.

Từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Bình

.
10:13, Chủ Nhật, 16/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, du lịch Quảng Bình bước đầu đã tạo được dấu ấn khá rõ nét. Trên cơ sở phát huy những giá trị, tiềm năng vốn có cũng như xây dựng một chiến lược phát triển đúng hướng, du lịch Quảng Bình đang từng bước khẳng định vị thế và thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Định hình thương hiệu

Quảng Bình luôn xác định phát triển du lịch bền vững gắn với phát triển lợi ích cộng đồng và duy trì sự tăng trưởng ổn định. Năm 2018, tổng số khách du lịch đạt 3,9 triệu lượt, tăng 18,2% so với năm 2017. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 200.000 lượt, tăng 53,8%. Khách quốc tế đến Quảng Bình có chiều hướng tăng khả năng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú.

Những sản phẩm du lịch mang đậm “thương hiệu”, tạo sự khác biệt của du lịch Quảng Bình, như: khám phá và trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên (khám phá hang Sơn Đoòng); du lịch tham quan hang động Thiên Đường, động Phong Nha, sông Chày, hang Tối, suối Nước Mọc; khám phá hang động Tú Làn...

Hàng năm, nhiều sản phẩm du lịch, loại hình du lịch mới được hình thành, như: khám phá thung lũng Hamada-hang Trạ Ang, hang Va-hang Nước Nứt; khám phá hang Đại Ả, hang Over, hang Pigmy và một số sản phẩm du lịch thử nghiệm mới, như: khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; khám phá hang Vòm-giếng Voọc, khám phá rừng Gáo-hang Ô Rô-hang Hoàn Mỹ; khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Arem-Ma Coong.

Đến nay, Quảng Bình có 25 sản phẩm du lịch là điểm đến cho du khách muốn trải nghiệm, khám phá và lựa chọn nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, độc đáo và khác biệt. 

Công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết và hợp tác du lịch được tăng cường và ưu tiên trọng điểm các thị trường có dòng khách phù hợp với du lịch Quảng Bình, như: các nước Anh, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Cách thức quảng bá, xúc tiến có nhiều đổi mới, sáng tạo, đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là quảng bá du lịch qua điện ảnh.

Trong những năm qua, Quảng Bình được biết đến rộng rãi trên thế giới với các phim trường chính của bộ phim “Kong: Skull Island”, bộ phim “Người bất tử” và sẽ là phim trường của nhiều bộ phim bom tấn Hollywood trong thời gian tới. Đặc biệt, các tạp chí chuyên ngành về du lịch trên thế giới đã có những đánh giá tích cực về điểm đến Quảng Bình.

Tạp chí New York Times đánh giá Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn nhất châu Á; gần đây, Lonely Planet, tạp chí lớn nhất thế giới về hướng dẫn và cung cấp thông tin cho khách du lịch, đã cung cấp cho độc giả danh sách 5 điểm đến du lịch đáng mơ ước nhất trên toàn thế giới năm 2019.

Quảng Bình có 25 sản phẩm du lịch là điểm đến cho du khách muốn trải nghiệm, khám phá.
Quảng Bình có 25 sản phẩm du lịch là điểm đến cho du khách muốn trải nghiệm, khám phá.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Bình vào tháng 8 năm 2018, Quảng Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 66 dự án với tổng vốn đầu tư 168.869 tỷ đồng (tương đương 7,34 tỷ USD), trong đó, số lượng các dự án về du lịch dịch vụ chiếm tỷ trọng đáng kể.

Quảng Bình hiện là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư du lịch với hơn 30 dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp đang triển khai, chuẩn bị đưa vào sử dụng cùng một số dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển chuẩn bị triển khai trong năm 2019.

Quảng Bình xác định dịch vụ hóa nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng phát triển với chiến lược phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm, sử dụng tài nguyên phục vụ du lịch đi đôi với bảo tồn và không ngừng nâng cao giá trị tài nguyên; luôn gắn với nâng cao lợi ích cộng đồng và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Du lịch bền vững cho tương lai

Tuy nhiên, du lịch Quảng Bình phát triển vẫn còn khiêm tốn so với các địa phương khác cũng như so với tiềm năng, lợi thế phát triển. Du lịch Quảng Bình còn đậm tính thời vụ, sản phẩm du lịch còn ít so với tiềm năng, lợi thế; làng nghề để phục vụ khách du lịch còn hạn chế; nhiều sản phẩm du lịch chưa hoàn thiện. Cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch tuy đã được chú trọng đầu tư nhưng thiếu đồng bộ; thiếu các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, chợ đêm và các dịch vụ hỗ trợ khác.

Đội ngũ nhân lực du lịch còn thiếu lực lượng có chuyên môn, có kỹ năng và chưa mang tính chuyên nghiệp cao. Hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh lữ hành còn yếu, kinh nghiệm chưa nhiều, chưa năng động và đầu tư chuyên sâu bài bản cho công tác kinh doanh lữ hành. Tổng thu từ kinh doanh du lịch trên địa bàn đóng góp vào ngân sách còn hạn chế. Những khó khăn, hạn chế trên là thách thức không nhỏ đối với sự phát triển du lịch của tỉnh.

Năm 2019, du lịch Quảng Bình phấn đấu đón tổng lượt khách đạt 4,3 triệu lượt trong đó khách quốc tế từ 250.000 đến 300.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 4.950 tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng trung bình năm ước đạt 50%; có khoảng 400 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số khoảng 6.000 buồng, trong đó có ít nhất 20 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch đạt 17.000 lao động, trong đó có 5.500 lao động trực tiếp.

Để thực hiện được mục tiêu này, ngành du lịch Quảng Bình đang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Tỉnh triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao và tạo sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, ngành, nghề du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đối với các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân, qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch.

Đồng thời, Quảng Bình nỗ lực thực hiện tốt công tác xây dựng quy hoạch phát triển du lịch trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ, mời gọi đầu tư huy động các nguồn lực xã hội đầu tư, bổ sung, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển du lịch.

Trong đó, tỉnh tập trung và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nhanh chóng đưa các dự án có khả năng tạo sức bật mới cho du lịch tỉnh; duy trì, nâng cao hiệu suất các đường bay hiện tại và nghiên cứu, phát động thị trường các đường bay mới.

Đáng chú ý, Quảng Bình tiếp tục phát triển mới, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm du lịch; mỗi địa phương cần tập trung nghiên cứu, hình thành các sản phẩm đặc trưng, trong đó, cần tập trung vào sản phẩm du lịch khám phá, mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch khám phá văn hóa, lịch sử, du lịch cộng đồng.

Tỉnh nỗ lực đa dạng hóa các phương thức và phong phú nội dung trong công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết và hợp tác du lịch trong nước và quốc tế. Trong đó, tập trung vào các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế với sự tham gia của các nguồn lực xã hội để nâng cao thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Bình, đặc biệt là các chương trình lớn.

Thời gian tới, Quảng Bình tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá du lịch, xây dựng hệ thống du lịch thông minh; chú trọng công tác hướng nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực du lịch và nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch và các ngành dịch vụ hỗ trợ.

Đồng thời, tỉnh triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh du lịch, xây dựng môi trường du lịch văn minh, bình đẳng, khẳng định du lịch Quảng Bình là điểm đến an toàn, chất lượng, thân thiện và mến khách, mỗi người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên du lịch.

Quảng Bình tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhân dân tham gia phát triển du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giám sát hoạt động du lịch.

Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch

,