.

Chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng lạc ở Quảng Kim: Hướng đi phù hợp

.
15:31, Thứ Tư, 15/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Để nâng cao giá trị canh tác, phát triển kinh tế, tăng mức thu nhập, thời gian qua, người dân xã Quảng Kim (huyện Quảng Trạch) đã tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng lúa vụ đông-xuân kém hiệu quả sang trồng lạc. Việc chuyển đổi đã đem lại nhiều kết quả tích cực, tạo bước phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Hiệu quả thấy rõ

Chúng tôi đến Quảng Kim khi người dân địa phương vừa thu hoạch xong vụ lạc đông-xuân. Năm nay, lạc được mùa nên bà con ai cũng phấn khởi. Vừa quây lạc phơi giữa sân, anh Diệp Xuân Phúc (thôn 5) vừa chỉ tay về phía ruộng lạc đã thu hoạch, hồ hởi cho biết: "Trước đây, diện tích đất này gia đình tôi trồng lúa 2 vụ, nhưng vào vụ đông- xuân không chủ động được nguồn nước tưới nên năng suất không cao.

Nhờ sản xuất lạc, nhiều hộ dân ở xã Quảng Kim đã nâng cao được thu nhập, cải thiện đời sống.
Nhờ sản xuất lạc, nhiều hộ dân ở xã Quảng Kim đã nâng cao được thu nhập, cải thiện đời sống.

Được sự động viên, hướng dẫn của chính quyền địa phương, từ 4 năm nay, gia đình tôi đã chuyển đổi 1 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc. Và hiệu quả kinh tế thu được từ trồng lạc cao hơn hẳn so với trồng lúa. Riêng vụ năm nay, gia đình tôi thu hoạch được 6 tấn lạc và với giá bán 10 triệu/tấn, chúng tôi thu về 60 triệu đồng. Tính ra, cao gấp 2 lần so với trồng lúa".

Cũng như gia đình anh Diệp Xuân Phúc, vụ lạc năm nay, gia đình anh Lê Văn Lương (thôn 5) cũng "thắng lớn". Với 1 ha trồng lạc, gia đình anh thu hoạch được 6 tấn lạc và thu về 60 triệu đồng. "Nhờ trồng lạc, thu nhập của gia đình tôi tăng cao, cuộc sống được cải thiện đáng kể.

Trước đây, trồng lúa năng suất thấp, thu nhập không đáng kể nên cuộc sống của gia đình khá khó khăn, vất vả. Giờ nhờ trồng lạc nên cũng có đồng ra đồng vào cải thiện chất lượng cuộc sống", anh Lương chia sẻ.

Quảng Kim là một trong những địa phương có diện tích trồng lạc lớn nhất của huyện Quảng Trạch. Với mục tiêu tận dụng hết quỹ đất, tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, xã Quảng Kim đã chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng lạc.

Riêng vụ đông-xuân 2018-2019, toàn xã chuyển đổi 28,2 ha đất trồng lúa khó tưới sang trồng lạc, nâng tổng diện tích đất trồng lạc toàn xã lên 115 ha. Nhờ chăm sóc tốt nên sản lượng lạc toàn xã đạt 644 tấn, năng suất đạt 56 tạ/ha.

Ông Phan Thanh Hóa, Chủ tịch UBND xã Quảng Kim cho biết: "Hiện nay, diện tích nông nghiệp trên địa bàn xã không thay đổi nhưng cơ cấu cây trồng đã được thay đổi cho phù hợp, đặc biệt là trên diện tích đất lúa bị hạn kém hiệu quả, nhằm tăng vòng quay của đất, tăng giá trị kinh tế.

Cây lạc sau khi chuyển đổi cho giá trị kinh tế cao hơn so với trồng lúa, nâng cao thu nhập cho người dân. Mặt khác, trồng lạc còn cải tạo được chất đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất lúa vụ hè-thu".  

Cần ổn định đầu ra

Chuyển đổi đất trồng lúa khó tưới nước sang trồng lạc ở Quảng Kim đã phát huy hiệu quả thấy rõ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc phát triển mô hình trồng lạc ở Quảng Kim vẫn đang gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ mà trước hết là vấn đề đầu ra cho sản phẩm.

Theo kế hoạch, vụ đông-xuân 2018-2019, toàn xã Quảng Kim gieo trồng 115 ha lạc. Nhờ thời tiết thuận lợi và tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây lạc phát triển tốt.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho cây lạc vẫn đang là “bài toán khó” với địa phương. Hiện tại, bà con xuất bán lạc cho nhiều đầu mối thu mua nhỏ lẻ, không tập trung, mạnh ai nấy bán. Chính vì không tìm được thị trường tiêu thụ ổn định nên sản phẩm của người dân thường xuyên bị tư thương ép giá.

Kinh tế phát triển, diện mạo xã Quảng Kim ngày càng khang trang, đổi mới.
Kinh tế phát triển, diện mạo xã Quảng Kim ngày càng khang trang, đổi mới.

Vụ lạc năm nay, gia đình anh Từ Đình Xuyên (thôn 4) xuống giống được 2 sào lạc. Nhờ thời tiết thận lợi cũng như xuống giống đúng thời vụ nên cây lạc phát triển tốt. Anh cho biết, so với những năm trước thì năm nay cây lạc được mùa nên bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên, hiện nay, giá lạc không ổn định nên gây nhiều khó khăn cho bà con.

Từ đầu vụ, lạc được bán với giá 11.000-12.000 đồng/kg, nhưng đến cuối vụ thì giảm xuống chỉ còn 9.000-10.000 đồng/kg. “Mặc dù biết là bị tư thương ép giá nhưng bà con cũng phải bán, bởi càng để lâu thì giá càng giảm, không bán thì xem như lỗ nặng”, anh Xuyên chia sẻ.

Không chỉ gặp trở ngại trong việc tìm kiếm đầu ra, ổn định giá cả cho sản phẩm, việc chuyển đổi mô hình đất lúa kém hiệu quả sang trồng lạc ở Quảng Kim còn gặp phải khó khăn do giá lạc giống khá cao.

Hiện tại, với giá 420.000 đồng/yến lạc giống cộng với các chi phí khác, bà con phải bỏ ra một số vốn đầu tư trồng lạc ban đầu không nhỏ. Nhiều lần, người dân đã thử nghiệm tự sản xuất lạc giống để giảm bớt chi phí nhưng kết quả không khả quan do chất lượng lạc giống của bà con kém hơn hẳn so với lạc giống nhập về nên năng suất, chất lượng sản phẩm thấp.

“Để tăng hiệu quả từ sản xuất lạc, việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm là vấn đề cần được giải quyết sớm. Do đó, bên cạnh vận động người dân sản xuất sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường, cần tạo điều kiện cho việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm lâu dài giữa doanh nghiệp và người dân nhằm tìm đầu ra ổn định để nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao giá trị nông sản.

Để làm được điều đó, ngoài nỗ lực của chính quyền và người dân, Quảng Kim rất cần đến sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các cấp, ngành”, Chủ tịch UBND xã Quảng Kim Phan Thanh Hóa cho biết.

Tâm An

,