.
Chuyện quản lý:

Sẽ qua thời "tiền trao cháo múc"

.
14:17, Thứ Hai, 17/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Để hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.

Trên địa bàn Quảng Bình, một trong các nhiệm vụ mà tỉnh đề ra là xây dựng cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh nhằm đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, trong đó, xây dựng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong các thủ tục hành chính.

Do vậy, từ năm 2018, tỉnh đã tập trung phát triển ứng dụng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt, nhằm góp phần minh bạch chi tiêu, phòng chống tham nhũng...

Để thực hiện nhiệm vụ này, từ ngày 1-6, UBND tỉnh đã thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) thực hiện giải pháp thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trên cổng dịch vụ công của tỉnh.

Trong tương lai, bệnh nhân sẽ thanh toán viện phí bằng thẻ. (Trong ảnh, người dân thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới).
Trong tương lai, bệnh nhân sẽ thanh toán viện phí bằng thẻ. (Trong ảnh, người dân thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới).

Theo đó, hai bên sẽ hợp tác để thu các khoản phí, lệ phí, nghĩa vụ thu nhân sách nhà nước, các khoản thu dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh; các khoản thu dịch vụ tiện ích (điện, nước, viễn thông, truyền hình...) và các loại phí dịch vụ công khác từ cá nhân, tổ chức trên cổng dịch vụ công của tỉnh; phối hợp thu hộ phí theo hình thức thanh toán tại điểm giao dịch của VietinBank, các điểm giao dịch của cơ quan hành chính nhà nước bằng thiết bị thanh toán chấp nhận thẻ..., đặc biệt hướng tới dịch vụ thanh toán phục vụ chính quyền điện tử, đô thị thông minh, sàn giao dịch điện tử... của tỉnh.

Như vậy, thông qua các phần mềm điện tử, như: mobile money (tiền điện tử trên thuê bao di động), ví điện tử..., người dân sẽ thanh toán các dịch vụ mà không sử dụng tiền mặt. Thói quen “tiền trao cháo múc” xưa nay dần dần sẽ không còn xuất hiện trong đời sống, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế số và xã hội số trên thế giới và trong khu vực.

Thỏa thuận thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt giữa UBND tỉnh và VietinBank kỳ vọng sẽ tạo môi trường làm việc trong các cơ quan nhà nước theo hướng minh bạch, hiệu quả, qua đó, giảm thời gian, chi phí đối với người dân, doanh nghiệp, đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của các cơ quan hành chính nhà nước.

Trần Minh Văn

,