.

"Điểm tựa" của... lòng dân

.
10:13, Thứ Hai, 11/02/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Người Ma Coong ở Thượng Trạch (Bố Trạch) nói rằng, Bộ đội Biên phòng không chỉ thân thiết và gắn bó với bà con như người bạn, người anh em trong gia đình mà còn là "điểm tựa" vững chắc của bà con dân bản ở vùng biên giới này. Còn thượng tá Nguyễn Hữu Trung, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng thì chia sẻ: “Làm được gì cho dân bản, chúng tôi sẽ cố hết sức để làm...”.

Thân thiết như người nhà

Bản Cóc, xã Thượng Trạch ở ngay bên cạnh Đồn Biên phòng Cồn Roàng. Bản chỉ có 28 hộ dân với hơn 100 khẩu người Ma Coong. Đứng ở đồn nhìn sang, thấy thấp thoáng những mái nhà sàn quần tụ trên một triền đất khá bằng phẳng và nhỏ hẹp.

Đi sâu vào bản, từ con đường đến khoảnh sân dưới những căn nhà sàn, mọi thứ đều sạch sẽ, tinh tươm, cứ như thể bà con nơi đây vẫn quét dọn hàng ngày. 12 giờ trưa, gia đình ông Đinh Lụn đang xem ti vi, sau bữa cơm.

Cuộc sống của người Ma Coong ở bản Cóc, xã Thượng Trạch đã có nhiều đổi thay.
Cuộc sống của người Ma Coong ở bản Cóc, xã Thượng Trạch đã có nhiều đổi thay.

Vừa xem phim, ông Đinh Lụn vừa kể, đã từng trải qua 73 mùa rẫy, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ người dân Ma Coong có được cuộc sống như ngày hôm nay. Dân bản được Nhà nước hỗ trợ làm nhà ở, giờ đây lại có thêm điện mặt trời. Vừa nói ông vừa chỉ vào chiếc tivi và cho biết, chiếc tivi này là do ông mới mua hồi đầu năm 2018.

Trước đó, UBND xã cũng đã tặng cho ông một chiếc, nhưng ông đã cho gia đình người con trai. Từ khi Nhà nước đưa điện mặt trời về, dân bản vừa có điện thắp sáng, vừa có điện xem tivi. Ban đầu xem không hiểu gì cả, nhưng dần dần rồi cũng hiểu, cũng thích. Có điện, có ti vi, người già và lũ trẻ vui hẳn lên.

Thấy tôi thắc mắc chuyện bản làng được vệ sinh sạch sẽ, ông Đinh Lụn bảo, tất cả là nhờ Bộ đội Biên phòng. Bộ đội bảo phải dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường mới không bị bệnh tật. Gà, lợn, trâu bò cũng phải “ở riêng”, không được ở chung với con người. Hàng ngày, bộ đội đều đi kiểm tra, nhắc nhở.

Lâu dần, thành quen. Không chỉ có vậy, từ khi Đồn Biên phòng Cồn Roàng về đóng gần đây, người dân bản được nhờ Bộ đội Biên phòng nhiều thứ. Bộ đội đào giếng lấy nước cho dân bản dùng, nên không phải lo nước từ khe suối lúc cạn nước hay mưa lũ nữa.

Trước đây, do nhận thức hạn chế, nên mỗi khi bị bệnh, bà con thường đổ lý do là vì con ma rừng, nên chỉ cúng bái chứ không đi khám ở trạm y tế xã. Chỉ khi bị bệnh nặng, bà con mới đến trạm y tế xã để chữa trị, vì trạm ở xa, cách hơn 10km. Nay đồn ở gần nên ai có bệnh đều đến đồn để khám và xin thuốc. Có người đau đi không được phải ở nhà, bộ đội liền đưa bác sĩ về tại nhà khám bệnh và cho thuốc.

Anh Đinh Hiềng, Trưởng bản Cóc cho biết: “Mặc dù, cuộc sống của người Ma Coong nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng kể từ khi Đồn Biên phòng Cồn Roàng chuyển về đóng gần bản, dân bản được bộ đội giúp đỡ rất nhiều. Dân bản, vì vậy mà quý mến Bộ đội Biên phòng lắm. Họ coi cán bộ, chiến sỹ biên phòng như người nhà vậy”.

“Quà tặng” của... Bộ đội Biên phòng

Đó là điểm trường mầm non của bản Cồn Roàng. Điểm trường nhỏ này nằm trên một ngọn đồi cao, chỉ có vẻn vẹn 2 phòng khá khang trang, gồm: 1 phòng học, 1 phòng ở cho 2 giáo viên và 1 nhà bếp. Điều đáng nói, điểm trường này chính là “quà tặng” của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cồn Roàng.

Lớp học mầm non điểm Trường mầm non Cồn Roàng, món quà của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cồn Roàng.
Lớp học mầm non điểm Trường mầm non Cồn Roàng, món quà của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cồn Roàng.

Cô giáo Hồ Thị Thủy, giáo viên phụ trách điểm trường cho biết, điểm trường được xây dựng và đi vào hoạt động từ đầu năm 2017. Nếu không có cán bộ, chiến sỹ biên phòng thì các cháu nhỏ trong độ tuổi mầm non của bản Cồn Roàng sẽ không được đến trường, vì ở đây chưa có điểm trường mầm non. Trong khi đó, điểm mầm non gần nhất cũng cách bản gần 6 cây số, lại phải qua nhiều đèo dốc, khe suối.

Từ khi có điểm trường này, các cháu nhỏ ở đây không chỉ được đi học, mà con đường đến trường cũng được rút ngắn chỉ còn hơn 1 cây số. “Vì các cháu còn nhỏ, nên chúng tôi và Bộ đội Biên phòng phải mất một thời gian vận động, tuyên truyền.

Hiện tại, đã có 20 cháu trong độ tuổi mầm non (từ 3 đến 5 tuổi) đến trường (đạt tỷ lệ 100%). Điều đáng mừng là giờ đây, tất cả các cháu đã có được thói quen đi học. Bởi đến trường, các cháu được cùng nhau vui chơi, được giao tiếp bằng tiếng Việt, đọc thơ, kể chuyện, múa hát, mạnh dạn hơn trong tiếp xúc, giao tiếp với người lạ...”, cô Thủy cho biết.

Thượng tá Nguyễn Hữu Trung, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng cho hay: “Để có được điểm trường này, cán bộ, chiến sỹ của đồn đã làm cật lực suốt gần 2 tháng trời, từ san ủi mặt bằng, dựng trường, làm nền (lát đá), làm hàng rào, dù họ chưa một lần cầm bay, cầm đục...

Tuy giá trị ngôi trường không lớn, nhưng đây là món quà ý nghĩa của những người lính biên phòng chúng tôi dành cho các cháu nhỏ nơi đây, với mong muốn các cháu được đến trường vui chơi và học tập như bao trẻ em ở các vùng miền khác. Hễ, làm được gì cho dân bản, thì chúng tôi sẽ cố hết sức để làm... Bởi, ngoài nhiệm vụ chính là giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới, thì việc giúp đỡ, hỗ trợ cho dân bản cũng là trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ biên phòng đóng quân ở vùng biên giới này”.

Dương Công Hợp
 

,