.

Bài học dân chủ cơ sở từ một vụ kiện

.
08:37, Thứ Hai, 03/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 25-1-2019, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án ông Nguyễn Văn Thuận trú tại TDP 10, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới “Khiếu kiện quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng công trình dân cư”, bên bị kiện là UBND TP. Đồng Hới. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên ông Nguyễn Văn Thuận thắng kiện. Đi sâu tìm hiểu nội dung vụ án cho thấy, nếu các cấp chính quyền TP. Đồng Hới giải quyết “thấu tình đạt lý”, tôn trọng quyền công dân, phát huy tốt dân chủ cơ sở… thì sẽ không có chuyện công dân “đưa” chính quyền ra chốn công đường.

Nội dung vụ án

Năm 2003, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa (DĐĐT), ông Nguyễn Văn Thuận được Ban DĐĐT phường Bắc Lý giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/NĐ-CP tại khu vực đồng Ngã Ba- Đất Đỏ Nhà Ngồ với diện tích 16.236m2.

Diện tích đất kênh mương của ông Thuận không được đưa vào diện hỗ trợ đền bù .
Diện tích đất kênh mương của ông Thuận không được đưa vào diện hỗ trợ đền bù .

Các thửa đất ông Thuận sở hữu tiếp giáp với những hộ sử dụng đất liền kề: Nguyễn Thị Bút, Nguyễn Công Diệu, Nguyễn Thanh Viễn, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trọng Phu. Trong quá trình sử dụng, ông Thuận bỏ kinh phí phá bỏ 31 bờ vùng, bờ thửa, 1 đường ranh giới giữa ruộng của TDP 9 và TDP 10 tạo ra diện tích thực tế hơn 18.000m2.

Năm 2004, ông Thuận lập hồ sơ, sơ đồ “Giải trình vùng lúa cá Ngã Ba TDP 10 phường Bắc Lý” được đại diện TDP 10 và UBND phường Bắc Lý xác nhận, duyệt đề án với diện tích 18.000 m2. Năm 2009, UBND TP. Đồng Hới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Thuận diện tích 17.866m2 đất tại các thửa 141, 162, 206 thuộc tờ bản đồ 41 khu vực Ngã Ba- Đất Đỏ Nhà Ngồ.

Do có sự nhầm lẫn từ các cơ quan chức năng nên đã lấy đất của ông Nguyễn Hồng Sơn cấp qua thêm cho ông Thuận. Sau khi thuận tình trả lại đất cho ông Sơn (hơn 320m2 tại thửa đất số 206), ông Thuận làm thủ tục cho con trai Nguyễn Nam Trung thửa đất số 162 diện tích 938m2, con dâu Phạm Thị Thu Hiền thửa đất 206 trên 823m2.

Năm 2011, UBND TP. Đồng Hới cấp lại GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Văn Thuận diện tích 15.784m2 tại số thửa 141; cấp GCNQSDĐ cho Nguyễn Nam Trung diện tích 938m2 tại thửa 162. Năm 2013, tiếp tục cấp GCNQSDĐ cho Phạm Thị Thu Hiền, diện tích 823,3m2 tại thửa 206.

Tuy nhiên, không biết vì lý do nào đó, các ngành chức năng “quên” phần diện tích đất kênh mương thủy lợi ông Thuận đầu tư tiền của, công sức đào đắp hơn 1.208m2 và sử dụng không có tranh chấp trước năm 2004.

Tháng 6-2018, UBND TP. Đồng Hới ban hành quyết định số 2561/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía tây đường Hữu Nghị”, gia đình ông Nguyễn Văn Thuận chỉ nhận số tiền gần 94 triệu đồng.

Phần diện tích kênh mương thủy lợi hơn 1.208m2, UBND phường Bắc Lý xác định là đất phi nông nghiệp thuộc quyền quản lý của phường, không phải diện tích ông Thuận sử dụng nên không chấp nhận đền bù. Bị thiệt thòi về quyền lợi, ông Nguyễn Văn Thuận khởi kiện quyết định số 2561/QĐ-UBND của UBND TP. Đồng Hới ra tòa án.

Chưa làm tròn trách nhiệm với dân!

Đó là nhận xét của thẩm phán Nguyễn Tấn Trường, Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng, Chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án. Những căn cứ HĐXX đưa ra cho thấy Quy chế dân chủ ở cơ sở đã bị các ngành chức năng TP. Đồng Hới và UBND phường Bắc Lý bỏ qua khi xem xét, xử lý vụ việc ông Nguyễn Văn Thuận khiếu kiện về quyền lợi của mình liên quan đến diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, nhưng không được đền bù hợp lý, hợp tình.

