.

Linh mục Dương Sĩ Nho đang làm gì ở giáo xứ Hà Lời?

.
09:00, Chủ Nhật, 01/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Lâu nay giáo xứ Hà Lời, Sơn Trạch, huyện Bố Trạch vốn dĩ yên bình như bao giáo xứ khác ở Quảng Bình. Thế nhưng từ giữa tháng 1-2018, khi linh mục Dương Sĩ Nho được Tòa Giám mục Giáo phận Vinh thuyên chuyển về làm quản xứ ở đây đến nay thì giáo xứ này đã không còn sự bình yên mà bắt đầu nổi lên những vấn đề rất đáng lo ngại về ANTT, vi phạm pháp luật và chống đối chính quyền.
 

Linh mục Dương Sĩ Nho.
Linh mục Dương Sĩ Nho.

Thể hiện thái độ chống đối chính quyền

Việc đầu tiên mà linh mục Nho thực hiện ngay khi vừa đặt chân đến giáo xứ Hà Lời là đi gặp gỡ các giáo dân để tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc, chống đối chính quyền.

Theo quy định tại bộ Giáo luật năm 1983, một linh mục quản xứ có 3 nhiệm vụ chính là: Rao giảng lời Chúa, cử hành các bí tích, á bí tích (thánh hóa), hướng dẫn dân Chúa. Song một khi ý thức chống đối chính quyền đã ăn sâu vào máu thịt, dù có chuyển đến bất cứ mảnh đất nào thuộc Giáo phận Vinh thì bản chất trong con người linh mục Nho vẫn không bao giờ thay đổi.

Với hành vi này, linh mục Nho đã vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 529,bộ Giáo luật năm 1983: “Để nhiệt thành chu toàn trách nhiệm chủ chăn, cha sở phải cố gắng tìm hiểu các tín hữu đã được trao cho ngài coi sóc; ngài cũng phải đi thăm các gia đình, chia sẻ những nỗi lo âu, nhất là những ưu tư và tang tóc của các tín hữu, bằng cách nâng đỡ họ trong Chúa và sửa dạy họ cách khôn khéo, nếu họ có sai sót cách nào đó...” (CD 18; CD 30; PO 6).

Tiếp đó, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, linh mục Nho chỉ đạo Ban giới trẻ giáo xứ Hà Lời đặt in với số lượng khoảng 2.000 vé số, mệnh giá 10.000đ/vé để tổ chức quay số mở thưởng vào ngày 17-2-2018, tức ngày mồng 2 Tết. Hành vi tổ chức in, bán vé số trái phép đã vi phạm nghiêm trọng quy định tại Nghị định số 30/2007/NĐ-CP ngày 1-3-2007 của Chính phủ về kinh doanh xổ số và Nghị định số 78/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2007/NĐ-CP.

Đáng chú ý là, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, UBND xã Sơn Trạch đã họp bàn và thống nhất với các hộ dân thuộc thôn Na nộp 400.000đ/hộ làm đường bê tông. Khi biết được thông tin này, linh mục Nho liền cấm các hộ giáo dân thuộc giáo họ Na đóng số tiền này. Trong khi chính linh mục Nho lại yêu cầu giáo dân đóng 1.000.000đ/hộ để giáo xứ làm đường bê tông từ nhà thờ giáo họ ra đường liên thôn.

Có thể thấy rõ ý đồ của linh mục Nho là không vì lợi ích chung của cộng đồng mà muốn gom cả tiền bạc lẫn công sức của giáo dân vào phần mình. Vì làm như vậy, linh mục Nho vừa có tiền để dùng vào mục đích riêng, vừa chống đối chính quyền và xây dựng cơ sở vật chất cho giáo hội để ghi điểm đối với Tòa giám mục. Ý đồ đó là một mũi tên trúng hai đích.

Ép buộc giáo dân tháo cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, từ bỏ Đảng

Trong những ngày đầu tháng 3-2018, linh mục Nho đi từng nhà vận động giáo dân hạ cờ Tổ quốc, gỡ bỏ ảnh Bác Hồ; đề nghị một số giáo dân là đảng viên ra khỏi Đảng. Khi vận động, thuyết phục không được, linh mục Nho lại giở chiêu bài cũ mèm đã quá quen thuộc là dùng giáo lý, thần quyền, quyền uy của linh mục để ép buộc giáo dân nghe theo.

Trong khi đó, một trong những nguyên tắc của linh mục là “dùng quyền nhưng không chuyên chế”. Rõ ràng việc áp đặt buộc giáo dân thực hiện theo ý đồ của mình của linh mục Nho chẳng những đã gây phản ứng, bức xúc trong giáo dân mà còn vi phạm nguyên tắc mang tính bắt buộc của giáo hội.

