.

Nghĩa tình Khe Thui

.
08:27, Chủ Nhật, 02/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Huyện Minh Hóa vừa khánh thành Khu di tích lịch sử Khe Thui ở xã Hóa Thanh, nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ, đặc biệt là 7 thanh niên xung phong (TNXP) của Tiểu đội 3, Đại đội 758 (chủ yếu là con em quê hương Minh Hóa) khi làm nhiệm vụ trong ngày 20-7-1968. Công trình là tâm huyết, sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Minh Hóa đối với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời là nơi giáo dục thế hệ trẻ khắc ghi lịch sử hào hùng để xây dựng quê hương trong giai đoạn mới.
 
Ký ức không phai
 
Khe Thui thuộc Km468 đường Hồ Chí Minh, cách ngã ba Khe Ve (điểm khởi đầu của đường 12A ác liệt) chưa đầy 1km về phía bắc.
 
Nơi đây được xem là "túi bom" mà máy bay Mỹ ngày đêm dội xuống. Bởi trọng điểm này là "yết hầu" của con đường vận chuyển hàng hóa, đạn dược từ Bắc vào Nam theo quốc lộ 15A và sang nước bạn Lào theo quốc lộ 12A.
 
Năm 2013, trong một lần tìm hiểu về sự kiện lịch sử Khe Thui, chúng tôi được ông Đinh Minh Đức, TNXP của C758 hiện đang sinh sống ở xã Hóa Thanh dẫn vào thăm nơi mà 7 đồng đội của ông đã hy sinh cùng lúc vào chiều 20-7-1968 định mệnh.
 
Hôm đó, nếu không được một người lính đã từng chiến đấu ở đây giới thiệu thì những người thuộc thế hệ sau như chúng tôi không thể nào hình dung được nơi này từng là “toạ độ lửa”, là nơi ghi dấu một sự kiện lịch sử bi hùng như vậy. 
Những cựu TNXP C758 trong ngày khánh thành Khu di tích lịch sử Khe Thui.
Những cựu TNXP C758 trong ngày khánh thành Khu di tích lịch sử Khe Thui.
Lúc đó, ngay bên con đường Hồ Chí Minh, Khe Thui chỉ là một cái khe cạn, cây dại mọc um tùm và chứng tích duy nhất là một ngôi mộ đá được đắp lên để tưởng nhớ những người đã khuất.
 
Buổi trưa hè đứng bóng, ông Đức khó nhọc (bởi ông cũng chỉ còn một cánh tay sau một trận bom) đốt hương tưởng nhớ đồng đội. Phút tĩnh lặng, ông không khỏi nghẹn ngào khi nhớ về những ký ức bi hùng của một thời đạn lửa.
 
Ông Đức kể: “Đêm 19, rạng sáng ngày 20-7-1968, máy bay địch lại đánh phá ác liệt trọng điểm Khe Ve, Khe Thui. Để kịp thời thông đường cho hàng trăm chiếc xe chở lương thực, vũ khí đang mắc kẹt, Đại đội 758 do ông Trương Thanh Hân (ở xã Minh Hóa) làm Đại đội trưởng giao nhiệm vụ cho Tiểu đội 3 gồm 11 đồng chí phải gạt hết số đất đá trên mặt đường. Còn cả đơn vị, trong đó có tôi thì dồn sức mở một đoạn cua làm đường tránh để thông xe.
 
Cả đơn vị vừa làm vừa tránh máy bay Mỹ ập đến oanh tạc. Khoảng 3 giờ chiều, khi chúng tôi đang mở cua đường tránh cách đó không xa thì điếng người bởi tiếng nổ đinh tai nhức óc ở chỗ 11 đồng chí đang làm nhiệm vụ gạt mặt đường. Cả đơn vị chạy đến thì thấy một hố bom sâu hoắm. Có 4 người bị thương được đưa đi cấp cứu ở Trạm Quân y 14 (thuộc Binh trạm 12) đóng ở xã Hóa Tiến. Còn lại 7 người hy sinh tại chỗ (đều là người ở huyện Minh Hoá). Chúng tôi đã đưa các anh chị đi mai táng...".
 
