.

Indonesia, đất nước vạn đảo

.
06:59, Thứ Ba, 26/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện Chương trình "Giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng, thông qua quản lý bền vững tài nguyên rừng và nâng cao trữ lượng các-bon rừng" (gọi tắt là REDD+) giai đoạn 2012 - 2020, vừa qua, tỉnh ta đã tổ chức đoàn cán bộ với thành phần BCĐ Chương trình REDD+ của tỉnh, BQL Dự án GIZ và một số chủ rừng sang học tập kinh nghiệm tại Indonesia về thực hiện Chương trình REDD+. Ngoài việc học tập kinh nghiệm  thực hiện Chương trình REDD+, còn có nhiều chuyện đáng kể về đất nước vạn đảo này.

Đảo và người

Indonesia có diện tích 1.919.000 km2, đứng thứ 16 trên thế giới về diện tích đất liền (gấp gần 6 lần diện tích nước ta), dân số khoảng 237 triệu ngưòi (đứng thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ,  Mỹ và đông dân nhất Đông Nam Á).  Indonesia tuy không phải là nhà nước Hồi giáo  nhưng là quốc gia có người Hồi giáo đông nhất thế giới, với 86,1% dân số theo đạo Hồi (khoảng trên 200 triệu người).

Người ta thường gọi Indonesia là đất nước vạn đảo bởi quốc gia này có đến 17.508 đảo, trong đó có trên 6.000 đảo chưa có người ở. Nói là đảo nhưng như đảo Java có diện tích 126.700 km2, bao gồm 5 tỉnh, thành phố và thủ đô Jakarta, với dân số 124 triệu người, chiếm trên 50% dân số cả nước; hay đảo Boneo có diện tích 730.330 km2 (là đảo lớn thứ 3 thế giới), đảo chia thành 3 phần thuộc 3 quốc gia: Indonesia, Brunei và Malayxia, phần của Indonesia được gọi là vùng Kalimantan gồm 4 tỉnh.

Đặc biệt có đảo Bali nằm ở phía đông Indonesia, cách thủ đô Jakarta hơn 1000km về phía tây, với diện tích 5.632 km2, dân số 3,15 triệu người. Bali là một trong những đảo có mật độ dân số cao nhất thế giới, là điểm du lịch nổi tiếng châu Á và thế giới, nơi mà du khách thường gọi là “đảo thần”, “thiên đường du lịch”, “bình minh của thế giới” để dành cho hòn đảo tuyệt đẹp này.

Là đất nước vạn đảo, dân số đông nhưng đơn vị hành chính của Indonesia chỉ có 33 tỉnh, có những tỉnh hoặc có nhiều tỉnh nằm gọn trong một đảo, ngược lại có tỉnh bao gồm hàng chục đảo, hàng trăm đảo nên đi lại giữa các đảo chủ yếu bằng máy bay, hoặc tàu cao tốc; hầu hết các đảo có dân số đông đều có sân bay.

Trong 33 tỉnh của Indonesia có 5 tỉnh có quy chế đặc biệt, mỗi tỉnh có cơ quan lập pháp và thống đốc riêng, các tỉnh có mức độ tự trị  hành pháp khác nhau. Các tỉnh được chia thành các huyện và các thành phố, sau đó lại chia ra các quận, và các làng. Cấp hành chính làng là đơn vị có ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc sống hàng ngày của người dân, việc giải quyết các vấn đề của làng thông qua một trưởng làng do dân bầu.

Hệ thống các đảo của Indonesia hầu hết nằm trên rìa của các mảng kiến tạo Thái Bình Dương, Âu Á và Úc khiến Indonesia có nhiều núi lửa và thường xẩy ra các trận động đất, sóng thần. Hiện nay Indonesia vẫn còn khoảng 150 núi lửa đang hoạt động. Những vụ động đất, sóng thần đã gây nhiều thiệt hại nặng về người và tài sản, nhưng bù lại tro núi lửa đóng góp vào sự màu mỡ, phì nhiêu của đất đai, góp phần cho sự phát triển ngành nông, lâm nghiệp.