Ông Trần Ngọc Sơn, nguyên Chủ tịch UBND phường Bắc Lý khoảng thời gian năm 2004 khẳng định: “Là người trực tiếp phê duyệt đề án DĐĐT tại TDP 10, dự án phát triển mô hình cá lúa của ông Nguyễn Văn Thuận, tôi xác nhận phần kênh mương ông Thuận bỏ công sức ra đào đắp là đất nông nghiệp được giao chứ không phải đất phi nông nghiệp để làm thủy lợi như quan điểm của UBND phường Bắc Lý và UBND T.P Đồng Hới. Việc các hộ dân khác đào đắp tuyến kênh mương này đều nhận đền bù, riêng chỉ mỗi hộ ông Thuận không được là hoàn toàn hết sức phi lý và bất công”.

 Bản án của TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên xử phần thắng kiện thuộc về ông Nguyễn Văn Thuận
Bản án của TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên xử phần thắng kiện thuộc về ông Nguyễn Văn Thuận.

Tại công văn số 676/UBND, ngày 1-11-2018 gửi TAND tỉnh Quảng Bình, ông Hoàng Bá Trọng, Chủ tịch UBND phường Bắc Lý viện dẫn về cuộc họp ngày 15-9-2016 tại TDP 10 lấy ý kiến khu dân cư giải quyết vấn đề đất đai của ông Nguyễn Văn Thuận, thành phần gồm: đại diện HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường; các tổ chức, đoàn thể, Ban cán sự TDP 10 và các hộ dân từng cư trú tại TDP 10 trước năm 1994, các hộ dân này là xã viên HTX Bắc Lý từng sử dụng đất thời điểm với ông Thuận. Hội nghị đã thống nhất xác định phần diện tích đất thủy lợi “liền kề” đất ông Thuận không thuộc diện tích đất mà ông Thuận được giao theo Nghị định 64.

Tuy nhiên, HĐXX TAND cấp cao tại Đà Nẵng chỉ ra rằng, trong cuộc họp này đa số cán bộ phường, hộ dân là những người không sử dụng đất liền kề và không biết rõ nguồn gốc đất của gia đình ông Thuận, thiếu khách quan, phiến diện, hình thức. Chủ sở hữu đất là ông Nguyễn Văn Thuận không được mời họp.

Mất dân chủ hơn khi các gia đình ông bà: Nguyễn Thị Bút, Nguyễn Công Diệu, Nguyễn Thanh Viễn, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trọng Phu… là những người có đất giáp tứ cạnh đất ông Thuận cũng “bị quên”.

Một vấn đề liên quan khác cho thấy, UBND phường Bắc Lý thiếu dân chủ trong quá trình xác định diện tích đất của ông Nguyễn Văn Thuận. Năm 2007, khi UBND tỉnh tiến hành đo đạc lại diện tích đất theo Nghị định 64/NĐ-CP tại địa bàn phường Bắc Lý, ở khu vực Ngã Ba- Đất Đỏ Nhà Ngồ, quá trình triển khai đo đạc thửa đất số 150, tờ bản đồ số 41 do ông Thuận sở hữu lại không có mặt ông Thuận cũng như đại diện TDP 10. Từ đó số liệu đo đạc mới bỏ ngoài phần diện tích kênh mương do ông Thuận đào đắp.

Ông Nguyễn Văn Thuận chia sẻ: “Gia đình bỏ công sức đào đắp ròng rã hơn 2 tháng trời (tháng 4 đến tháng 5-2004). Nếu vi phạm đất công thì tại sao UBND phường Bắc Lý không lập biên bản, đình chỉ thi công, xử phạt hành chính, đề nghị UBND TP. Đồng Hới cưỡng chế ? Từ khi sử dụng đến thời điểm Nhà nước miễn thuế nông nghiệp, gia đình tôi đều nộp thuế đều đặn.

UBND phường Bắc Lý cho rằng diện tích kênh mương là đất phi nông nghiệp thuộc quản lý của phường là quá sức vô lý, o ép người dân, từ đó tham mưu không đúng cho các ngành chức năng TP. Đồng Hới giải quyết đền bù cho gia đình”.

HĐXX TAND cấp cao tại Đà Nẵng kết luận: “UBND phường Bắc Lý cho rằng 1.208,6m2 tại thửa đất 150 là đất thủy lợi do phường quản lý nhưng không cung cấp được chứng cứ UBND phường quản lý trên pháp lý cũng như trên thực tế, đồng thời việc thu hồi đất là không đúng với các quy định tại Điều 32, 42, Luật Đất đai 2003; Điều 44, 45, 49, 52, 53, Nghị định 84/2007/NĐ-CP. Do vậy, UBND phường Bắc Lý không xác nhận đất kênh mương cho hộ ông Thuận và tham mưu cho UBND TP. Đồng Hới bồi thường cho ông Thuận là không làm tròn trách nhiệm với dân”.

Từ những chứng cứ xác đáng trên, HĐXX TAND cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Thuận. Tuyên buộc UBND TP. Đồng Hới sửa một phần quyết định số 2561/QĐ-UBND. Bổ sung phần bồi thường diện tích 1.208,6m2 và phần tài sản trên đất cho gia đình ông Nguyễn Văn Thuận theo quy định.

Nhóm P.V Bạn đọc

,