Không chỉ là ký ức
 
Sau chuyến thăm cùng ông Đinh Minh Đức đến Khe Thui, chúng tôi còn tiếp xúc thêm những người đồng đội của ông ở C758 hiện đang còn sống ở Minh Hóa và đem câu chuyện ở Khe Thui trao đổi với ông Đinh Quý Nhân, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa lúc đó (nay là Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo).
 
Ông Nhân cho biết, lãnh đạo huyện Minh Hóa cũng đang rất trăn trở với “sự kiện” ở Khe Thui. Đã 45 năm trôi qua, nhưng Khe Thui, nơi chứng kiến sự hy sinh cùng lúc của 7 TNXP người Minh Hóa khi tuổi đời mới mười chín, đôi mươi vẫn chưa có một nhà bia tưởng niệm là một “thiếu sót” lớn của huyện.
 
“Gia đình, thân nhân, đồng đội các liệt sỹ Khe Thui đã đợi lâu lắm rồi. Huyện sẽ làm hết sức mình để tri ân những người ngã xuống, để thế hệ mai sau biết đến một Khe Thui bi hùng như thế…”, ông Nhân chia sẻ.
 
Không phải nói để cho qua chuyện, tiếp theo đó, lãnh đạo huyện Minh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến Khe Thui như tổ chức hội thảo, gặp mặt các nhân chứng lịch sử và làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử và ngày 5-7-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2415/QĐ-UBND công nhận Khe Thui là di tích lịch sử cấp tỉnh.
 
Tiếp đó, sau một thời gian chuẩn bị, tháng 4-2018, UBND huyện Minh Hóa đã khởi công dự án xây dựng Khu di tích lịch sử Khe Thui tại Km468 đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Hóa Thanh.
 
Dự án được quy hoạch trên tổng diện tích 18ha (giai đoạn 1: 3ha; giai đoạn 2: 15ha). Sau hơn 1 năm thi công, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, bao gồm các hạng mục công trình: nhà bia tưởng niệm với diện tích rộng 80m2 được thiết kế với kiến trúc đặc trưng, thể hiện sự uy nghiêm, trang trọng; khuôn viên rộng 396m2 và đường đi bộ từ đường Hồ Chí Minh lên nhà bia tưởng niệm dài 125m với tổng vốn đầu tư trên 2,9 tỷ đồng…
 
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành giai đoạn 1 của dự án, đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa khẳng định: “Công trình Khu di tích lịch sử Khe Thui được xây dựng là tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm và là sự tri ân sâu sắc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Minh Hóa đối với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời, giáo dục thế hệ trẻ khắc ghi lịch sử hào hùng để xây dựng quê hương trong giai đoạn mới”.
 
Có mặt trong ngày khánh thành giai đoạn 1, dự án Khu di tích lịch Khe Thui, ông Đinh Văn Niệm, một cựu TNXP C758 đã từng chiến đấu ở Khe Thui, xúc động chia sẻ: “Có một nhà bia tưởng niệm để ghi dấu nơi đồng đội nằm xuống là ước nguyện hàng chục năm qua của những người đang sống như chúng tôi và hôm nay, ước nguyện đó đã trở thành hiện thực. Kể từ bây giờ, mỗi lần đến đây, chúng tôi đã có một nơi trang trọng, ấm cúng để thắp hương tưởng nhớ đồng đội…”.
 
Sau 50 năm ngày các TNXP hy sinh, Khe Thui hôm nay không chỉ là “tọa độ lửa” trong ký ức của những nhân chứng lịch sử, mà còn là một khu di tích lịch sử, một công trình văn hóa tâm linh ghi công, tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sỹ.
 
Trong tương lai không xa, Khe Thui sẽ trở thành địa chỉ đỏ cách mạng, điểm du lịch tâm linh và nhắc nhở thế hệ mai sau biết trân trọng lịch sử...
 
Phan Phương
,