.

Gặp lại nữ anh hùng trên đèo Đá Đẽo

.
09:26, Thứ Hai, 03/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Trên con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại năm xưa, đèo Đá Đẽo (giáp ranh giữa huyện Bố Trạch và Minh Hóa) là lằn ranh sinh tử trong những năm ác liệt nhất của chiến tranh. Từ 1965-1972, địch liên tục thả bom hòng cắt đứt tuyến đường chi viện chiến lược. Tại trọng điểm ác liệt này đã xuất hiện nữ anh hùng Đinh Thị Thu Hiệp, người con của mảnh đất Minh Hóa kiên trung…
 
"Cọc tiêu sống"
 
Những ngày tháng 5 này, kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại, ngôi nhà nhỏ của nữ anh hùng Đinh Thị Thu Hiệp (ở thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa) có rất nhiều đoàn khách đến thăm. Họ là những đồng đội cũ đến thăm bà, nhưng nhiều nhất vẫn là những đoàn học sinh đến để nghe bà kể chuyện “chiến tranh”...
Nữ anh hùng Đinh Thị Thu Hiệp hiện nay.
Nữ anh hùng Đinh Thị Thu Hiệp hiện nay.
Năm nay đã bước vào tuổi 73, sức khỏe không còn tốt nhưng ký ức về những năm tháng chiến đấu trên đỉnh đèo Đá Đẽo của dãy Trường Sơn hùng vĩ vẫn không nguôi trong bà. Sinh ra trong một gia đình nghèo với 7 chị em, là con cả, ngày ngày, Đinh Thị Thu Hiệp phải lo bắt tép, mò ốc đỡ đần mẹ cha nuôi các em khôn lớn.
 
Đến tuổi thanh niên, bà theo phong trào “ba sẵn sàng” xung phong lên đường, nhưng địa phương không duyệt vì thân hình quá nhỏ. Không còn cách nào khác, bà đã viết đơn vào trận tuyến bằng máu với tất cả tình cảm thống thiết để được kết nạp vào đội hình thanh niên xung phong và được phân công về làm nhiệm vụ ở đèo Đá Đẽo.
 
Ngày đó, đèo Đá Đẽo được xem như lằn ranh giữa sự sống và cái chết, là yết hầu của tuyến chi viện chiến lược 15A vào Nam. Từ năm 1967, không quân Mỹ đã thực hiện chiến dịch 97 ngày đêm xóa trắng, vùi lấp đèo Đá Đẽo, Đinh Thị Thu Hiệp đã không ngần ngại bám sát mặt đường từng ngày, từng giờ, đếm từng quả bom rơi, vác từng thùng đạn chạy băng qua bãi bom nổ chậm. Chỉ nặng chưa đầy 40kg nhưng lúc đó bà vác trên mình những kiện hàng, thùng đạn vượt bãi bom dài hơn cây số chạy băng đến điểm tập kết an toàn.
 
Cuối năm 1967, khúc cua 516+300 mái phía tây đèo Đá Đẽo thường xuyên trúng bom nổ chậm, nhiều người không có kinh nghiệm tiếp cận bom đã thiệt mạng. Cấp trên giao Đinh Thị Thu Hiệp chốt giữ trọng điểm nóng đó nhằm bảo đảm thông tuyến nhanh nhất cho xe ra tiền tuyến.
 
Ngày đầu tiên, một quả bom nổ chậm rơi đúng tim đường. Lập tức bà yêu cầu mọi người tản ra xa, một mình vào kích nổ quả bom. Khi công việc hoàn thành, vừa trở ra khoảng 150m thì bom nổ, bà bị sức ép khiến một tai bị điếc.
 
Một lần khác, vào dịp gần Tết Mậu Thân 1968, một đoàn xe chở hàng ra mặt trận bị ứ lại do vướng bãi bom ở chân đèo Đá Đẽo. Mọi người chưa biết làm sao thông tuyến, trong khi tiếng gọi chiến trường đang hết sức cần kíp thì bà Hiệp đã nhanh trí, quyết định biến mình thành "cọc tiêu sống".
 
Bà nói: “Nếu anh em lái xe quyết tâm thì tôi sẽ đưa các anh qua”. Nhận được lời nói “quyết tâm” từ cánh lái xe ra trận, bà đã ra giữa bãi bom, lấy thân mình làm “cọc tiêu sống” dẫn đoàn xe. Đường đi dích dắc, ai cũng thót tim bởi nếu một quả nổ, cả bãi bom sẽ nổ, tổn thất sẽ rất lớn. Nhưng cuối cùng, đoàn xe hơn 20 chiếc đã vượt bãi bom an toàn.
 
Cuộc sống bình dị giữa đời thường
 
Sau những thành tích trong chiến tranh, bà vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân vào năm 1972. Hòa bình, bà trở về với ruộng nương, xóm làng ở thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa. Bà lập gia đình, có 4 con thì chồng mất.
 
Bây giờ, các con của bà đã có gia đình. Bà ở với vợ chồng người con trai út trong căn nhà tình nghĩa do đơn vị cũ, đồng đội, các cơ quan báo chí, cơ quan nhà nước, bạn bè, làng xóm, địa phương ủng hộ xây tặng. Bà khoe, hiện, bà có 10 đứa cháu và 1 đứa chắt, mỗi dịp lễ, tết, chúng đều kéo về thăm bà, rất vui và hạnh phúc.
 
Còn bà, lúc rãnh rỗi, bà đi thăm những đồng đội cũ, tiếp chuyện và kể những câu chuyện “một thời bom đạn” cho các em học sinh khi đến thăm bà... “Đất nước đã hòa bình được 44 năm rồi, cuộc sống ngày càng phát triển đi lên, tôi thấy mừng lắm. Càng mừng, tôi lại càng thương những đồng đội của tôi. Họ đã nằm xuống mà chưa một ngày được hưởng hạnh phúc…”, bà Hiệp nói trong dòng nước mắt rưng rưng.
 
Phan Phương
,