.

Tuyên Hóa: Sức lan tỏa của hàng Việt

.
08:51, Thứ Tư, 12/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân, doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Nhờ đó, tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt ngày càng tăng.

Đều dễ nhận thấy là các tầng lớp nhân dân Tuyên Hóa ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa có thương hiệu Việt Nam. Các đại lý, cơ sở kinh doanh nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng nên đã ưu tiên nhập bán các sản phẩm có xuất xứ trong nước, nhờ vậy, góp phần hạn chế những mặt hàng không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, hàng kém chất lượng. Thực tế cho thấy, đa số người dân nông thôn có thu nhập không cao nên hàng Việt Nam vẫn là sự lựa chọn phù hợp bởi giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.

Nhiều mặt hàng đặc sản của huyện Tuyên Hóa đã được bày bán tại các siêu thị lớn của Quảng Bình.
Nhiều mặt hàng đặc sản của huyện Tuyên Hóa đã được bày bán tại các siêu thị lớn của Quảng Bình.

Được biết, thời gian qua, để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho người tiêu dùng đạt chất lượng, đội quản lý thị trường huyện Tuyên Hóa thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn và ban quản lý các chợ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cam kết không sản xuất, mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, niêm yết giá….và các hành vi kinh doanh trái phép khác.

Đồng thời, đội quản lý phân công nhiệm vụ cho các tổ quản lý chợ giám sát, ngăn chặn hàng ngoại nhập lậu vào các chợ không bảo đảm chất lượng, các chất phụ gia cấm sử dụng, gia súc, gia cầm không có dấu kiểm dịch theo quy định và kiểm tra xử lý kịp thời việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả...

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của huyện còn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, như: tuyên truyền các mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, các sản phẩm có chất lượng của huyện nhà đến nhân dân trong và ngoài huyện.

Huyện tập trung bồi dưỡng kỹ năng nhận biết hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản. Ngoài ra, Ủy ban MTTQVN huyện còn phối hợp tổ chức 7 hội chợ thương mại đưa hàng Việt về miền núi và nông thôn với hơn 2.400 gian hàng.

Sản phẩm mật ong Tuyên Hóa được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. (Ảnh: Đ.Vân)
Sản phẩm mật ong Tuyên Hóa được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Đ.Vân

Được biết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại, thay đổi mẫu mã để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhiều mặt hàng của địa phương đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường về mẫu mã, chất lượng và giá cả, như: mật ong, gà đồi, cá lồng, mây tre đan mỹ nghệ và các sản phẩm rau, củ, quả… Thống kê cho thấy, hơn 90% mặt hàng có xuất xứ Việt Nam được bày bán tại các chợ, quầy bách hóa tổng hợp trên địa bàn huyện.

Ông Phạm Xuân Kỳ, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Tuyên Hóa cho biết, trong thời gian tới, để khuyến khích người dân sử dụng hàng Việt, hàng có chất lượng, các cơ quan chức năng huyện Tuyên Hóa sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời ngăn chặn, loại bỏ hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về chất lượng, hàng hóa, dịch vụ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Mặt khác, huyện chú trọng tìm giải pháp tạo điều kiện để phát triển các cơ sở sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, mộc dân dụng... có ưu thế trên địa bàn.

Hiền Phương

,