Đền Hồi giáo Samarida, vùng đông Kalimantan.
Đền Hồi giáo Samarida, vùng đông Kalimantan.

Là quốc gia có nhiều rất nhiều dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, sống  trên nhiều đảo, nhưng Indonesia đã phát triển có tính đồng nhất thông qua một ngôn ngữ quốc gia.

Khi đến thủ đô Jakarta, có sự trùng hợp khá thú vị là múi giờ trùng với múi giờ ở bên ta (trong khi ở Singapore lại cách ta một múi giờ), hình ảnh gây ấn tượng làm chúng tôi chú ý đó là xe ô tô tay lái nghịch và đi về phía trái. Từng đoàn xe nối nhau chạy với tốc độ cao trên 3, 4 làn đường; có những tuyến đường chạy trên cao, uốn lượn quanh co, hầu hết các ngã tư, có các cầu vượt chồng nhau, trên đường rất ít khi nghe tiếng còi xe ô tô và ít thấy cảnh sát giao thông.

Sau 3 ngày ở thủ đô Jakarta, đoàn chúng tôi về thành phố Balikpapan (cách thủ đô Jakarta gần 2 giờ bay), rồi đi gần 300 km bằng ô tô về tỉnh Samarinda thuộc vùng Kalymantan, dọc đường nhìn khá giống với vùng nông thôn miền núi nước ta. Trên đường, ngoài ô tô vẫn có rất nhiều xe máy phân khối lớn lưu thông trên đường, chỉ khác xe máy của họ có hai biển số trước và sau (như biển số xe ô tô ở nước ta).

Qua tiếp xúc, tuy chưa được nhiều nhưng chúng tôi nhận thấy người Indonesia khá thân thiện, khi gặp họ tươi cười và chấp tay trước ngực (như kiểu chào của người Thái Lan). Một hình ảnh gây ấn tượng tốt đẹp cho đoàn: Anh cán bộ Dự án GIZ của tỉnh Samarinda dẫn đoàn từ khách sạn đến trụ sở làm việc, phải đi bộ băng qua một đại lộ, anh đi trước cả đoàn theo sau, anh giơ tay ra hiệu, lập tức cả đoàn xe ô tô, xe máy cả hai chiều dừng lại cho đoàn đi qua, hình ảnh này có lẽ khá xa lạ với giao thông Việt Nam.

Là đất nước Hồi giáo nên các nhà hàng ở Indonesia  không có món ăn chế biến từ thịt lợn và bia, rượu rất hạn chế ở các nhà hàng, khách sạn (chưa nói là cấm). Các bữa ăn, chiêu đãi phần lớn là đặc sản biển, nhưng chỉ uống với nước suối, sữa đậu nành hay  nước sinh tố. Nếu trong các cuộc họp, làm việc ở ta thường đặt hoa, quả trên bàn, thì ở Indonesia họ đặt một hộp giấy có đủ bánh mỳ, chả, bánh ngọt, trong hộp còn có vài quả ớt, là bữa điểm tâm trong buổi làm việc của họ.

Tiền tệ Indonesia là đồng Rupie, tại thời điểm chúng tôi đến Indonesia, thì đồng Rupie có tỷ giá 100 USD đổi được 950.000 rupie (tính ra 100.000 rupie bằng 220.000 VND). Có nhiều mặt hàng khá đắt so với nước ta, nhất là bia rượu, mỗi chai bia loại 650ml giá 45.000 rupie (gần 100.000 VND), một cốc rượu vang đỏ giá khoảng 60.000 VND.

