.

Chuyện của Ohana

.
09:33, Chủ Nhật, 13/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - “Hãy ném vào đời chút màu sắc, thứ bạn nhận lại hẳn sẽ là bức tranh đẹp”, Vân đã nói với tôi như thế trong một sáng Đồng Hới se sắt lạnh. Câu chuyện của cô gái ngấp nghé 30 này cứ xoay quanh những bức tranh, những gam màu và về dự án mà cô đang thực hiện: Ohana Paintings. Nhiệt huyết trong từng lời nói, trong ánh mắt của cô gái trẻ đủ sức làm ấm lên không gian của buổi sáng mùa đông mưa và lạnh.

“Với Ohana, ai cũng là họa sỹ”

Tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính-Kế toán nhưng Đinh Thị Khánh Vân (phường Nam Lý, TP. Đồng Hới) lại có một niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật. Ra trường, đi làm, Vân gắn bó với công việc vốn chẳng mấy liên quan đến nghệ thuật, nhưng sau nhiều năm xa quê, cô đã lựa chọn cho mình một cuộc trở về.

Không gian của Ohana thường là một góc nhỏ của các quán cà phê, nhà hàng.
Không gian của Ohana thường là một góc nhỏ của các quán cà phê, nhà hàng.

Về thành phố biển quê hương, Vân không vội vã tìm một công việc phù hợp với chuyên ngành học mà quyết định mở Ohana Paintings nhằm tạo không gian tiếp cận với hội họa cho cả người lớn lẫn trẻ em.

Kể từ ngày cô gái trẻ “chân ướt, chân ráo” về quê mở ra loại hình mới mẻ này, đến nay, cũng đã ngót nghét 3 tháng trời. Chỉ cần nhìn những lớp vẽ chật kín chỗ mỗi ngày chủ nhật cũng đủ hiểu Ohana đã thu hút sự quan tâm của phụ huynh, các em học sinh và cả những bạn trẻ như thế nào?

Không gian vẽ tranh không cố định mà thường được tổ chức ở một góc nhỏ của các quán cà phê, nhà hàng được trang trí đẹp mắt trong thành phố. Nơi ấy, mỗi người có thể vừa thưởng thức âm nhạc, vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa chăm chú vào từng nét vẽ của mình.

Trong những giây phút lắng lòng vào âm nhạc và hội họa ấy, người ta tạm quên đi những chộn rộn của cuộc sống áo cơm, những áp lực học tập, mà như nhiều người vẫn bảo rằng, đó là tạm bước vào một thế giới thật khác. Vậy nên, với những người yêu vẽ tranh thực sự, Ohana là lựa chọn thường xuyên của họ mỗi dịp cuối tuần.

Vân bảo, Ohana không phải là một lớp dạy vẽ mà chỉ đơn thuần là một không gian chung dành cho những người yêu hội họa và muốn khám phá khả năng hội họa của chính mình. Ohana thường tổ chức vào các ngày chủ nhật hàng tuần.

Buổi sáng là lớp vẽ của trẻ em (160.000 đồng/người), buổi chiều dành cho người lớn (180.000 đồng/người). Mỗi buổi vẽ là một tranh chủ đề khác nhau và thường được vẽ bằng màu nước trên vải toan.

Người “đứng lớp” của Ohana là cậu sinh viên kiến trúc còn rất trẻ tên Võ Đại Hoài. Mỗi buổi học, Hoài hướng dẫn cho các học viên cách lựa chọn bố cục, phối màu, còn lại, việc có tỉ mỉ đi theo từng chi tiết của bức tranh chủ đề hay không là quyền của mỗi người.

Tiêu chí của Ohana cũng như của những người trẻ như Vân, như Hoài là không áp đặt cách vẽ của mình hay một khuôn mẫu nào cho người khác.

“Đến với Ohana, ai cũng có thể tự tin rằng mình cũng là họa sỹ và mỹ thuật không phải cái gì đó quá cao siêu mà nó dành cho tất cả mọi người. Vậy nên, chúng tôi chỉ gợi mở, không áp đặt mà khuyến khích sự sáng tạo trong cách thể hiện. Với tranh mẫu, bông hoa màu đỏ, nhưng các bạn có thể vẽ thành màu trắng, màu vàng, miễn sao bạn thấy hài lòng với lựa chọn của mình”, Vân chia sẻ.

Theo họa sỹ Nguyễn Lương Sáng, Phân hội trưởng phân hội Mỹ thuật, Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình, mô hình tương tự như Ohana đã có mặt ở các thành phố lớn khá lâu. Riêng ở Quảng Bình, Ohana là mô hình đầu tiên được mở ra, đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người trẻ, nhất là các em nhỏ.

