.

Phát huy hiệu quả tổ đoàn kết trên biển

.
08:40, Thứ Hai, 12/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Tổ đoàn kết trên biển có lẽ không còn xa lạ đối với người dân vùng biển Hải Ninh. Bởi, nhờ mô hình này, bà con ngư dân giảm bớt chi phí cho mỗi chuyến biển xa và hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn trong đánh bắt hải sản.

Trước đây, khi chưa có tổ tàu thuyền đoàn kết, ngư dân thường tổ chức đánh bắt riêng lẻ, mạnh ai nấy làm, mỗi tàu thuyền tự tìm cho mình một ngư trường. Nên lúc có sự cố xảy ra, ngư dân rất ít khi nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tàu bạn.

Anh Trương Hồng Tứ đã có thâm niên đi biển nhiều năm nay. Từ khi làm chủ chiếc tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, anh đã tích cực vận động các ngư dân thành lập tổ đoàn kết trên biển. Hiện, anh là tổ trưởng tổ đoàn kết thôn Tân Định với 3 tàu và 15 thuyền viên. Anh Tứ cho biết: “Trước đây, chúng tôi hoạt động riêng lẻ.

Từ khi có chủ trương thành lập tổ đoàn kết vào năm 2014, chúng tôi đã tập hợp nhau lại, nhờ đó, sản lượng đánh bắt tăng lên, bảo vệ được ngư trường, đời sống của anh em được bảo đảm. Tôi hy vọng, tổ tàu đoàn kết này được nhân rộng và phát triển hơn nữa”.

Từ khi tổ đoàn kết trên biển ra đời, những chuyến ra khơi ngày càng hiệu quả hơn. Các tàu cá xã Hải Ninh giờ đã mạnh dạn vươn ra những ngư trường lớn, đánh bắt xa bờ, sản lượng tăng lên qua các năm. Trung bình một chuyến biển 10 ngày, mỗi tàu cá đánh bắt với sản lượng từ 10-15 tấn hải sản các loại, thu về 140-150 triệu đồng. Thấy được hiệu quả của mô hình, nhiều chủ tàu đã tích cực tham gia vào tổ đoàn kết.

Trong một chuyến đánh bắt xa bờ kéo dài hơn 10 ngày, tàu đánh cá của anh Nguyễn Thuận Bằng ở thôn Tân Định bị chết máy khi cách bờ 30 hải lý. Loay hoay chưa biết xử lý thế nào, anh lập tức nhớ ngay đến tổ đoàn kết trên biển và gọi điện thông báo sự cố. Ngay sau khi biết tin, một tàu đánh cá trong tổ đang đánh bắt gần đó đã có mặt kịp thời để kéo tàu vào bờ.

Anh Nguyễn Thuận Bằng chia sẻ thêm về ngư trường và phạm vi đánh bắt, tổ tàu đoàn kết bao gồm các tàu từ 35CV trở lên, hoạt động đánh bắt xa bờ ở vùng khơi, tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Chính vì vậy, ngoài việc đánh bắt, tổ đoàn kết còn góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Tham gia vào tổ tàu đoàn kết, tàu thuyền đồng loạt ra khơi, hỗ trợ nhau trong đánh bắt, tìm nguồn cá, kịp thời khắc phục, tránh được những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt, khi phát hiện có tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam, các tàu tập trung đấu tranh, thông báo cho các lực lượng chức năng phối hợp xử lý, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Kể từ khi thành lập (năm 2014) đến nay, toàn xã Hải Ninh có 2 tổ tàu đoàn kết, gồm 6 tàu và 36 thuyền viên. Các tổ đội đã giúp nhau vươn khơi xa dài ngày, cung cấp thông tin cho nhau về ngư trường, luân phiên chuyên chở cá vào bờ tiêu thụ, tiết kiệm được nhiên liệu; kịp thời hỗ trợ nhau khi gặp sự cố tàu hỏng.

Theo Hội Nông dân xã Hải Ninh, từ khi các tổ đoàn kết sản xuất trên biển được thành lập, năng suất, sản lượng đánh bắt của bà con ngư dân tăng đáng kể. Năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản của toàn xã Hải Ninh tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Hữu Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Ninh cho biết: “Sau khi có quyết định công nhận tổ đoàn kết, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cũng được ban hành kịp thời. Chính quyền cũng như Hội Nông dân luôn tạo mọi điều kiện, động viên kịp thời khi tổ tàu gặp rủi ro. Sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng tuyên truyền, vận động ngư dân đóng mới tàu thuyền, đặc biệt thành lập mới nhiều tổ đoàn kết, góp phần xây dựng và nâng cao đời sống nhân dân".

Tuy nhiên, hiện nay, mặc dù số lượng tàu thuyền của xã Hải Ninh khá lớn, nhưng việc thành lập tổ đoàn kết còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Để duy trì và nhân rộng tổ tàu đoàn kết, cần có sự đồng lòng từ phía ngư dân và cả chính quyền.

Hồng Nhung-Ngọc Khang
(Đài TT-TH Quảng Ninh)

 

,