Đối với mỗi người dân Việt Nam, bất kể lương hay giáo đều xem lá cờ Tổ quốc là biểu tượng thiêng liêng, cao quý của hồn thiêng sông núi, của lòng dân, của tình đoàn kết các dân tộc anh em, sự thống nhất, độc lập, tự chủ và hòa bình của dân tộc.

Đồng thời, lá cờ Tổ quốc còn thể hiện ý chí, nghị lực, khát vọng, sức mạnh, lòng nhiệt huyết cách mạng, sự hy sinh anh dũng của toàn thể nhân dân Việt Nam trong cuộc các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng cao quý và là niềm tự hào của dân tộc, đã khắc sâu vào tâm khảm của người dân nước Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp và được cộng đồng quốc tế công nhận.

Vì vậy, việc linh mục Nho yêu cầu giáo dân hạ cờ Tổ quốc, biểu tượng thiêng liêng của dân tộc, là hành vi phạm pháp. Đây làm bằng chứng rõ ràng nhất chứng minh hành động phản dân, phản quốc, phản bội lại mảnh đất đã sinh thành, ôm ấp, bao bọc, chở che, nuôi nấng mình lớn khôn của linh mục Nh.

Rất đông giáo dân tại các thôn Phong Nha, thôn Xuân Tiến, thôn Hà Lời, thuộc giáo xứ Hà Lời đã bày tỏ sự bất bình với những yêu cầu, đòi hỏi vô lý, ngang ngược, bất chấp cả đạo lý lẫn pháp lý của linh mục Nho.

Một số giáo dân tại thôn Phong Nha cho biết: “Những người không nghe cha (linh mục Nho) hạ cờ Tổ quốc thì bị cha đem ra nói xấu giữa nhà thờ và cho rằng làm như thế là không đoàn kết, bỏ đạo để theo cộng sản. Nhiều người không chịu được, dù không muốn nhưng bị buộc phải nghe theo lời cha hạ cờ Tổ quốc”.

Giáo xứ Hà Lời.
Giáo xứ Hà Lời.

Ông Nguyễn Thanh P., một giáo dân giáo xứ Hà Lời, cho chúng tôi biết thêm: “Khi đến nhà tui cha không giải thích vì răng phải hạ cờ Tổ quốc mà chỉ ép buộc tui hạ cờ và cấm từ bây giờ không được treo trong nhà nữa. Tui thấy vô lý bởi người Việt Nam treo cờ Tổ quốc không có gì sai cả nên tui phản đối, thì cha dọa nếu không nghe theo sẽ cấm gia đình tui đi lễ”.

Chưa dừng lại ở đó, khi đến các gia đình giáo dân là đảng viên, linh mục Nho lại bắt bí, hỏi xếch mé “khi nào ra khỏi Đảng?” hay “vào Đảng có lợi lộc chi không?” nhằm gây sức ép để các giáo dân này nhụt ý chí, bỏ sinh hoạt Đảng, dần dần từ bỏ Đảng. Nếu không nghe theo thì linh mục Nho xúi giục giáo dân khác tìm mọi cách cô lập các hộ này và không cho đến nhà thờ làm lễ.

Trong rao giảng, linh mục Nho lại nêu đích danh và tìm mọi cách bêu riếu, nói xấu nhằm hạ uy tín những giáo dân không vâng lời. Bởi vậy, một số giáo dân trong lòng dù không hề muốn hạ cờ Tổ quốc một bởi làm thế là trái với lương tâm, đạo lý nhưng trước sức ép của linh mục Nho đã buộc phải nghe theo.

Lợi dụng hoạt động tôn giáo, rõ ràng linh mục Dương Sĩ Nho đang tìm mọi cách cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, chia rẽ mối đoàn kết giữa chính quyền với giáo hội, không ngoài mục đích gây bất ổn về tình hình an ninh trật tự tại địa bàn xã Sơn Trạch, từ đó tạo dựng một “cứ địa” riêng như những gì vị linh mục này đã áp dụng tại giáo xứ Tân Hội, Hương Khê, Hà Tĩnh.

Chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình cần thể hiện thái độ kiên quyết để ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của linh mục Dương Sĩ Nho, nhằm trả lại sự an lành cho giáo xứ Hà Lời, để mỗi giáo dân nơi đây được sống vẹn toàn đạo lý “kính Chúa, yêu nước, sống phúc âm giữa lòng dân tộc”.

An Thành






 

,