.
Chuyện quản lý:

"Cha chung, không ai khóc"?

.
08:40, Thứ Tư, 22/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - 1. Thực tế cho thấy, nhiều dự án, đề án, chương trình hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho nông sản hoặc mô hình sản xuất theo hướng an toàn… do các đơn vị Nhà nước chủ trì lại kém phát huy hiệu quả, nếu không muốn nói là "chết yểu".

Sau dưa Hàm Ninh bỏ lỡ chứng nhận VietGap do thiếu kinh phí để kiểm nghiệm, giám sát lại chất lượng, đến nhãn hiệu "Nước mắm Đồng Hới" được công nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ từ năm 2011 cũng không có cơ hội xuất hiện trên thị trường...

Thông qua việc thực hiện một dự án KHCN cấp quốc gia thuộc Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68), Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ người dân địa phương xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm nước mắm Đồng Hới.

Nhưng khi đã có nhãn hiệu, việc đưa nhãn hiệu vào sản phẩm, phát triển, quảng bá và nâng tầm sản phẩm lại bị bỏ ngỏ và lý do đưa ra cũng bởi "thiếu kinh phí" triển khai (?!)

Có nhiều câu hỏi đang đặt ra ở đây, tại sao chúng ta có kinh phí để thực hiện các công trình khoa học này nhưng sau khi hoàn thành lại không có kinh phí để triển khai thực tiễn, trong khi đây mới là khâu mâu chốt nhất? Như trường hợp dưa hấu Hàm Ninh, chỉ hơn 12 triệu đồng kinh phí kiểm tra, giám sát để hoàn thiện chứng nhận VietGap lại gây khó cho các xã viên, rồi đùn đẩy cả xã, huyện?

Và sự phối hợp, liên kết giữa các bên chức năng như thế nào khi "đem con bỏ chợ", đã có "hình hài" nhưng lại không được "nuôi dưỡng"? Phải chăng đây chính là tư duy "cha chung không ai khóc", "việc ai người nấy làm"?  Và ai sẽ thống kê những chương trình, dự án, đề án kém hiệu quả, không phát huy thực tiễn để từ đó đúc rút kinh nghiệm? Suy cho cùng, đây cũng chính là căn cơ của sự lãng phí tiền của Nhà nước.

2. Trong khi đó, không ít mô hình sản xuất của tư nhân, dù quy mô nhỏ, còn hạn chế về kinh nghiệm, kỹ năng, vốn và nhân lực, nhưng vẫn mạnh dạn triển khai xây dựng nhãn hiệu, xác lập thương hiệu cho sản phẩm.

Trang trại của anh Ngô Trí Quang (Ngư Thủy Bắc, Lệ Thủy) là một điển hình như vậy. Xây dựng nhà kính trồng rau, củ, quả với diện tích hơn 2.000m2 trên vùng đất cát khô cằn, thử nghiệm từ cách trồng thủy sinh, giá thể cho đến ứng dụng các công nghệ cao vào sản xuất, nay anh đã cho ra đời nhãn hiệu "Quang Organic Farm" và mở một cửa hàng nông sản sạch tại thị trấn Kiến Giang để tiêu thụ sản phẩm của chính nông trại mình.

Và còn nhiều thương hiệu nông sản đang dần hình thành từ chính tư duy mới mẻ, không ngại gian khổ và dám đam mê, dấn thân. Điều đáng nói, những khởi nghiệp viên này cũng rất cần nguồn vốn hỗ trợ kịp thời để mở rộng quy mô, tiếp cận cái mới.

Tất nhiên, có thành công và cũng có những thất bại, nhưng suy cho cùng họ không lãng phí bất cứ đồng vốn nào của mình để đúc rút kinh nghiệm, học hỏi tri thức, kỹ năng, sẵn sàng chinh phục những mục tiêu cao và xa hơn.

Không thể phủ nhận vai trò to lớn của các chương trình, dự án, đề án phát triển sản xuất, khoa học công nghệ… trong đời sống kinh tế, xã hội. Đây chính là tiền đề, là cơ hội "vàng" để nhiều sản phẩm mới có cơ hội thâm nhập thị trường, người nông dân, nhà sản xuất có điều kiện tiếp cận, ứng dụng những cái mới.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất cần những "bộ lọc" chất lượng và nhân lực "làm-được-việc" để triển khai những chương trình, đề án, dự án… này. Trong đó, tầm nhìn xa và cái tâm với sản phẩm đóng vai trò quyết định. Có như vậy, nguồn vốn Nhà nước bỏ ra mới có hiệu quả, không lãng phí và thất thoát.

Quảng Hạ

,