.

Bố Trạch: Tăng cường chăm sóc đàn vật nuôi

.
07:57, Thứ Sáu, 12/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhờ chủ động triển khai thường xuyên các biện pháp chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh, nên đến nay, công tác chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Bố Trạch tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định; một số dịch bệnh trên diện hẹp được xử lý và khống chế kịp thời, hiệu quả.

Tính đến nay, toàn huyện Bố Trạch có tổng đàn vật nuôi khá lớn, duy trì với đàn trâu bò 35.000 con, đàn lợn 96.000 con, đàn gia cầm 850.000 con; diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.700 ha; khoảng 1.200 lồng cá nuôi, tăng 4,81% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, do đặc thù của Bố Trạch là một địa phương rộng, có quốc lộ 1A đi qua, có cảng biển..., nên việc vận chuyển, kinh doanh, buôn bán các loại vật nuôi ra vào địa bàn huyện diễn ra thường xuyên, liên tục, nhất là lợn và sản phẩm từ lợn. Thêm vào đó, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh và lây lan.

Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch, cho biết, xác định tình hình dễ phát sinh và lây lan các loại bệnh đối với vật nuôi trên địa bàn, như: lở mồm long móng (LMLM), bệnh trên tôm và bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), thời gian qua, huyện đã tăng cường chỉ đạo các địa phương và nông dân thường xuyên chăm sóc và phòng, chống dịch cho đàn vật nuôi.

Theo ghi nhận, trong năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, tại một số địa phương trên địa bàn huyện, dịch bệnh xảy ra ở diện hẹp, cụ thể: Bệnh LMLM xảy ra tại Thượng Trạch và Tân Trạch làm 155 con bò mắc bệnh.

Tuy nhiên, ổ dịch tại đây được phát hiện sớm, xử lý kịp thời và khống chế trong diện hẹp nên không có vật nuôi bị bệnh chết. Bệnh trên tôm nuôi xảy ra tại các xã Hạ Trạch, Mỹ Trạch, Đồng Trạch, Hoàn Trạch... với diện tích 1,8ha, chiếm 0,22% so với diện tích nuôi mặn lợ toàn huyện (821,2ha).

Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại các địa bàn có vật nuôi bị bệnh.
Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại các địa bàn có vật nuôi bị bệnh.

Bệnh trên đàn lợn xảy ra đầu năm 2019 tại 5 địa phương, gồm xã Hoàn Trạch, Vạn Trạch, Trung Trạch, thị trấn Hoàn Lão, Đồng Trạch, với 1.052 con/14.968 con bị mắc bệnh; trong đó có 403 con chết, số còn lại điều trị đã lành hẳn.

Trao đổi với chúng tôi, cán bộ thú y xã Thượng Trạch Đinh Đông cho hay, mặc dù huyện đã quan tâm chỉ đạo, cán bộ thú y xã triển khai công tác tiêm phòng đúng định kỳ, nhưng trong năm 2018, trên địa bàn xã Thượng Trạch có số lượng trâu, bò bị dịch bệnh khá nhiều.

Nguyên nhân là do ý thức của một số người chăn nuôi chưa cao, còn trông chờ, ỷ lại, không chủ động tiêm phòng; đặc biệt, tập quán ở địa phương là thả rong vật nuôi trong rừng, trong khi vật nuôi chưa được tiêm phòng đồng loạt. Cùng với đó, thời tiết giao mùa, ẩm ương làm giảm sức đề kháng, đàn vật nuôi dễ mắc bệnh.

Khi phát hiện có dịch, cán bộ thú y xã đã triển khai các biện pháp và hướng dẫn người dân chống, dập dịch kịp thời, không để vật nuôi bị chết. Hiện nay, các loại dịch bệnh, nhất là LMLM ở gia súc trên địa bàn các xã miền núi như Thượng Trạch vẫn tiềm ẩn và có nguy cơ bùng phát cao.

Vì vậy, theo sự hướng dẫn của cán bộ Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, xã đang tập trung vận động bà con tuân thủ thực hiện tiêm phòng đợt 1 cho đàn gia súc, gia cầm, tiến hành các bước tiêu độc khử trùng và vệ sinh môi trường, bảo đảm cho đàn vật nuôi phát triển.

Năm 2019, dự báo tình hình dịch bệnh động vật trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, các loại bệnh, như: cúm gia cầm, LMLM, DTLCP có nguy cơ phát sinh và lây lan. Đặc biệt, Bố Trạch là địa bàn có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn, lại phân bố rộng, chủ yếu chăn nuôi nông hộ.

Người chăn nuôi cùng chính quyền một số địa phương có tâm lý chủ quan, chưa tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cần thiết, dẫn đến các loại mầm bệnh vẫn còn tồn lưu trong môi trường chăn nuôi. Thêm vào đó, hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật ngày càng tăng cao; thời tiết khí hậu thay đổi bất thường làm tăng nguy cơ dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan.

Trước những nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, ngay từ đầu năm, nhất là thời điểm giao mùa, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu phương án phòng, chống dịch bệnh, đồng thời, cử cán bộ trực tiếp đến từng địa bàn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cho bà con để điều trị các loại vật nuôi bị bệnh.

Ngoài hiện thực hóa các chỉ thị của Chính phủ, tỉnh về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế các loại bệnh, đặc biệt là bệnh DTLCP, Bố Trạch đã chỉ đạo các ngành chuyên môn theo dõi, giám sát tình hình sức khoẻ đàn gia súc, gia cầm; thông báo cho người dân không được mua bán, vận chuyển vật nuôi và nguồn thực phẩm của trâu bò, lợn bị bệnh về để tiêu thụ.

Huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh.

UBND huyện đã phân bổ 120 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chi mua 416 lít hoá chất tiêu độc khử trùng; 2 máy phun động cơ để phục vụ chống dịch.

Đồng thời, huyện đã cung ứng trên 14.000 liều vắc xin LMLM cho lợn và đã triển khai tiêm cho 13 xã (trong đó 5 xã có dịch là Hoàn Trạch, Vạn Trạch, Trung Trạch, thị trấn Hoàn Lão, Đồng Trạch); sử dụng trên 1.000 lít hoá chất và 2 tấn vôi tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường tại 5 xã có dịch... Huyện tiếp tục rà soát lại tổng đàn gia súc, gia cầm để triển khai tiêm phòng đợt 1 năm 2019 đạt hiệu quả cao.

“Điều quan trọng nữa là huyện tổ chức thông tin, tuyên truyền đúng mức để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh động vật và các biện pháp phòng, chống bệnh, nhưng tránh tâm lý hoang mang, đặc biệt là bệnh DTLCP”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Hương Trà

,