.

Trường đại học đau đầu tìm cách thu hút học viên sau đại học

.
08:31, Thứ Năm, 02/05/2019 (GMT+7)
Trường đại học càng lớn, càng ở tốp đầu lại càng khó tuyển sinh sau đại học. Đây là thực trạng có vẻ nghịch lý đang diễn ra tại nhiều trường đại học trên cả nước, trong khi tổng quy mô đào tạo sau đại học của tất cả các trường đại học không giảm, thậm chí còn tăng ở trình độ tiến sỹ.
 
Càng cao thương hiệu, càng khó tuyển sinh
Số lượng học viên sau đại học giảm mạnh ở các trường nhóm đầu. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Số lượng học viên sau đại học giảm mạnh ở các trường nhóm đầu.

(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng quy mô đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ của các trường đại học trên cả nước trong giai đoạn từ 2014 đến 2018 tương đối ổn định, với khoảng 39.000 đến 41.000 thạc sỹ, từ 2.600 đến 2.700 nghiên cứu sinh được tuyển mới mỗi năm. Quy mô đào tạo thạc sỹ khoảng trên 92.000 người. Quy mô đào tạo tiến sỹ thậm chí tăng lên, từ khoảng 10.000 người năm học 2014-2015 lên 14.000 người năm học 2017-2018.
 
Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng 15 trường đại học hàng đầu khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, thì số lượng học viên sau đại học chỉ chiếm dưới 10% quy mô toàn hệ thống và có xu hướng giảm sâu qua mỗi năm.
 
Từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018, số thạc sỹ tuyển mới của nhóm trường này giảm từ gần 3.900 người xuống còn hơn 2.800 người, số nghiên cứu sinh tuyển mới cũng giảm một nửa, từ 541 người xuống còn 265 người.
 
Quy mô đào tạo thạc sỹ giảm từ trên 10.000 người xuống còn hơn 6.500 người, quy mô đào tạo tiến sỹ giảm từ trên 1.500 người xuống hơn 1.300 người.
 
Càng ở các trường tốp đầu, tỷ lệ giảm càng mạnh.
 
Thống kê của Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy, năm 2011, số học viên sau đại học của trường là 2.000 người, chiếm trên 28% quy mô đào tạo toàn trường. Tuy nhiên, đến năm 2018, trường chỉ còn hơn 500 học viên sau đại học, chiếm 5% so với quy mô đào tạo.
Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những trường có số lượng học viên sau đại học giảm mạnh. (Ảnh: hust.edu.vn)
Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những trường có số lượng học viên sau đại học giảm mạnh. (Ảnh: hust.edu.vn)
Theo Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn, hiện trường có gần 800 giảng viên có trình độ từ tiến sỹ trở lên, với hơn 40 chuyên ngành đào tạo trình độ sau đại học, nên con số 500 học viên là rất ít. Càng ngành học quan trọng, trình độ càng cao thì số lượng càng ít. Trong số 500 học viên sau đại học, chỉ có khoảng 100 tiến sỹ. Thậm chí năm 2018, trường chỉ tuyển được 35 nghiên cứu sinh đào tạo trình độ tiến sỹ do yêu cầu mới cao hơn về ngoại ngữ.
 
Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cũng trong hoàn cảnh tương tự. Theo phó giáo sư, tiến sỹ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường, trước đây, quy mô đào tạo sau đại học của trường là từ 1.300 đến 1.400 học viên, nhưng hiện nay con số này chỉ còn khoảng 600 học viên, giảm trên 50%.
 
Ông Phong cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này do đa số người học có xu hướng đi học sau đại học tại nước ngoài. Trong khi những người học cao học trong nước đang lệch về mục đích học tập. “Có người chỉ muốn có bằng, vì thế không cần phải vào học các trường lớn, có thương hiệu, vì sẽ khó khăn hơn,” ông Phong nói.
 
Đưa ra ví dụ thực tế, phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Có thí sinh thi sau đại học vào trường tôi 6 năm không đỗ, nhưng thi trường khác đỗ ngay”.
 
