.

Tấc đất, tấc vàng...

.
10:49, Thứ Sáu, 26/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Đến với xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) giữa những ngày hè tháng 7, du khách sẽ thấy giữa mênh mông ruộng đồng sau thu hoạch là bát ngát một đầm sen xanh mát đang vào mùa trẩy hạt. Chủ nhân của cánh đồng sen này là một nông dân có suy nghĩ thiết thực, đã chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả để trồng sen, kết hợp với các dịch vụ du lịch độc đáo, tăng thu nhập và làm đẹp thêm làng quê.

Trước khi dẫn chúng tôi về thăm mô hình trồng sen kết hợp phát triển du lịch ở Sơn Trạch, Phó Chủ tịch UBND xã Phan Thanh Luận giới thiệu: "Toàn xã hiện có 10,5 ha diện tích đất lúa kém hiệu quả cần chuyển đổi.

Ngoài 2 mô hình trồng sen, trên địa bàn Sơn Trạch còn có 6 mô hình kết hợp cá-lúa. Trồng sen kết hợp phát triển dịch vụ du lịch là mô hình khá mới, hiệu quả về công tác chuyển đổi cho thấy khá rõ nhưng về phát triển du lịch lâu dài còn phải chờ ở phía trước.

Chủ nhân Nguyễn Minh Tuấn cùng gia đình bên đầm sen ở thôn 1 Cù Lạc, xã Sơn Trạch.
Chủ nhân Nguyễn Minh Tuấn cùng gia đình bên đầm sen ở thôn 1 Cù Lạc, xã Sơn Trạch.

Tuy nhiên, với ý chí, nghị lực và cách nghĩ của anh Nguyễn Minh Tuấn ở thôn 1 Cù Lạc, tôi tin rằng mô hình sẽ thành công, đưa lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, mô hình sẽ tạo thêm điểm nhấn, góp phần thu hút du khách đến với Sơn Trạch nhiều hơn, nhất là trong giai đoạn Sơn Trạch chuẩn bị nâng cấp thành thị trấn Phong Nha".

Trò chuyện với khách trong chòi lá giữa cánh đồng, trên bộ bàn ghế được làm bằng tre nứa đơn sơ nhưng chắc chắn, trong làn gió mát rượi, anh Nguyễn Minh Tuấn (sinh năm 1980) trải lòng: "Tục ngữ có câu "tấc đất, tấc vàng", vốn lại làm nông mà nhìn đất ruộng bị bỏ hoang nhiều, tôi thấy tiếc lắm.

Trong khi đó, xã lại có chủ trương cho thuê những diện tích đất lúa kém hiệu quả để chuyển đổi mục đích sản xuất. Nhiều đêm tôi thường trằn trọc với những suy nghĩ phải làm gì để đất không bị bỏ hoang... Nghĩ đến cây sen, tôi đã khăn gói vào tìm hiểu các mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá đạt hiệu quả ở huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị). Tại đây, đa phần người ta áp dụng mô hình "trên sen-dưới cá".

Từ mô hình trồng sen ở Quảng Trị, tôi kết hợp khá nhiều thứ, trong đó, chú trọng tạo cảnh quan để cây sen không chỉ cho thu hoạch hạt sen thương phẩm mà còn tôn lên vẻ đẹp khi mùa sen nở để làm dịch vụ du lịch, bởi Sơn Trạch là vùng quê giàu tiềm năng du lịch và đang phát triển thành đô thị...".

Thả bộ trên đê và dạo bước quanh cầu tre ngắm sen, chúng tôi được khám phá nhiều điều bất ngờ, thú vị bởi ý tưởng mới trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế và sự cần mẫn cho "đất cằn nở hoa" của ông chủ trẻ Nguyễn Minh Tuấn. Với diện tích 1,6ha đất ruộng lúa kém hiệu quả, thấp trũng, Tuấn nhận đào đất, bơm nước tạo đầm trồng sen cùng với đầu tư, thiết kế các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch.

