.

"Ngôi nhà hạnh phúc" của trẻ khuyết tật

.
10:06, Thứ Bảy, 13/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Có nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật, những năm qua, Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy thực sự trở thành “ngôi nhà hạnh phúc" của trẻ khuyết tật trên địa bàn huyện. Tại đây, các em không chỉ được các thầy, các cô quan tâm chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ mà còn được học tập, vui chơi như bao bạn bè cùng trang lứa.
 
Tiền thân là các lớp học tình thương ở Trường TH số 1 xã An Thủy (Lệ Thủy) từ năm 1989, Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy được thành lập tháng 8-1999. Ngày mới chia tách, cơ sở vật chất của trung tâm thiếu thốn trăm bề, chỉ một dãy nhà cấp 4 có 3 phòng học, chưa có nhà nội trú cho học sinh.
 
Trải qua thời gian, đến nay, trung tâm đã có khu nhà nội trú cho học sinh, có công trình nhà ăn khang trang, nhà phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật với tiện nghi khá đầy đủ để các em tập luyện, phục hồi chức năng. Các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy học, dạy nghề cơ bản đủ để các em có điều kiện học tập.
 
Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy hiện đang chăm sóc và nuôi dưỡng 70 trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện; trong đó, 30 bé trai, 40 bé gái và bé nhỏ nhất 6 tuổi, lớn nhất là 15 tuổi. Các em là những trẻ khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ… nên mọi sinh hoạt cũng như việc học tập đều rất khó khăn.
 
Ðể giúp các em vượt qua mặc cảm, phát triển một cách toàn diện, các thầy, cô luôn quan tâm, chăm sóc đầy đủ cả về vật chất và tinh thần cho các em. Ngoài học múa, học vẽ, học làm thiệp… và tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí, các em còn được tập đọc, tập viết và học làm toán.
Tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy, các em không chỉ được các thầy, cô giáo quan tâm, chăm sóc mà còn được học chữ, học văn hóa.
Tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy, các em không chỉ được các thầy, cô giáo quan tâm, chăm sóc mà còn được học chữ, học văn hóa.
Em Ngô Xuân Thu, sinh năm 2007, ở thôn Đặng Lộc (xã Cam Thủy) bị câm điếc bẩm sinh, đã chữa chạy ở nhiều nơi nhưng vẫn không có kết quả. Năm 2013, qua bạn bè giới thiệu, gia đình đưa em đến Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy. Tại đây, ngoài việc học văn hóa, Thu còn được tham gia các hoạt động văn nghệ của trung tâm. Sau gần 6 năm học tập, điều trị, đến nay, Thu phần nào phục hồi được chức năng nghe, nói, biết giao tiếp với bạn bè, thầy cô bằng thủ ngữ, thuộc nhiều bài hát và làm toán khá nhanh, đặc biệt, Thu viết chữ rất đẹp. Trong cuộc thi “Người khuyết tật, trẻ em khuyết tật vẽ tranh, viết chữ đẹp” do Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tổ chức vào tháng 6-2019, em Ngô Xuân Thu đã đạt giải khuyến khích. 
 
Trường hợp em Nguyễn Trọng Tùng, sinh năm 2006, ở thôn Uẩn Áo (xã Liên Thủy) cũng là một ví dụ. Em Tùng vốn bị khuyết tật vận động, sức khỏe yếu, điều kiện gia đình khó khăn. Khi mới vào trung tâm, em tự ti, ít giao tiếp với bạn bè, hay cáu gắt. Tuy nhiên, qua thời gian học tập, sinh hoạt, dưới sự chỉ bảo, dìu dắt cũng như sự quan tâm, yêu thương của thầy cô, Tùng đã vượt lên mặc cảm tự ti của bản thân, trở nên hòa đồng hơn. Trong các năm học, em luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc môn toán và tiếng Việt.
 
Cùng với dạy văn hóa, trung tâm cũng đã phối hợp với Trường dạy nghề số 9, Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề Lệ Thủy mở lớp học nghề thêu ren, nghề may cho các em khuyết tật. Sau khi học xong, có nhiều em tham gia may ở cơ sở may tư nhân trong tỉnh với thu nhập bình quân 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng, tự nuôi sống bản thân, đỡ gánh nặng cho gia đình. Đến nay, sau 20 năm thành lập, có hàng trăm trẻ khuyết tật đã lớn lên từ mái trường này. Nhiều em trong số đó giờ đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, lập gia đình và sống hạnh phúc.
 
Không chỉ là nơi các em nhỏ khuyết tật có điều kiện gặp gỡ, học tập và vui chơi, trung tâm còn là điểm tựa tinh thân vững chắc cho những gia đình có con em bị khuyết tật trên địa bàn huyện. Bởi trong số 70 gia đình có con em đang học ở đây, rất nhiều gia cảnh khó khăn, éo le, là hộ nghèo, cận nghèo của huyện. Khó để hình dung được nếu không có mái trường này, các em sẽ như thế nào khi mà cha mẹ, anh em đều phải chật vật với cuộc sống cơm áo, gạo tiền hàng ngày, chẳng thể đủ điều kiện để chăm lo chu đáo cho các em. Đây chính là nơi họ trao trọn niềm tin của mình. 
 
Trao đổi với chúng tôi, thầy Đỗ Văn Mỹ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Lệ Thủy cho hay: "Dù kinh phí còn nhiều hạn chế, nhưng trung tâm vẫn bảo đảm các phòng học chức năng, phòng ăn, phòng ngủ và phòng sinh hoạt cũng như chế độ dinh dưỡng cho các em. Chúng tôi mong sao bù đắp được phần nào những thiệt thòi mà các em đang phải gánh chịu. Ở đây, các cô, các thầy còn là bạn, là người thân của các em. Chứng kiến những tiến bộ của học sinh, cảm nhận được niềm hy vọng đang lớn lên từng ngày của các phụ huynh, chúng tôi cảm thấy những nỗ lực của mình đã được đền đáp."
 
Phạm Hà
,