Nói về con người của  Indonesia  mà không nói đến văn hoá, lễ hội của đất nước vạn đảo này thì quả còn khiếm khuyết. Indonesia có khoảng 300 dân tộc, với 742 ngôn ngữ và thổ ngữ. Đặc trưng của văn hoá Indonesia là văn hoá Hồi giáo, nhưng là nền văn hoá không thuần nhất. Đó là sự hoà hợp đa dạng giữa các nền văn hoá và phong tục của nhiều tôn giáo, nhiều dân tộc. Trong đó Hồi giáo có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân Indonesia. Đất nước Indonesia là đất nước lễ hội, hàng năm Indonesia có nhiều lễ hội được tổ chức, mỗi lễ hội là đặc trưng cho mỗi dân tộc, tôn giáo khác nhau và hầu như tháng nào trong năm cũng có lễ hội...

Rừng và chương trình REDD +

Nói Indonesia - đất nước vạn đảo là rất đúng, nhưng nói Indonesia là đất nước của rừng nhiệt đới cũng không sai, bởi  diện tích rừng của Indonesia chiếm trên 70% diện tích tự nhiên (khoảng gần 131.000 km2). Là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á được tổ chức GIZ quốc tế chọn thực hiện Chương trình REDD+ từ năm 2008, khá thành công.

Đười ươi tại khu bảo tồn Rorneo.
Đười ươi tại khu bảo tồn Rorneo.

Với một diện tích rừng rộng lớn, trữ lượng rừng cao, hệ sinh thái đa dạng, phong phú nên ngành lâm nghiệp của Indonesia rất phát triển, đây là một ngành kinh tế quan trọng cho sự phát triển kinh tế- xã hội của Indonesia.

Trong diện tích gần 131 triệu ha rừng được chia ra:  rừng nguyên sinh 41,3 triệu ha, rừng tái sinh 45,6 triệu ha, rừng trồng 2,8 triệu ha, đất không có rừng 41,1 triệu ha. Rừng của Indonesia được phân thành 3 loại: rừng phòng hộ, rừng bảo tồn (ở ta là rừng đặc dụng) và  rừng sản xuất.

Các loại rừng phòng hộ, rừng sản xuất giao cho các địa phương quản lý, sau đó các địa phương giao lại cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ. Đối với rừng sản xuất, Indonesia đã có chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, hiện nay đã cấp được khoảng 30 triệu ha rừng, thời gian sử dụng đất lâm nghiệp được quy định 35 năm. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chủ yếu cấp cho các công ty nhà nước, cấp trực tiếp cho dân rất hạn chế.  Khác với nước ta, rừng bảo tồn do Bộ Lâm nghiệp quản lý, thông qua các khu bảo tồn, các trung tâm bảo tồn quản lý theo ngành dọc.

Indonesia có một hệ sinh thái động, thực vật rất đa dạng và phong phú, đứng thứ 2 thế giới (sau Brazin), có các loại thú lớn quý hiếm như: hổ, tê giác, đười ươi, voi, báo... với số lượng lớn nhưng hiện nay đã bị giảm dần, ngoài ra còn có những loại động vật chỉ có ở Indonesia. Đặc biệt, có loại rồng Komoto, là loài thằn lằn lớn nhất thế giới, có con dài tới gần 3 mét. Năm 2011, loại rồng Komoto đã được chọn làm biểu tượng linh vật của SEAgames 26 Đông Nam Á, tổ chức tại Indonesia.

Rừng Indonesia đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Australia về mức độ đặc hữu, với 1.531 loài chim, 511 loài có vú, 270 động vật lưỡng cư, 2.827 động vật không xương sống; với bờ biển dài trên 80.000 km được bao quanh bởi biển nhiệt đới, đã tạo nên một hệ sinh thái đa dạng, phong phú.

Chúng tôi được BQL Dự án GIZ tỉnh Samarrinda đưa đi tham quan khu rừng phòng hộ Sumgai, có diện tích hơn 30.000 ha, với  một hệ động, thực vật đa dạng, phong phú. Trong khu rừng chỉ có một con đường độc đạo, có trạm gác kiểm tra rất nghiêm ngặt.

