động chia sẻ.

Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh bàn giao tài liệu đã chỉnh lý cho Sở Ngoại vụ.
Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh bàn giao tài liệu đã chỉnh lý cho Sở Ngoại vụ.

Cũng là một trong những cựu chiến binh gắn bó với Trung tâm Lưu trữ lịch sử tình, ông Bạch Doãn Nụng, xã Đức Ninh (thành phố Đồng Hới) tâm sự: “Nếu không có những tài liệu đi B được lưu trữ tại trung tâm thì tôi và rất nhiều đồng đội của mình không thể làm được chế độ thương binh, chất độc da cam.

Trung tâm chính là "cầu nối" để anh em chúng tôi ôn lại những ký ức hào hùng của một thời chiến tranh ác liệt và là nơi lưu giữ “chứng cứ” bảo vệ quyền lợi chính đáng của những cựu binh”.

Với chị Nguyễn Phương Ngọc, Trưởng bộ phận Bảo quản, khai thác và sử dụng tài liệu, niềm vui với nghề cũng thật đơn giản. Đó là những khi chị tìm được hồ sơ, tài liệu cho một tổ chức, cá nhân nào đó.

“Trong hơn 10 năm công tác của mình, tôi đã nhiều lần trực tiếp tìm kiếm tài liệu cho những người đến khai thác. Có những cụ già đã hơn 80 tuổi, lặn lội từ các vùng quê về đây để tìm kiếm thông tin. Hay có những người từng tham gia hoạt động cách mạng, nhưng nay hồ sơ bị thất lạc cũng đến trung tâm với hy vọng mong manh.

Rất nhiều trường hợp sau khi tìm được tài liệu đã ôm chầm lấy chúng tôi, vui mừng đến rơi nước mắt. Họ xúc động không phải vì những khoản tiền trợ cấp được nhận lúc khó khăn mà còn là sự ghi nhận của chính quyền đối với những đóng góp của họ”, chị Ngọc tâm sự.

Theo chị Ngọc, các loại tài liệu thường được khai thác là tài liệu thi đua, khen thưởng, bản khai thành tích của cá nhân, các thông tin liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tài liệu liên quan đến các dự án, công trình, tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học…

Việc khai thác, cấp chứng thực đều thực hiện trên nguyên tắc bảo mật, an toàn. Trong  năm 2018, trung tâm đã phục vụ 46 lượt người đến khai thác, sử dụng tài liệu; chứng thực 49 văn bản thành 173 bản, in sao 637 trang tài liệu.

Nơi lưu giữ những tài liệu quý

Anh Hồ Ngọc Thắng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh cho biết, hiện tại, trung tâm đang lưu trữ, bảo quản 21/34 phông tài liệu, gần 23.000 bộ hồ sơ, đựng trong 4.000 hộp tài liệu (tương đương 700m tài liệu). Gồm các phông lưu trữ: UBHC tỉnh (phông đóng) (1953-1976), UBND tỉnh (1989-2008), HĐND tỉnh (1989-2008), Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ (2004-2010), Sở Giao thông vận tải (1989-2013), Sở Lao động -Thương binh và Xã hội (1989-2010), Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Ngoại vụ (2004-2010), UBND huyện Lệ Thủy (2002-2010), UBND huyện Tuyên Minh (phông đóng) (1976-1989)…

Theo anh Thắng, tất cả tài liệu của các phông lưu trữ đang bảo quản tại trung tâm đều mang giá trị lịch sử, có nhiều phông tài liệu trở thành những tư liệu quý đối với độc giả.

Cụ thể: phông tài liệu UBHC tỉnh (1953-1976), UBND tỉnh (1989-2008) là phông tài liệu rất có giá trị trong kho lưu trữ, phản ánh tất cả các hoạt động của tỉnh trong thời kỳ kháng chiến trên mọi lĩnh vực như: an ninh-quốc phòng, kinh tế-chính trị, văn hóa-xã hội… nhằm phục vụ độc giả trong việc khai thác hồ sơ, tài liệu trong thời kỳ hoạt động kháng chiến để làm hồ sơ giải quyết chế độ chính sách; phục vụ độc giả nghiên cứu các đề tài về lịch sử đảng cho các ngành, cơ quan, đơn vị…

Ông Lê Trọng Duận, xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh) cho rằng: "Ngoài nguồn tư liệu của Trung tâm Lưu trữ khu vực III, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh là nơi lưu trữ, cung cấp nguồn tư liệu đáng quý nhất, phong phú nhất đối với những người làm công tác phục dựng, viết lại lịch sử.

Trải qua chiến tranh, nhiều lần chia tách, sáp nhập tỉnh, chuyển đổi cơ sở lưu trữ nhưng rất nhiều tài liệu quan trọng từ hàng chục năm trước vẫn được trung tâm lưu trữ và bảo quản.

Tôi đã có nhiều năm làm công việc viết lịch sử đảng bộ cho các xã, ngành và cũng từng đó thời gian gắn bó với chiếc bàn đọc tại phòng khai thác sử dụng tài liệu của trung tâm. Những tài liệu quan trọng được lưu trữ, bảo quản tại trung tâm đã giúp tôi viết nên những cuốn sách mang giá trị lịch sử”.

Lan Chi

 

,