.

Mạng xã hội, tiện ích nhưng cần tỉnh táo

.
08:36, Thứ Bảy, 04/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Hiện nay, mạng xã hội thu hút hàng triệu người tham gia, mang lại rất nhiều tiện ích trong kết nối, chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, đây cũng chính là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch, phản động và tội phạm lợi dụng để tuyên truyền chống phá Đảng, ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội.

Qua theo dõi, quản lý thông tin điện tử, mạng xã hội thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết, gần đây, đã xảy ra tình trạng một số cá nhân thông qua facebook đăng tải, chia sẻ, bình luận những quan điểm, thông tin thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng, tạo dư luận trái chiều, gây hoài nghi làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định, phát triển chung của đất nước, của tỉnh.

Từ thực trạng trên, nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực khi tham gia mạng xã hội, đảm bảo sử dụng thông tin mạng xã hội lành mạnh, hữu ích, mỗi cá nhân, tổ chức khi tham gia mạng xã hội cần nắm các kỹ năng cơ bản sau:

Kỹ năng chia sẻ thông tin, bình luận trên môi trường mạng

Tích cực chia sẻ thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước; thông tin về gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến nhằm cổ vũ, động viên tinh thần hăng say lao động, sản xuất, tạo hiệu hướng tốt trong xã hội.

Rất nhiều bạn trẻ tham gia mạng xã hội nhưng lại thiếu các kỹ năng cần thiết (Ảnh mang tính chất minh họa).
Rất nhiều bạn trẻ tham gia mạng xã hội nhưng lại thiếu các kỹ năng cần thiết. (Ảnh mang tính chất minh họa)

Không tham gia chia sẻ, bình luận thông tin có nội dung xấu, độc, phản động, thông tin không chính thống ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Không được lợi dụng các trang mạng, facebook cá nhân để bày tỏ quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chia sẻ thông tin không chính thống; nói xấu, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân.

Tôn trọng mọi người, ứng xử văn minh khi tham gia mạng xã hội; cân nhắc những gì viết và đăng trên mạng để tránh các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng được quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng;  Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP  của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng và các quy định của pháp luật có liên quan.

Kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng

Sử dụng mật khẩu khác nhau cho các trang mạng xã hội khác nhau; thay đổi mật khẩu thường xuyên để tăng tính bảo mật.

Không nên chia sẻ, đăng tải trạng thái có liên quan đến thông tin cá nhân; đăng tải, chia sẻ thông tin khi trạng thái tinh thần không ổn định.

Không nên chia sẻ vị trí cụ thể mình đang đến hoặc dự định đến trong thời gian sắp tới; hạn chế chia sẻ hình ảnh về cuộc sống cá nhân nếu thấy có thể bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư.

Mạng xã hội đưa lại nhiều lợi ích cho người dùng, điều này là không cần tranh luận, tuy nhiên nó cũng tạo ra không ít hệ lụy khi những người tham gia mạng xã hội thiếu các kỹ năng cần thiết, dẫn đến vi phạm pháp luật và các quy định liên quan. Chính vì vậy, khi tham gia mạng xã hội, mọi người cần tỉnh táo, tránh bị kẻ xấu lợi dụng thông tin cá nhân và thông tin mình chia sẻ trên mạng để thực hiện các hành vi tiêu cực, ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và xã hội.

Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng (Theo Điều 8, Luật An ninh mạng, có hiệu lực1-1-2019:

1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:

a) Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này;

b) Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam;

c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;

e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.

4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

6. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.

A.T

,