Theo phó giáo sư Hoàng Minh Sơn, với những người học xác định mục đích học để có năng lực thì họ sẽ tính toán kỹ về nơi học làm sao phù hợp với mục tiêu và kinh phí của mình, và nhiều người trong số họ chọn đi du học nước ngoài.
 
“Đi học nước ngoài, tỷ lệ xin được học bổng khá cao, học toàn thời gian, nghiên cứu nhiều hơn, lại được trải nghiệm môi trường, văn hóa mới, cơ hội cọ xát nâng cao năng lực ngoại ngữ. Trong khi học trong nước ít học bổng, vừa học vừa phải đi làm, hạn chế hơn về nhiều điều kiện khác như môi trường, nghiên cứu... Vì thế, các em sẽ chọn đi học nước ngoài, dù một số trường chất lượng chưa chắc bằng trong nước,” phó giáo sư Hoàng Minh Sơn phân tích.
Quy mô đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ của nhóm 15 trường đại học tốp đầu khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ giảm dần qua các năm
Quy mô đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ của nhóm 15 trường đại học tốp đầu khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ giảm dần qua các năm

 Đổi mới để thu hút người học

Trước thực trạng trên, các trường đại học cho biết đang tìm các giải pháp đổi mới để thu hút học viên sau đại học.
 
Trước hết là đổi mới chương trình đào tạo. Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội thiết kế chương trình kỹ sư là 5 năm. Chương trình này đã đào tạo sâu các kiến thức chuyên ngành cơ bản. Vì thế, học viên thấy khi học sau đại học, các em chỉ thêm được một số môn học, giá trị gia tăng không lớn, nên không mặn mà.
 
“Phải thay đổi chương trình theo hướng nghiên cứu sáng tạo, hay nghiên cứu hàn lâm, để thu hút người học hơn,” ông Sơn nói.
 
Cùng quan điểm này, phó giáo sư Mai Thanh Phong nhấn mạnh: “Bản thân các trường đại học chúng tôi cũng phải xem xét lại chất lượng đào tạo của mình, đã thiết kế chương trình linh động so với nhu cầu luôn biến đổi của xã hội chưa hay chỉ từ đại học nâng lên cao học?”
 
Ông Phong cũng đặt vấn đề nên coi đi học cao học là một nghề được trả lương, thay vì chỉ là hoạt động phụ, bên cạnh việc chính là đi làm, của đa số học viên sau đại học trong nước hiện nay. Ở nước ngoài, học viên sau đại học khi nghiên cứu đề tài cùng các giáo sư, phó giáo sư được trả lương, nhưng ở Việt Nam không có cơ chế này.
 
Bên cạnh đó, các trường cũng tăng cường tìm kiếm các nguồn lực để có thể có cơ chế tốt hơn, nhằm thu hút các học viên sau đại học, nhất là các chế độ học bổng.
 
Theo phó giáo sư Hoàng Minh Sơn, Đại học Bách khoa Hà Nội đang có nhiều chế độ để tạo nguồn tài chính hấp dẫn cho thạc sỹ, nghiên cứu sinh. Trường cấp 100% học bổng cho các sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi học chuyển tiếp sau đại học theo định hướng nghiên cứu và học toàn thời gian, học bổng 50% học phí cho các sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá.
 
Bên cạnh đó, các viện nghiên cứu của trường cũng sẽ tạo điều kiện cho các học viên tham gia các đề tài nghiên cứu và có chế độ học bổng kèm theo. Trường cũng tạo điều kiện cho các học viên có năng lực tham gia trợ giảng để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Ngoài ra, trường hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp để gắn đào tạo với thực tế và tạo điều kiện để tăng thu nhập cho học viên qua các dự án kết hợp giữa hai bên.
 
“Mới đây, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup. Theo đó, Quỹ sẽ ưu tiên hỗ trợ học bổng cho các học viên sau đại học của trường với mức 120 triệu đồng/năm với học viên cao học và 150 triệu đồng/năm với nghiên cứu sinh,” phó giáo sư Hoàng Minh Sơn nói.
 
Theo Phạm Mai (Vietnam+)
,