.

Minh Hóa: Để đất cằn "đâm chồi, nảy lộc"

.
08:43, Thứ Tư, 10/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Minh Hóa mạnh dạn chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, biến những vùng đất cằn, trồng rừng không hiệu quả thành những gia trại, trang trại cho thu nhập ổn định hàng năm. Trong đó, có những nông dân tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng bằng ý chí, nghị lực, sự năng động, nhạy bén với cơ chế thị trường đã là ông chủ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang trại tổng hợp với thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng.

Sau những ngày rong ruổi từ Nam ra Bắc để làm thuê kiếm sống, tích góp được kinh nghiệp, ít vốn liếng, năm 2016, anh Cao Ngọc Hiếu (sinh năm 1993, thôn 5 Kim Bảng, xã Minh Hóa) trở về quê lập gia đình.

Vùng đất Hói Trầu của xã Minh Hóa xưa nay khô cằn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão, lụt, được người dân sử dụng để trồng rừng kinh tế, riêng anh Cao Ngọc Hiếu lại chuyển sang làm gia trại chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Cuối năm 2017, vợ chồng anh Hiếu quyết định cải tạo vườn tạp, dồn hết vốn đầu tư gần 200 triệu để xây dựng chuồng trại và mua 7 mẹ lợn nái, 1 con lợn đực giống lợn rừng lai về nuôi.

Qua hơn 2 năm đầu tư vào mô hình, nay anh Hiếu đã làm chủ gia trại lợn rừng lai với 70 con lớn, nhỏ. Nguồn thức ăn sẵn có gồm ngô và rau trồng quanh vườn, nên đàn lợn của gia đình anh Hiếu phát triển rất tốt, chất lượng thịt ngon. Anh cũng thường xuyên chú trọng công tác vệ sinh phòng dịch.

Gia trại nuôi lợn rừng lai của anh Cao Ngọc Hiếu ở thôn 5 Kim Bảng, xã Minh Hóa.
Gia trại nuôi lợn rừng lai của anh Cao Ngọc Hiếu ở thôn 5 Kim Bảng, xã Minh Hóa.

Trong diện tích 6.000 m2 đất, ngoài dành phần nhiều diện tích cho chăn nuôi, anh Hiếu trồng thêm 40 gốc ổi, 50 gốc chuối, hàng chục cây cam, bưởi….. Anh còn sử dụng phân chuồng để nuôi giun quế, cung cấp thức ăn cho lợn và gà. Năm 2018, trừ mọi chi phí, anh Hiếu thu về gần 100 triệu đồng.

“Thời gian đầu phát triển gia trại, do kinh nghiệm chưa nhiều nên tôi vừa làm vừa học hỏi trên sách báo, tivi, rồi lúc rãnh rỗi lại tìm đến trang tại chăn nuôi của các hộ dân trên địa bàn huyện để học hỏi kinh nghiệm.

Trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát, tôi thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn lợn, phối hợp với thú y xã thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng quanh khu vực chăn nuôi. Tôi cũng duy trì được đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi”, anh Hiếu chia sẻ.

Tại huyện Minh Hóa, những hộ dân có điều kiện về đất đai, đều chọn cách “lấy ngắn nuôi dài”, chăn nuôi bò kết hợp với trồng keo, sau đó mở rộng đầu tư chăn nuôi như heo, gà, vịt và trồng cây ăn quả với số lượng lớn.

Cách đây hơn 7 năm, gia đình chị Cao Thị Tuyết Mai ở thôn Kiên Trinh, xã Hóa Phúc đã tận dụng lợi thế đất vườn và nguồn nước tưới sẵn có để cải tạo đất, lắp hệ thống ống dẫn nước và phát triển mô hình vườn, ao, chuồng. Nay gia đình chị Mai đã có trên 100 trụ tiêu, hơn 50 cây cam và bưởi, 12 con trâu bò, duy trì 3 lợn mẹ giống và 30 con lợn thịt.

Chị còn nuôi gà, nuôi ong, trồng rừng kinh tế và trồng ngô, lạc để chủ động thức ăn cho chăn nuôi. Bình quân mỗi năm, thu nhập của vợ chồng chị Mai trên 150 triệu đồng, riêng năm 2017 chị thu về trên 260 triệu đồng nhờ thu hoạch rừng trồng kinh tế.

Chính nhờ biết cách tận dụng lợi thế đất đồi núi để chăn nuôi kết hợp trồng keo, cây ăn quả, nên đời sống của nhiều hộ dân ở huyện Minh Hóa ngày càng ổn định và phát triển. Theo thống kê, toàn huyện có 50 mô hình trang trại, trong đó có 18 trang trại tổng hợp, 32 trang trại chăn nuôi.Bình quân mỗi mô hình cho thu nhập từ 150 đến 300 triệu đồng mỗi năm.Hiệu quả kinh tế gò đồi đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân.

Với sự hỗ trợ tích cực từ ngành nông nghiệp cũng như sự năng động của mỗi một hộdân, kinh tế vùng gò đồi ở Minh Hóa đang thực sự góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi một cách bền vững.

Thùy Linh
(Đài TT-TH Minh Hóa)

,