.

Uống cà phê, nhớ thời bao cấp

.
09:23, Thứ Sáu, 22/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Quán cà phê Bao Cấp nằm khiêm nhường giữa con phố Quang Trung (Đồng Hới) rộn rã người qua lại. Nếu đã một lần đặt chân đến đây, hẳn bạn sẽ bị lôi cuốn bởi nét mộc mạc của không gian đượm màu hoài cổ này. Riêng với những ai từng đi qua thời kỳ bao cấp, họ sẽ tìm thấy cả một trời ký ức về những năm tháng gian khó đã qua.
 
Sáng đầu xuân. Nắng vàng rải nhẹ trên những lối phố và vương trên những chồi xanh non mượt mà. Quán nằm khép mình dưới tán cây đang độ vươn chồi. Không gian ấy như chững lại giữa những dòng người hối hả lướt qua phía trước con phố chính bởi thanh âm cất lên từ chiếc máy nhạc đã cũ.
 
Và hẳn nhiên, sự yên bình được toát lên cũng từ chính những vật dụng xưa cũ được bài trí bên trong quán đủ sức níu chân những người khách một lần đi qua con phố này.
Cà phê Bao Cấp nằm khiêm nhường trên con phố Quang Trung (Đồng Hới).
Cà phê Bao Cấp nằm khiêm nhường trên con phố Quang Trung (Đồng Hới).
Cũng như bao người khách lạ, tôi chọn cho mình một góc nhỏ phía bên trong quán-nơi có thể phóng tầm mắt bao quát được không gian lạ lẫm này và tách hẳn với những ồn ã, náo nhiệt của phố xá ngoài kia.
 
Khác hẳn với những kiến trúc nhà ở hiện đại, rực rỡ xung quanh nó, ngay từ cửa chính đi vào, cà phê Bao Cấp có một hệ thống tường vách kết hợp với những vật dụng cũ xưa của những năm sau chiến tranh còn sót lại.
 
Sự bố trí khéo léo ấy đủ sức hấp dẫn những người đi đường. Vậy nên, cà phê Bao Cấp ngày một đông khách hơn. Nhiều người đến chỉ vì tò mò và muốn thưởng thức ly cà phê rang xay bên trong không gian lạ lẫm ấy. Những người khác đến đây chỉ để một lần được quay trở lại những năm tháng đã trôi xa.
 
Không gian bên trong quán đầy ắp những khoảng tĩnh lặng, thích hợp để đọc sách, làm việc. Quán Bao Cấp có 2 tầng dành để bán cà phê. Các đồ vật cũ kỹ, từ cái cân sắt, phích nước, tivi cho đến đèn báo bão, tem phiếu, chiếc máy khâu... được đánh bóng và sắp xếp một cách tinh tế làm toát lên không gian thời bao cấp. Nền nhà láng bằng xi măng, mái lợp bằng cột kèo gỗ, cót ép, vách ngăn là những mảng tường quét vôi, dán báo, hay gạch bông hoa…
 
Đây là một trong những vật liệu xây dựng đặc trưng thời kỳ khó khăn. Trên các mảng tường lớn của căn nhà là những bức tranh cổ động, đầy đủ hình ảnh: công, nông, binh… những yếu tố khắc họa rõ nét nhất một thời đã qua.
 
Ông chủ cà phê Bao Cấp - anh Nguyễn Đăng Mạnh Hoàng - còn khá trẻ, lại là một kiến trúc sư. Hoàng bảo, ký ức thời bao cấp trong anh khá mờ nhạt nhưng lại luôn được gợi nhắc trong những câu chuyện của gia đình, của những bậc cha, chú. Vậy nên, nó khiến anh vừa háo hức, vừa tò mò.
Những vật dụng cũ xưa của những năm bao cấp được bài trí bên trong quán.
Những vật dụng cũ xưa của những năm bao cấp được bài trí bên trong quán.
Cà phê Bao Cấp ra đời như một nơi chốn để những người già được hàn huyên chuyện xưa cũ, những người trẻ được một lần trải nghiệm, khám phá những giá trị một “thời tem phiếu” tưởng chỉ còn trong sách, báo. Và biết đâu đấy, giữa không gian đầy những điều thú vị này, hai thế hệ sẽ tìm được thêm sự đồng cảm, sẻ chia và thấu hiểu.
 
“Nhiều cụ già tìm đến quán chỉ là để ngắm nhìn lại những vật dụng cũ. Họ kể cho nhau nghe những câu chuyện về một thời vui có, buồn có trong nỗi xúc động. Quán gần như là điểm hẹn giúp mọi người tìm về gần nhau hơn. Tôi vẫn mong muốn, quán nhỏ của mình sẽ là nơi lui tới thường xuyên của những người dân Đồng Hới và sẽ là một trong những địa chỉ thú vị khi du khách đến với thành phố ven sông này”, Hoàng hào hứng chia sẻ.
 
Từ khi quán cà phê Bao Cấp mở ra, nơi đây trở thành không gian gặp gỡ quen thuộc của ông Đặng Đức Dục (phường Đồng Sơn, Đồng Hới) và những người bạn đồng niên khác. Những mái đầu bạc ấy đến đây không chỉ để thưởng thức ly cà phê, thư giãn tâm hồn mà họ đến như để được chạm tay vào quá khứ, sống lại một thời đã qua. Đó là những ngày gắn với tem phiếu, với phân phối, với xếp hàng… Là những ngày mà cuộc sống vất vả đủ bề nhưng tình người luôn nồng ấm và đầy ắp sẻ chia.
 
Ông Dục bảo: “Đến đây, tôi lại nhớ da diết cái thời vất vả ấy của không chỉ gia đình tôi mà của cả một đất nước. Một thời với những bữa cơm trệu trạo với gạo độn bắp hoặc sắn, với những ngày thay phiên nhau xếp hàng ở những cửa hàng lương thực, chất đốt. Có những điều đi qua trong khó khăn, gian khổ, khi nhìn lại mới thực sự thấy trân quý bao nhiêu. Nhớ với sự trân trọng quá khứ và yêu mến thêm hiện tại, để hướng về tương lai tốt đẹp hơn”.
 
Màn đêm buông xuống, ánh đèn vàng từ quán cà phê Bao Cấp hắt lên những vệt dài. Ngoài kia, những dòng xe vẫn vội vã xuôi ngược. Chỉ có không gian ấy như chững lại dưới ánh đèn vàng, dưới tiếng nhạc cất lên từ chiếc máy phát đã cũ. Không gian ấy như thể nhắc nhở những ai đã bước đến đây biết sống chậm lại giữa những xô bồ, vồn vã của cuộc mưu sinh.
 
Diệu Hương
,