.

Bảo Ninh trong tôi!

.
08:17, Chủ Nhật, 19/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Quảng Bình sau 30 năm trở về địa giới cũ có một gia sản quý giá trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, để gột tả chân thực sự phát triển ấy, rất khó thể hiện hết bằng ngôn từ. Nhưng với tôi, có lẽ bán đảo Bảo Ninh là minh chứng rõ nét nhất của sự "thay da đổi thịt" kỳ diệu...

Thuở ấy, bán đảo Bảo Ninh tuy là một phần của thị xã Đồng Hới nhưng nép mình biệt lập ở phía Đông của dòng Nhật Lệ. Cư dân nơi đây chủ yếu sinh sống sát bờ sông, còn phía giáp biển là mênh mông cát trắng. Cả xã không có điện lưới và đường giao thông, phương tiện chủ yếu để người dân Bảo Ninh giao thương với bên ngoài là những chiếc đò ngang gắn máy.

Đường Nguyễn Thị Định, tuyến giao thông đầu tiên ở xã Bảo Ninh.
Đường Nguyễn Thị Định, tuyến giao thông đầu tiên ở xã Bảo Ninh.

Mỗi thôn một bến, thôn to thì hai bến, nếu tính từ Hà Thôn về đến đầu mũi Mỹ Cảnh thì cả xã có hơn 8 bến đò như vậy. Có việc gì cần thiết, bà con đều dùng đò để di chuyển, những nhà khá giả sắm được chiếc xe đạp thì phải tập đi ngay dưới mép sông.

Ở đó, do nền cát ướt được đầm bằng sóng nước nên bánh xe không bị lún và rất dễ di chuyển. Khi tay lái đã vững muốn đạp xe thăm thú bà con hay công chuyện ở bên kia sông thì sẵn sàng “cắt cơm, bơm xe” và chịu khó vác lên đò sang bến trung tâm ở chợ Đồng Hới.

Đời sống của bà con nơi đây dựa vào nguồn hải sản, nhưng thuyền bè công suất thấp nên hoạt động đánh bắt chủ yếu ven bờ, rất hiếm tàu vươn khơi xa. Bởi vậy, khi cuộc sống vật chất của bà con vốn dĩ khó khăn, thì đời sống tinh thần cũng không thể khá hơn. Lúc này, chỉ có một vài nhà điều kiện sắm được tivi đen trắng dùng điện ắc quy chỉ để xem thời sự, vì muốn xem lâu cũng không được do nguồn điện sạc rất yếu. 

Thi thoảng đội chiếu phim lưu động số 9 mới sang phục vụ, những dịp như vậy cả xã đông vui như lễ hội. Hàng đêm, người dân Bảo Ninh đều ngóng sang bên kia bờ Nhật Lệ và thầm ước, đến bao giờ miền cát có điện, có đường, có cầu... để xóa đi cảnh đò giang cách trở.

Tháng 7-1989, khi Quảng Bình trở về địa giới cũ, dù chưa vơi hết nỗi lo cơm áo, an cư lạc nghiệp cho gia đình đội ngũ cán bộ trở về xây dựng quê hương, thì khoảng năm 1992, công trình điện lưới quốc gia được khởi công tại vị trí ở tổ dân phố Phú Thượng, phường Phú Hải để kéo dây vượt sông Nhật Lệ cấp điện sinh hoạt cho người dân xã Bảo Ninh.

Ông Phạm Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh cho biết, trước đó, toàn xã chỉ có 1 trường mầm non, 1 trường THCS, học sinh học cấp 3 phải đạp xe lên phường Đồng Sơn. Người dân muốn phát triển kinh tế-xã hội, nhưng lực bất tòng tâm vì cả xã không có hệ thống đường giao thông, không có điện, hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu thốn trăm bề.

Và, đến thời khắc năm 1993, người dân ở thôn Hà Thôn, Hà Dương và một nửa thôn Trung Bính vỡ òa cảm xúc khi lần đầu tiên biết đến ánh điện sáng lung linh soi bóng dòng song Nhật Lệ. Sự kiện đó có lẽ là niềm mơ ước khắc khoải của người dân từ khi đặt chân lên miền cát Bảo Ninh lập làng sinh sống, chống chọi với thiên nhiên hà khắc để như một tấm bình phong chở che cho Đồng Hới bao đời.

Anh Đào Giang Sơn, quê ở làng Sa Động tâm sự, mặc dù xa quê đã lâu nhưng tôi rất vui sướng khi biết tin xã Bảo Ninh có điện, đây là ước mơ của bà con nơi đây. Kể từ ngày đó người dân được thụ hưởng ánh sáng văn minh, là cơ hội để Bảo Ninh chuyển mình và phát triển thoát khỏi cảnh nghèo nàn và lạc hậu.

Sau khi có điện sinh hoạt, khoảng năm 1998-1999, tuyến đường giao thông đầu tiên của xã chính thức được khởi công. Ngày đó, để xây dựng tuyến đường này, ngoài chuyện hiến đất của người dân, đơn vị thi công phải dùng thuyền vận chuyển đất, sỏi sang tập kết ở bến sông, rồi công nhân đội từng rổ đất thay nhau trèo lên đôộng cát rải cấp phối làm đường.

Cầu Nhật Lệ 1 nối liền trung tâm TP. Đồng Hới với xã Bảo Ninh.
Cầu Nhật Lệ 1 nối liền trung tâm TP. Đồng Hới với xã Bảo Ninh.

Tuyến giao thông này sau một vài lần nâng cấp, rải nhựa được đặt tên Nguyễn Thị Định, trở thành “xương sống” huyết mạch để Bảo Ninh dần thay da đổi thịt. Từ tuyến đường đầu tiên đó, trên địa bàn xã xuất hiện khu nghỉ dưỡng Sun spa resort Mỹ Cảnh-khu du lịch cao cấp đầu tiên của tỉnh-tiếp đó là cầu Nhật Lệ 1, Nhật Lệ 2 và hàng loạt khu du lịch, nhà hàng, khách sạn ra đời phục vụ nhu cầu du khách thập phương.

Hiện, Bảo Ninh đã có một hệ thống giao thông hiện đại bao gồm đường Võ Nguyên Giáp, đường Nhật Lệ sát bờ sông và chuẩn bị khởi công tuyến đường 36m song song với đường Nguyễn Thị Định nối cầu Nhật Lệ 1 với cầu Nhật Lệ 2, với mục tiêu để Bảo Ninh phát triển du lịch, dịch vụ…, ông Trung cho biết thêm.

Sau 30 năm tái lập tỉnh, Bảo Ninh đã trở thành một đô thị năng động đầy sức sống, là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nông nghiệp sạch, hải sản... Tin rằng, cùng với tài nguyên và nguồn lực sẵn có cùng với sự quản trị điều hành hợp lý Bảo Ninh sẽ trở thành một viên ngọc quý tỏa sáng bên dòng Nhật Lệ.

Xã Bảo Ninh hiện có 2.565 hộ với 10.176 nhân khẩu, người dân sinh sống chủ yếu ở 8 thôn trên địa bàn. Toàn xã có 400 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó có 200 tàu xa bờ.

Năm 2019, xã Bảo Ninh phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu như: khai thác, nuôi trồng thủy sản 12.000 tấn; giá trị dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp 350 tỷ đồng; tổng thu ngân sách trên 183 tỷ đồng; thu nhập bình quân 4,2 triệu đồng/người/tháng...

Trần Minh Văn

,