Đặc biệt chúng tôi được đến tham quan Khu bảo tồn tỉnh Rorneo phía đông Kalimatan, nơi quản lý, bảo vệ 273 con đười ươi, 48 con gấu và 15 loại động vật có vú khác. Khu bảo tồn có diện tích trên 19.000 ha, do một tư nhân quản lý, có trên 100 cán bộ, nhân viên bảo vệ, trong đó có những chuyên gia về động, thực vật. Đây là nơi đã từng bán khí cacbon cho một số công ty Nhật Bản, họ đã thu về nguồn tài chính khá lớn nhờ bán... khí trời. Trong khu bảo tồn có một nhà nghỉ dưỡng kiến trúc rất độc đáo tương tự như đền Hồi giáo, các phòng ngủ đầy đủ tiện nghi, là nơi thu hút nhiều khách du lịch sinh thái trong và ngoài nước. Khi đoàn dừng xe để xuống tham quan khu bảo tồn, trước mặt cả một vùng rừng cây lay động mạnh, như có gió bão trên cấp 10, sau này mới biết những con đười ươi lớn, đu cây “bay” ra vòng ngoài bảo vệ số đười ươi con sợ bị người tấn công.

Những năm gần đây, rừng Indonesia suy giảm mạnh do áp lực dân số tăng nhanh, do phá rừng trồng cọ, do chặt phá rừng trái phép, do khai thác khoáng sản và đặc biệt do cháy rừng. Chính phủ Indonesia đã có những biện pháp tích cực để hạn chế việc giảm diện tích rừng, trữ lượng rừng, trong đó thực hiện chương trình REDD+ là một trong những biện pháp có hiệu quả.

REDD+ là ý tưởng của các nước đang phát triển giảm tỷ lệ mất rừng và suy thoái rừng để được hưởng quyền lợi về tài chính từ các nước phát triển. REDD+ là sáng kiến nhằm góp phần ổn định nồng độ khí nhà kính thông qua nỗ lực “Giảm phát thải nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng cacbon của rừng tại các nước đang phát triển”, qua đó giảm nhẹ quá trình biến đổi khí hậu và bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Indonesia là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á được tổ chức GIZ quốc tế chọn thực hiện Chương trình REDD+ từ năm 2008. Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình, họ đã có những thành công,  đã thực hiện những biện pháp mạnh, kiên quyết và có hiệu quả. Theo kế hoạch, Indonesia  sẽ không cấp phép khai thác 64 triệu ha rừng nguyên sinh và diện tích vùng rừng than bùn giàu cacbon trong 3 năm, nhằm thực hiện cam kết mà họ đã ký kết với một quỹ tài trợ Na Uy năm 2010. Lệnh cấm khai thác rừng được cho là biện pháp tích cực để đối phó với khí hậu, giữ được rừng sẽ giảm gần 20% khí C02 gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.

Tỉnh ta là một trong 8 tỉnh của cả nước được thực hiện Chương trình REDD+. Tháng 11-2012, UBND tỉnh đã có Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Chương trình REDD+ của tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo. Hiện nay, Chương trình REDD+ ở tỉnh ta đang khởi động, vừa qua đã triển khai những hoạt động ban đầu của chương trình...

Tỉnh ta có diện tích đất lâm nghiệp 621.056 ha (chiếm 77% diện tích tự nhiên). Trong đó: đất rừng đặc dụng 125.498 ha, đất rừng phòng hộ 174.482 ha, đất rừng sản xuất 321.076 ha; tỷ lệ che phủ rừng trên 70% (thuộc nhóm cao nhất toàn quốc). Riêng rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng đã có trên 123.000 ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh. Đây là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện Chương trình REDD+ ở tỉnh ta. Tin rằng tỉnh ta sẽ thực hiện tốt Chương trình REDD+, giai đoạn 2011- 2020. Và có thể một ngày không xa, những khu rừng của tỉnh ta cũng sẽ bán được khí cacbon như ở Indonesia.

                                                              Hoàng Đức Thắng








 

,