.

Đừng để thú rừng tuyệt chủng!

.
09:38, Thứ Tư, 05/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng ở tỉnh ta đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm (ĐVHDNCQH) như: Voọc Hà Tĩnh, sơn dương và các sản phẩm được làm từ ngà voi, báo gấm, hổ, lợn rừng, gấu, hươu, chim phượng hoàng... trái phép.

Mới đây, TAND huyện Minh Hóa đã đưa ra xét xử công khai và tuyên phạt 5 năm tù giam đối với Nguyễn Bá Thìn (SN 1987 tại xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh) về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHDNCQH" theo điểm i, khoản 2, Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015. Đây là một trong số ít các vụ án có mức hình phạt tù cao nhất liên quan đến hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ ĐVHDNCQH xảy ra trên địa bàn tỉnh ta.

Vào tháng 4-2018 tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, qua công tác kiểm tra hành lý của Nguyễn Bá Thìn (đang làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam) cơ quan chức năng phát hiện có các bộ phận cơ thể, sản phẩm động vật.

Lực lượng Hải quan đã lập biên bản tạm giữ số tang vật này để làm rõ. Thìn khai nhận số tang vật bị tạm giữ là các bộ phận cơ thể và sản phẩm các loại động vật hoang dã mà Thìn đã sưu tầm, mua từ năm 2010 (trong thời gian làm thuê ở Thái Lan) để chơi, làm quà biếu.

Một vụ săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã trái phép bị cơ quan chức năng bắt giữ năm 2018.
Một vụ săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã trái phép bị cơ quan chức năng bắt giữ năm 2018.

Trong quá trình đem về Việt Nam thì bị các lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ toàn bộ tang vật. Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã trưng cầu Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật giám định số tang vật tạm giữ.

Kết quả giám định số mẫu cần giám định là các bộ phận cơ thể và sản phẩm của các loại động vật hoang dã, trong đó nhiều mẫu vật có tên trong Phụ lục I của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp.

Vật chứng của vụ án gồm có: 10 mảnh hàm răng voi; 1 tượng chạm từ xương voi; 2 vòng dây được làm từ ngà và xương voi; 21 lông voi màu vàng; 102 lông voi màu đen; 1 vòng dây được làm từ ngà voi hoá thạch; 4 miếng ngà voi hoá thạch (trong đó có 2 miếng đã chạm hình rồng); 16 móng vuốt, 2 môi (gồm lông, da, xương) cùng 1 mảnh da và 1 nanh báo; 1 mảnh da, 1 xương đầu, 3 nanh, 2 móng và 2 xương hổ có chạm khắc; 24 nanh heo; 2 mỏ chim phượng hoàng; 1 sừng hươu; 1 móng, 3 nanh gấu; 41.000 Bath Thái Lan...

TAND huyện Bố Trạch cũng đưa ra xét xử công khai và tuyên phạt 15 tháng tù giam đối với Trần Xuân Vĩnh (SN 1982 tại thôn Bắc Giang, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch) về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHDNCQH" theo điểm d, khoản 2, Điều 190 Bộ luật hình sự năm 1999.

Theo bản án số 24/2018/HS-ST ngày 25-7-2018 của TAND huyện Bố Trạch: Trần Xuân Vĩnh đã có hành vi dùng dây phanh xe đạp tự chế đặt bẫy săn bắt cá thể sơn dương (động vật rừng thuộc loài ĐVHDNCQH nhóm IB theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ) trái phép. Qua kiểm tra lực lượng kiểm lâm thu giữ 6,5 kg thịt, da sơn dương đã sấy khô qua lửa...

Hai vụ án hình sự nói trên mới chỉ là dẫn chứng về tội săn bắt, vận chuyển ĐVHDNCQH trái phép xảy ra trên địa bàn tỉnh ta bị cơ quan chức năng đưa ra xét xử trong vài năm trở lại đây. Ông Hoàng Quảng Lực, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết: "Từ ngày 1-1-2018 đến 31-1-2019, TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình đã tiến hành thụ lý sơ thẩm 5 vụ/7 bị cáo liên quan đến tội phạm về quản lý, bảo vệ ĐVHDNCQH và đã giải quyết 5 vụ/7 bị cáo, đạt tỷ lệ 100%.

Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh với đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đầu tháng 5-2019, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hoàng nhấn mạnh, Quảng Bình là địa phương có nguồn tài nguyên phong phú và tính đa dạng sinh học cao.

Để tăng cường công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm về quản lý, bảo vệ ĐVHDNCQH nhằm góp phần bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học theo quy định của Công ước Quốc tế và pháp luật Việt Nam, thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai rất nhiều biện pháp khá đồng bộ, hiệu quả như: Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ ĐVHDNCQH; không tiêu thụ ĐVHDNCQH dưới mọi hình thức; không quảng cáo, tặng, cho hay nhận quà biếu là các sản phẩm có nguồn gốc từ bảo vệ ĐVHDNCQH trái với quy định của pháp luật; không sử dụng ĐVHD trong các buổi tiệc, liên hoan...

"Thời gian tới, các đơn vị chức năng trong tỉnh cần tăng cường công tác kiểm soát hoạt động nhập khẩu, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng ĐVHDNCQH. Kiên quyết thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm...", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hoàng nhấn mạnh.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin: Từ 1-1-2018 đến 31-1-2019, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính được 9 vụ/4 đối tượng vi phạm pháp luật (trong đó có 3 vụ vi phạm hành chính và 6 vụ không xác định được đối tượng) liên quan đến quản lý, bảo vệ ĐVHDNCQH, số tiền xử phạt 28 triệu đồng.

Văn Minh

,