Trong đó, tận dụng hồ nước, Tuấn bố trí hợp lý để tạo không gian chèo thuyền, câu cá;những con đê được ngăn giữa các lối ra vào để cưỡi trâu, thả diều. Các cầu tre len giữa đầm sen dẫn đến các chòi nổi, tại đây du khách sẽ được phục vụ để thưởng trà và các món ăn dân dã do gia chủ chế biến. Cũng trên ruộng đất, chủ nhân còn gieo giống thêm dưa lê, dưa lưới đã cho quả ngọt và thả thêm vật nuôi như vịt, gà...

Qua vụ đầu tiên cho thấy, sen đã không phụ công người, dễ trồng, dễ sống, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Sơn Trạch. Theo ước tính sơ bộ của Tuấn, trồng sen cho thu nhập cao gấp 5 đến 6 lần so với trồng lúa và nhiều lần so với các cây trồng khác.

Sen thu hoạch 1 vụ/năm, bắt đầu từ xuống giống từ tháng 2 và sau 4-6 tháng có thể cho thu hoạch. Mùa sen nở rộ vào tháng 5, 6 đến tháng 8. Đây là thời gian phù hợp để đón khách du lịch ghé thăm, chiêm ngưỡng.

Hiện tại, thị trường sen cũng đang dễ bán, các thương lái tìm đến thu mua tận nơi. Đầu vụ giá sen hạt khoảng 40.000 đồng/kg, cuối vụ khoảng 25.000 đồng/kg. Tính ra 1 ha trồng sen lãi ròng trên 80 triệu đồng/năm, chưa kể các nguồn thu khác.

Tuy nhiên, hiện tại, mô hình trồng sen kết hợp phát triển du lịch của Tuấn chưa có lãi, bởi đầu tư ban đầu khá lớn. Tuấn lý giải thêm: “Từ đất ruộng lúa, muốn tạo đầm sen và những con suối hay ao hồ nhỏ cùng các cảnh quan kèm theo, tôi mất khá nhiều công sức và thời gian lẫn tiền của.

Trước mắt, gia đình đã đầu tư trên 400 triệu đồng vào việc đào ao, bơm nước thả cá, vịt, nuôi thêm trâu và xây dựng một số cơ sở hạ tầng, trong đó có cả đầu tư kéo điện cùng dịch vụ Internet...”.Tuấn mong muốn, nếu có cơ chế để được nhận thuê đất lâu dài hơn, anh sẽ tập trung đầu tư trồng cây bóng mát, cây cảnh và xây dựng cơ sở vật chất kiên cố, như: nhà chòi, bàn, ghế, nhà bếp và các công trình phụ khác... để phục vụ đón du khách đến thăm.

Trên những bờ đê nhân tạo, du khách có thể được trở về tuổi thơ với dịch vụ cưỡi trâu.
Trên những bờ đê nhân tạo, du khách có thể được trở về tuổi thơ với dịch vụ cưỡi trâu.

Không được quy mô, bài bản như Nguyễn Minh Tuấn, trên địa bàn xã còn có mô hình trồng sen của anh Trần Văn Tứ (sinh năm 1984), ở thôn Gia Tịnh cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Anh Tứ thực hiện chuyển đổi 7 sào đất lúa, xuống giống với tương đương 0,4 ha sen cao sản. Sau 2 tháng trồng, chăm bón, đến nay, ruộng sen đã cho thu hoạch dần. Theo tính toán của anh Tứ, thu nhập từ sen cũng gấp 4-5 lần so với lúa.

"Cây sen đang là loại cây trồng rất phù hợp cho các vùng đất trũng ở xã Sơn Trạch, mở ra hướng chiến lược trong phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập từ cây trồng trên một đơn vị diện tích. Các sản phẩm của cây sen, như: ngó sen, củ sen, hoa sen, hạt sen đều được thị trường ưa chuộng. Bởi vậy, mô hình trồng sen trên đất trồng lúa kém hiệu quả hiện đang được khuyến khích nhân rộng.

Trong thời gian tới, xã Sơn Trạch tiếp tục xây dựng, phát triển đề án và có chính sách phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tại các vùng đất thấp trũng, đất xấu hay bị phèn hoang hóa sẽ được quy hoạch lại để động viên người dân đầu tư phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả hơn, trong đó có mô hình trồng sen", ông Trần Nam Trung, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch khẳng định thêm.

Hương Trà

,