.

Chà Nòi... một thời thương nhớ

.
15:12, Thứ Sáu, 31/05/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Nằm thanh bình sát dưới chân đèo Đá Đẽo, thung lũng Chà Nòi (xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch) xanh ngát tựa một bức tranh thủy mặc. Nhắc đến địa danh Chà Nòi, rất nhiều thế hệ người Quảng Bình phải nhớ, phải thương về vùng đất này!
Toàn cảnh thung lũng Chà Nòi.
Toàn cảnh thung lũng Chà Nòi.
Từ di tích lịch sử sân bay Khe Gát theo đường Hồ Chí Minh lên sát chân đèo Đá Đẽo, phía tay trái đối diện với trạm kiểm lâm có một ngôi nhà nho nhỏ. Chủ nhà là hai ông bà tuổi tác đã cao. Nhà mở quán cóc nho nhỏ bán chai nước, gói thuốc cho khách quá vãng. Anh em làm báo trong tỉnh Quảng Bình mỗi lần lên về Minh Hóa, hay ghé quán nghỉ ngơi. Đến rồi đi thế thôi… đủ để nhận lấy lời cảm ơn cùng nụ cười chân chất của hai ông bà chủ quán.
 
Tôi lên Chà Nòi vào cái thời cùng tuổi trẻ toàn tỉnh đi tham gia trồng mía, ngót nghét gần hai chục năm trôi qua. Từ  lúc đó về sau này, chứng kiến thung lũng Chà Nòi “trầm kha” loay hoay trong chuỗi hành trình “trồng cây gì, nuôi con gì?” để xóa đói, giảm nghèo.
 
Dự án mía đường kết thúc, vùng đất Chà Nòi rộng mênh mông trên 220 ha giao lại cho Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu sông Dinh (Công ty Bình Lợi) để đầu tư trồng giống sắn chất lượng cao.
 
Sau dự án trồng sắn nguyên liệu không hiệu quả, năm 2007, UBND tỉnh quyết định bàn giao Chà Nòi cho UBND xã Xuân Trạch quản lý, cấp cho người dân thí điểm trồng cao su. Gần 200 ha cao su phát triển xanh tốt, dưới tán cao su, bà con còn trồng xen lạc, ngô, “lấy ngắn nuôi dài”. Đùng cái, năm 2010, một trận lũ quét qua, thung lũng Chà Nòi ngập sâu trong nước. Sau một tuần, nước rút, toàn bộ diện tích cao su gặp úng, chết gần hết.
 
Trở lại với ngôi nhà nhỏ ven đường Hồ Chí Minh phía dưới chân đèo Đá Đẽo trong một ngày hè “ngược đường, ngược nắng” lên huyện Minh Hóa, vào thăm đôi vợ chồng già, tôi mới có dịp nghe đến duyên nợ của ông bà với thung lũng Chà Nòi vốn xưa nay được xem là vùng đất “trái tính, trái nết”.
 
Ông tên Phạm Đình Liệu (SN 1944) quê quán ở tận xã Quảng Trường (Quảng Trạch), nguyên thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu dọc tuyến đường Hồ Chí Minh từ phà Long Đại đến đèo Đá Đẽo.
 
Ông Liệu bảo, ông thuộc Chà Nòi như trong lòng bàn tay. Giai đoạn những năm 1968-1970, ở đây, bom đạn ngút trời. Sát trong núi đá vôi có một cái hang mang tên hang Kho Đạn, vì là nơi tập kết vũ khí, đạn dược của bộ đội trước khi chuyển tiếp vào Nam. Đến năm 1975, sau khi đất nước hòa bình, công binh mới tiến hành rà phá và tiêu hủy tất cả các loạt đạn dược còn sót lại ở Chà Nòi và hang Kho Đạn. Từ đó, người dân mới yên tâm canh tác, sản xuất.
 
Vợ ông Liệu tên Trương Thị Bông (SN 1953) vốn con gái thôn Khe Gát. Đơn vị ông Liệu có thời gian đóng quân trong nhà bà Bông, họ quen nhau, đến năm 1973 thì nên vợ nên chồng. Hòa bình, ông Liệu không trở về quê, chọn đất Xuân Trạch lập nghiệp.
 
Trước thời kỳ đổi mới, gia cảnh ông Liệu, bà Bông cũng như những người nông dân thuần phác khác ở Xuân Trạch, quá cực khổ. Vào khoảng năm 1990, sực nhớ lại thung lũng Chà Nòi đất đai rộng rãi, chưa có ai khai phá, ông Liệu bàn với vợ dẫn hai con trai đầu là Phạm Giang Lâm (SN 1973) và Phạm Ngọc Sơn (SN 1975) cắt rừng lên khai hoang đất Chà Nòi.
 
“Ba cha con cắm chòi, phát quang cây dại, nơi nào gần suối thì trồng lúa, chỗ bằng phẳng thì trồng lạc, ngô, đậu xanh… Đất mới, giống mới, được mùa liên tiếp trong ba năm. Gia đình bảo đảm lương thực hàng ngày. Thấy mình canh tác, trồng trọt hiệu quả, nhiều hộ dân ở Xuân Trạch lần lượt kéo lên khai hoang, mở rộng diện tích.
 
Trải qua nhiều dự án, trồng nhiều loại cây nhưng thất bại, bây giờ, tham gia phát triển kinh tế tại Chà Nòi có 100 hộ dân trên diện tích hơn 220 ha. Mô hình kinh tế chủ yếu trồng keo, tràm. Một số hộ dân trồng thêm lạc, lúa. Thung lũng Chà Nòi dần dần xanh trở lại”, ông Phạm Đình Liệu nhớ lại.
 
Được cấp 5 ha đất lâm nghiệp, ông Liệu, bà Bông giao cho con trai Phạm Ngọc Sơn. Ngôi nhà nhỏ ven đường Hồ Chí Minh được cất lên ngay chính mảnh đất cắm chòi năm xưa ông Liệu lên khai hoang đất Chà Nòi. Vợ chồng mở quán cóc bán thuốc nước và chăm cháu nhỏ giúp Phạm Ngọc Sơn có thời gian lao động sản xuất.
 
Không phụ sự kỳ vọng từ cha, Phạm Ngọc Sơn đã biết mở rộng mô hình kinh tế của mình tại Cha Nòi bằng việc đào thêm ao nuôi cá, đưa vào thử nghiệm chăn nuôi dê, duy trì tốt diện tích lúa nước và cây lạc… Riêng đàn dê, với 10 con khi bắt đầu nuôi năm 2017, đến nay, tăng lên 35 con. Thu nhập từ bán dê thương phẩm khoảng 60 triệu đồng/năm.
 
“Giấc mơ ấm no ở Chà Nòi sẽ sớm thành hiện thực thôi, khi Nhà nước hoàn toàn tin vào dân, giao khoán đất lâu dài cho nhân dân và tùy bà con lựa chọn cách thức phát triển kinh tế hiệu quả. Trên hành trình 30 năm tái lập tỉnh, một vùng đất đậm nhiều dấu ấn như Chà Nòi, nhiều thương nhớ như Chà Nòi, chắc chắn thêm nhiều đổi thay.”, ông Phạm Đình Liệu khẳng định.
 
Thanh Long
,