.

Bám biển làm giàu, bảo vệ Tổ quốc

.
10:13, Chủ Nhật, 16/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Ngọc Cảnh (tổ dân phố Tân Mỹ, phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn) đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu lớn và ứng dụng công nghệ hiện đại để vươn khơi, bám biển làm giàu. Nhờ đó, mô hình đánh bắt thủy sản xa bờ của anh Cảnh không chỉ cải thiện đời sống gia đình anh mà còn tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động.

Đóng tàu lớn bám biển

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê có truyền thống nghề biển, Nguyễn Ngọc Cảnh luôn có suy nghĩ phải quyết tâm làm giàu từ việc bám biển đánh bắt thủy sản. Năm 2004, anh Cảnh bàn với vợ sắm tàu chụp mực có công suất 420 CV từ số tiền dành dụm được, cộng với vốn vay ngân hàng và bố mẹ cho mượn.

Tàu hoạt động theo nghề câu, chụp truyền thống ở khu vực vịnh Bắc Bộ tuy có thu nhập nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Bình quân mỗi năm, tàu cá của anh Cảnh có thu nhập đạt 850-900 triệu đồng, mỗi lao động tầm 4 triệu đồng/tháng.

Mô hình đánh bắt xa bờ của anh Cảnh đã tạo việc làm cho nhiều lao động.
Mô hình đánh bắt xa bờ của anh Cảnh đã tạo việc làm cho nhiều lao động.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Cảnh cho hay, nghề đánh bắt, khai thác thủy sản xa bờ ngày càng khó khăn, nhưng đây là nghề truyền thống của gia đình nên anh không thể bỏ. Để giữ nghề, phát huy hiệu quả sản xuất, anh đã học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi và rút ra bài học là phải chuyển đổi nghề mới để khai thác hiệu quả hơn, cụ thể là nghề vây rút chì ánh sáng.

Nói được làm được, năm 2010, anh Cảnh quyết định đóng thêm 1 tàu mới có công suất 430 CV, trang bị đầy đủ các thiết bị, ngư lưới cụ, như: máy liên lạc tầm xa, máy định vị MOVIMAR, máy dò cá… Trị giá con tàu là 1,9 tỷ đồng, trong đó, ngoài vốn gia đình tự có và vốn vay ngân hàng, Trung tâm Khuyến ngư-Khuyến ngư, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh hỗ trợ 50% giá trị 1 máy dò cá là 150 triệu đồng, 2 máy thông tin liên lạc tầm xa HF kết hợp định vị với trị giá là 56 triệu đồng.  

Từ ngày có 2 tàu cá, hoạt động khai thác thủy sản của gia đình anh Cảnh hiệu quả hơn. Cùng với việc sản xuất, anh Cảnh còn tham gia diễn tập quân sự do Ban chỉ huy Quân sự TX. Ba Đồn, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tại sông Gianh. Gia đình anh cũng động viên 2 chủ tàu vừa khai thác thủy sản vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Năm 2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhận thấy trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, gia đình anh Nguyễn Ngọc Cảnh đã đăng ký tham gia khai thác vùng biển Hoàng Sa kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo đợt 1 và được Phường đội, Thị đội, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Gianh chấp nhận.

Năm 2016, Nhà nước có chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Với tinh thần bám biển vươn khơi, gia đình anh Cảnh đã đóng thêm 1 tàu gỗ công suất 829 CV, có tổng vốn đầu tư gần 17 tỷ đồng. Chiếc tàu công suất lớn này tiếp tục giúp gia đình anh Cảnh tham gia đánh bắt xa bờ với thời gian mỗi chuyến dài hơn, đánh bắt xa hơn và có thu nhập cao hơn.

Tạo việc làm cho nhiều lao động

Với việc mạnh dạn đầu tư đóng 3 tàu lớn để vươn khơi, cùng sự linh hoạt ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, mô hình đánh bắt thủy sản xa bờ của gia đình anh Nguyễn Ngọc Cảnh đã mang lại hiệu quả, năng suất cao, với tổng doanh thu khoảng 9,7 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn hơn 4 tỷ đồng.

Không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình, mô hình đánh bắt xa bờ của anh Cảnh đã góp phần tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động. Từ những ngày đầu khởi nghiệp, nhiều lao động đã theo anh Cảnh bám biển vươn khơi. Đến năm 2011, với 1 tàu câu, chụp và 1 tàu làm nghề vây rút, anh Cảnh đã tạo việc làm thường xuyên cho 22 lao động.

 Anh Nguyễn Ngọc Cảnh vinh dự nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh.
Anh Nguyễn Ngọc Cảnh vinh dự nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh.

Năm 2016, sau khi đóng xong tàu gỗ công suất 829 CV, anh Cảnh tuyển thêm lao động tham gia đánh bắt xa bờ, nâng số lao động lên 34 người. Nhờ thời gian đi biển dài hơn, năng suất cao hơn, nên mức lương bình quân của mỗi lao động tăng lên từ 7-10 triệu đồng/tháng, tùy theo mùa.

Anh Nguyễn Văn Nam, phường Quảng Thọ, TX. Ba Đồn, cho biết: “Tôi tham gia đánh bắt xa bờ cùng anh Cảnh từ năm 2011. Công việc đi biển nhiều vất vả, hiểm nguy và lúc được, lúc mất. Tuy nhiên, anh Cảnh luôn động viên, tạo điều kiện cho anh em có tinh thần làm việc thoải mái, với mức lương cao, ổn định để cải thiện cuộc sống gia đình”.

Không chỉ tạo việc làm cho 34 lao động, mỗi năm, gia đình anh Cảnh còn giúp đỡ cho 15 lượt hộ khó khăn, hộ nghèo về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên giảm nghèo. Ngoài ra, hàng năm, gia đình anh còn đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho tổ dân phố nơi mình sinh sống.

Ông Đoàn Hữu Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân TX. Ba Đồn cho biết: “Anh Cảnh là một trong những hội viên xuất sắc của Hội Nông dân thị xã. Ngoài việc gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, anh còn tích cực tham gia các phong trào do Hội Nông dân các cấp phát động, quan tâm xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Bản thân anh Cảnh rất hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ mọi người trong sản xuất, khai thác và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn”.

Với những nỗ lực, cống hiến của bản thân trong lao động, sản xuất và trong đời sống, anh Nguyễn Ngọc Cảnh đã vinh dự nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành.

Đặc biệt, năm 2018, anh Cảnh đã vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Lê Mai

,