.

Những đồi chè, bao giờ trở lại?

.
08:41, Chủ Nhật, 06/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày xưa nơi đây-miền tây huyện Lệ Thủy-là đất chè, chè của Nông trường Đại Giang. Nay những đồi chè rộng lớn đã biến mất thay vào đó là rừng trồng bạt ngàn. Chỉ có điều rừng trồng đưa lại hiệu quả kinh tế quá thấp, là nỗi trăn trở của chính quyền, các hộ dân địa phương.

Tôi tình cờ gặp lại ông Chửng, người bán chè dạo năm nào ngay trên đất miền tây. Ông lập nghiệp ở đây từ ngày trước chia tỉnh, gắn bó một thời với những cân chè búp Đại Giang. Nay chè Đại Giang không còn nữa nhưng ông vẫn vương vấn với cây chè, nuối tiếc cho một thứ cây đã có thời gian dài gắn bó với đất này. Chính cái “bùi ngùi” của ông đã gợi cho tôi những chuyến đi về miền tây mến thương và nhiều kỷ niệm.

Dòng Kiến Giang lên đến vực An Sinh chia làm hai ngả, một Rào Mệ và ngả kia là Rào Con. Từ cái tên mà cổ nhân đã đặt cho từng nhánh sông, ta dễ hình dung ra hình hài của chúng.

Nhiều hộ gia đình ở Trường Thủy vẫn phát triển cây chè để cung cấp cho nhu cầu sử dụng chè tươi của người dân.
Nhiều hộ gia đình ở Trường Thủy vẫn phát triển cây chè để cung cấp cho nhu cầu sử dụng chè tươi của người dân.

Nhưng chính cái bé nhỏ của Rào Con đã định hình trong lưu vực của nó một vùng rừng núi với đất đai tốt tươi và khá bằng phẳng. Vào năm 1970, tỉnh đã hình thành một nông trường quốc doanh lấy tên Đại Giang, chuyên về trồng chè trên vùng đất này, lưu vực của sông Rào Con.

Sau hai thập kỷ, cả một vùng đất rộng lớn bao gồm hai xã hiện nay là Văn Thủy và Trường Thủy đã có nhiều đồi chè xanh ngút ngát. Hàng năm, từ nơi này, có hàng chục tấn chè búp mang” thương hiệu” Đại Giang đi khắp vùng. Nhưng rồi, cũng như bao nông trường quốc doanh khác, “cơn sóng” chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang hạch toán kinh tế đã đẩy các nông trường đến chỗ giải thể.

Đó là năm 1993, bà Đỗ Thị Hoa ở thôn Hồng Giang (xã Trường Thủy), một trong những công nhân còn trụ lại ở ngay chính vùng đất nông trường trồng chè, nhớ lại. Hàng trăm công nhân, người lao động đã phải chia tay nhau tìm kế mưu sinh mới. Gia đình bà vẫn để lại mấy luống chè xen giữa những cây cao su được trồng sau khi nông trường giải thể, như muốn lưu giữ về một thời thanh xuân trên đất này.

Tôi quê Lệ Thủy, vùng giữa, nhưng vì rời quê đi lính từ đầu năm 71, rồi “lưu lạc” đến nhiều miền quê khác nữa, nên mãi đến khi Quảng Bình trở lại địa giới cũ, sau năm 1989 mới biết đến chè Đại Giang. Cũng chính ông Chửng, người được nhắc đến trong đầu bài viết đã bỏ vào tay tôi nhúm chè búp rồi bảo: "Chú về uống thử, thấy thích thì lần sau mua". Tôi không phải là dân sành chè, nhưng cũng nhận biết được sự khác nhau giữa chè Đại Giang và chè Thái (gọi chung chè các địa phương Thái Nguyên, Phú Thọ…).

Mà cụ thể hơn là chè Đại Giang không thể sánh với chè Thái, nhưng sự khác biệt không quá lớn. Nhưng có lẽ điều ấn tượng là vùng quê tôi, vốn cách xa nơi gốc gác chè Thái cả nghìn cây sốlại sản xuất được chè móc câu, có thể trộn lẫn với chè Thái mà những ai không tinh tường dễ bị nhầm lẫn. Hiển nhiên ở đây chỉ muốn nhấn mạnh về  mức độ “một chín, một mười” của hai thứ chè…

Bây giờ, khó ai có thể hình dung nơi đây đã có một nông trường quốc doanh tồn tại suốt hai thập kỷ, bởi rừng trồng đã bao phủ cả một vùng rộng lớn. Rừng trồng đã góp phần làm đổi thay vùng đất nghèo này. Nhưng câu chuyện về rừng trồng trong một chuyến đi năm ngoái với cán bộ các xã Trường Thủy, Văn Thủy đã làm cho chúng tôi phân tâm. Rằng trồng rừng nếu tính thuần túy kinh tế thì quả là quá …tệ.