“Ở Đồng Hới rất thiếu những sân chơi nghệ thuật như thế này. Với người lớn, vẽ tranh sẽ giúp họ cân bằng lại cuộc sống. Với trẻ em, đó có thể là môi trường để ươm mầm và phát hiện những hạt nhân hội họa trong tương lai”, họa sỹ Nguyễn Lương Sáng khẳng định.

Hãy để trẻ thỏa sức sáng tạo

Yêu vẽ tranh và tìm hiểu khá kỹ về mô hình nghệ thuật này trước khi trở về Quảng Bình, vậy nên, Vân hiểu, trẻ em có năng lực cảm thụ bẩm sinh về nghệ thuật, màu sắc, hình khối. Việc của người lớn, nhất là những bậc làm cha, làm mẹ là kích thích và khai phá khả năng ấy thay vì triệt tiêu nó và áp đặt cho các em một lối tư duy khác phi tự nhiên.

Bất kỳ đứa trẻ nào cũng đều có hứng thú đặc biệt với việc vẽ tranh. Các bé vẽ theo cảm hứng của mình, dẫu động tác còn vụng về nhưng đó là những hoạt động đầu tiên thôi thúc bé chứng tỏ khả năng của mình với những người xung quanh.

“Nhiều phụ huynh mang con đến Ohana với rất nhiều kỳ vọng. Một số ít còn tỏ ra thất vọng khi bức tranh của con mình không đẹp, các em vẽ màu khác so với bức tranh mẫu. Nhưng chúng tôi phải nói rõ với phụ huynh rằng, phải để cho trẻ thỏa sức sáng tạo, đừng bắt ép trẻ đi theo bất kỳ một khuôn mẫu nào.

Những bức vẽ có thể không đẹp theo những tiêu chuẩn hội họa thông thường. Và khi vẽ, trẻ có thể bị lấm bẩn. Nhưng, trẻ luôn thấy vui vẻ, phấn khích trước mỗi bức họa được hoàn thành. Đó đã là thành công”, Vân chia sẻ.

Suốt 3 tháng kể từ khi Ohana có mặt tại Quảng Bình, chị Bích Hường (TP. Đồng Hới) cho cậu con trai lên 10 tham gia thường xuyên vào tất cả các buổi vẽ tranh. Từ những bức tranh đầu tiên còn khá vụng về trong cách phối màu, đến nay, cậu bé Phúc Minh-con trai chị-đã rất tiến bộ và chững chạc hơn trong từng nét vẽ.

Chị Hường cho biết: “Phúc Minh có năng khiếu hội họa từ nhỏ nên khi Ohana mở ra,  tôi cho cháu tham gia thường xuyên. Mỗi dịp cùng con tham gia các sự kiện của Ohana là một lần giúp tôi hiểu rõ hơn về những đam mê, sở thích của con mình, cũng là cơ hội tốt rèn cho con trẻ sự tập trung, tính kiên nhẫn. Đó cũng là quãng thời gian quý giá để con giải tỏa những áp lực suốt một tuần học tập căng thẳng và hạn chế dùng điện thoại, xem tivi…”.

Với những người yêu vẽ tranh thực sự, Ohana là lựa chọn thường xuyên của họ mỗi dịp cuối tuần.
Với những người yêu vẽ tranh thực sự, Ohana là lựa chọn thường xuyên của họ mỗi dịp cuối tuần.

Mỗi tuần trôi đi, Ohana lại đón thêm những người yêu vẽ tranh mới. Họ có thể là những người trưởng thành, đến với Ohana chỉ để giải trí, cũng có thể là những em nhỏ đến bởi vì đam mê, hoặc đơn giản bởi tò mò.

Nhưng, sau những giờ say sưa với cọ vẽ và màu nước, khi ra về, ai cũng trân trọng mang theo bức tranh-tác phẩm của riêng mình. Vân bảo, cô vẫn thường nói với những phụ huynh rằng, hãy giữ lại những bức tranh đó và cùng trẻ bàn luận, để nhận ra sự tiến bộ qua từng bức vẽ.

“Mỗi khi có khách đến chơi, cha mẹ có thể lấy tranh trẻ vẽ ra cho bạn bè xem, đánh giá, góp ý nhẹ nhàng, vui vẻ để trẻ nhận ra ưu, khuyết điểm, qua đó, cũng là một cách khích lệ. Bạn có thể treo tranh của bé trên tường cho cả nhà cùng ngắm. Làm như vậy có tác dụng cổ vũ bé rất nhiều.

Khi cảm nhận được sự quan tâm, hào hứng của cha mẹ, trẻ sẽ vẽ tự tin hơn, vẽ tốt hơn, sinh động hơn. Và đương nhiên, sự hào hứng ấy thôi thúc Ohana không chỉ dừng lại là sự kiện về hội họa mà sẽ có nhiều dự định hơn nữa trong tương lai”, Vân gợi mở.

Diệu Hương
 

,