Ông Cao Xuân Phùng, Bí thư Đảng ủy xã Văn Thủy nói, đất tốt thế nhưng trồng rừng cũng chỉ cho thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/ha/năm và giải quyết cho chừng 30 công lao động. Tại xã Trường Thủy, chúng tôi cũng có những thông tin tương tự. Không những thế, rừng trồng còn bị đe dọa bởi thiên tai, mà cụ thể là bão.

Năm 2013 rồi 2017, hai trận bão đã cuốn nhiều cánh rừng lên…mây! Trong khi tại xã Văn Thủy, theo ông Phùng, có trên dưới nghìn ha đất rất tốt có thể trồng được nhiều thứ cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nhưng trồng cây gì cho hiệu quả cao hơn và phát triển một cách bền vững để không lãng phí tài nguyên đất đai? Đấy là câu hỏi được các địa phương trăn trở trong nhiều năm nay. Ông Cao Xuân Phùng cho biết, địa phương cũng đã đề cập đến một số cây, như: dứa, nghệ…Trong những cây mà địa phương đề cập đến đọng lại trong tôi là… cây chè.

Liệu cây chè, một lần nữa có làm nênthành công trên đất này với quy mô lớn? Nói vậy, bởi cây chè với quy mô nhỏ lẻ vẫn đang “sống tốt” trên đất này. Nhiều hộ dân đã trồng chè trong vườn để bán chè tươi đáp ứng nhu cầu “truyền thống” về uống chè xanh của người dân trong vùng và cũng cho thu nhập khá.

Tôi đã tìm gặp một người gắn bó với cây chè hơn một thập kỷ, trên cương vị giám đốc nông trường, ông Lê Văn Thắng. Ông Thắng cho biết, trước lúc giải thể, nông trường có hơn 189 ha chè, hàng năm cho hơn 65 tấn chè búp. Cái tôi cần biết là chất lượng chè Đại Giang so với chè Thái chính hiệu? Ông bộc bạch, chè Thái thì ngon hơn, nhưng chè Đại Giang lại đượm nước hơn. Giải thích vì sao chè ta thua họ, ông nói có lẽ vì đất đai, khí hậu.

Nhưng rồi như chợt nhớ ra, ông nói thêm:  "Không thể không tính đến kỹ thuật của ta và cả cách quản lý, tổ chức sản xuất lúc bấy giờ có nhiều hạn chế. Có lẽ tính chuyên nghiệp trong sản xuất thứ đồ uống “cao cấp” này là điều bắt buộc, chỉ một vài khâu sơ sẩy là hỏng cả đám".

Còn ông Dương Xuân Nhật quê ở xã Xuân Thủy, gắn bó với nông trường từ giữa những năm bảy mươi thì nói chắc nịt, đất vùng Văn Thủy, Trường Thủy trồng chè rất phù hợp, ông chỉ ra những vùng trồng chè cho năng suất cao, chất lượng tốt. Ông nhấn mạnh, còn chè ngon hay không còn lệ thuộc nhiều yếu tố khác nữa, chứ như lúc trước chè hái về chất đống, bỏ qua đêm, có lúc mưa ướt hết…làm sao chất lượng chè cao được.

Những luống chè “hoài niệm” giữa vườn cao su.
Những luống chè “hoài niệm” giữa vườn cao su.

Bây giờ có thể phát triển cây chè với quy mô lớn như trước? Ông Thắng cho rằng, phát triển cây chè là một ý tưởng tốt, đúng hướng trên vùng đất này nhưng chắc chắn sẽ khó khăn vì đất đai bây giờ đã phủ kín rừng trồng.

Với những nhà đầu tư thì việc đó không quá khó. Cơ chế về đất đai bây giờ đã khác trước với nhiều hình thức huy động tích tụ đất rừng để có diện tích đủ lớn trong phát triển sản xuất.

Điều quan trọng là có nhà đầu tư nào dám làm cây chè hay không. Năm 2018, cây chè đang gặp một số khó khăn trong xuất khẩu, nhưng tiềm năng xuất khẩu vẫn rất lớn. Nhìn chung cây chè vẫn có hướng đi khá ổn định cả thị trường xuất khẩu và nội địa.

Có lẽ, những năm tháng cây chè tồn tại trên đất này sẽ không uổng phí, những trang ký ức rồi sẽ được những người tâm huyết với vùng đất này lật lại để chắt lọc những gì mà các thế hệ trước đã làm được.

Và cây chè cũng chỉ là một trong nhiều thứ cây, con khác mà cuộc sống đang đặt ra thử thách với miền tây, để tài nguyên thiên nhiên ở đây không bị lãng phí, cơ hội làm giàu của người lao động không bị bỏ lỡ…

Văn Hoàng
 

,