.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với quê nhà

.
15:14, Thứ Bảy, 06/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau ngày tái lập tỉnh cho đến gần đây, tôi có may mắn thường được phân công tháp tùng đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, trong những lần ông về thăm và làm việc tại Quảng Bình, cũng như những lần lãnh đạo tỉnh ra Hà Nội thăm và làm việc với ông.

Cảm nhận của tôi về ông là một con người tài giỏi trên nhiều lĩnh vực và cũng là con người luôn dành cho quê hương Quảng Bình tình cảm sâu nặng và sự quan tâm đặc biệt. Hồi mới tái lập lại tỉnh Quảng Bình, trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông đã dành thời gian vào thăm và làm việc với tỉnh. Bối cảnh lúc đó nền kinh tế tỉnh ta hầu như không có gì.

Ông đã dành trọn buổi tối để cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh thảo luận, tìm giải pháp phát triển kinh tế, xã hội. Ông đã đề xuất với tỉnh tập trung phát triển các lĩnh vực mà tỉnh ta có lợi thế như sản xuất xi măng, gạch xây dựng, gạch ceramic, bột đá cao lanh, sản xuất bia, chế biến gỗ...

Trên lĩnh vực thủy sản, ông gợi ý đẩy mạnh đánh bắt xa bờ với nuôi trồng và chế biên xuất khẩu; đối với nông nghiệp ngoài việc duy trì diện tích lúa cần chú trọng đưa giống mới vào canh tác, chú trọng chăn nuôi bò lai và trồng rừng keo, chế biến gỗ xuất khẩu...

Đặc biệt, ông rất quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ tỉnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi... Còn nhớ, những ngày đầu tái lập tỉnh, đồng chí Trần Sự, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất tâm huyết và trăn trở việc mở cảng Hòn La, xem đây là bước đột phát để đưa kinh tế-xã hội tỉnh nhà phát triển.

Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên thăm công nhân thi công đường Hồ Chí Minh, đoạn qua đèo Đá Đẽo.
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên thăm công nhân thi công đường Hồ Chí Minh, đoạn qua đèo Đá Đẽo.

Việc mở cảng vào thời điểm đó rất khó khăn về thủ tục. Lãnh đạo tỉnh đã tranh thủ ý kiến chỉ đạo, sự hỗ trợ tích cực của ông. Bởi vậy mà trong lần vào dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (vòng 1) từ ngày 26 đến 28-4-1991, ông đã dành một buổi thị sát Hòn La và ủng hộ đề xuất của tỉnh về mở cảng này.

Khi về Hà Nội, ông đã báo cáo với đồng chí Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc Quảng Bình xin mở cảng. Đích thân đồng chí Võ Văn Kiệt đã đi trực thăng vào thị sát Hòn La và cũng đồng ý với tỉnh về chủ trương này. Tuy nhiên sau đó gặp phải một số trở ngại, nên mãi một thời gian dài việc mở cảng mới thực hiện được.

Một dấu ấn nữa của ông với quê nhà là việc xây dựng đường Hồ Chí Minh, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lúc này, ông là Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, tham gia Ban Chỉ đạo nhà nước về quốc lộ Hồ Chí Minh (quốc lộ Trường Sơn).

Ông đi ô tô từ Hà Nội vào Quảng Bình theo đường 15A (tức là đường Hồ Chí Minh nhánh đông hiện nay). Tôi theo đồng chí Trần Hòa, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Hoàng Văn Khẩn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Long, Giám đốc Sở Giao thông vận tải đón ông ở Hương Khê, Hà Tĩnh.

Vào đến Xuân Trạch, Bố Trạch, ông đề nghị đoàn dừng chân khá lâu để ông thị sát thực địa. Khi về làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mới biết ông đang nghiên cứu mở thêm một nhánh đường Hồ Chí Minh nữa. Trở về Hà Nội ông đề xuất với Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ cần mở thêm một nhánh đường phía tây Quảng Bình, Quảng Trị.

Ông nói, bà con dân tộc sống trên dãy Trường Sơn chịu nhiều hy sinh mất mát phục vụ cách mạng, bây giờ hòa bình rồi mà chưa thoát khỏi đói nghèo. Nguyên nhân một phần là chưa có con đường giao thông đưa bà con ra bên ngoài. Trung ương đã chấp nhận đề xuất của ông cho mở thêm nhánh tây đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Bình dài trên 150km.

Từ khi có nhánh tây đường Hồ Chí Minh, người Vân Kiều, Pa Cô trên dãy Trường Sơn khu vực Quảng Bình và Hướng Hóa (Quảng Trị) thực sự  được đổi đời. Để ghi nhận ý tưởng xây dựng nhánh tây con đường, ông đã trồng ở ngã ba tuyến đông-tây đường Hồ Chí Minh (ở Xuân Trạch, Bố Trạch) một cây đa lá đỏ, nay đã trở thành cổ thụ, trước sự chứng kiến của bà con trong vùng.

Khi trên cương vị là Đặc phái viên Chính phủ, đặc trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, ông đã nhiều lần về với bà con các xã vùng rẻo cao biên giới huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa để chỉ đạo chương trình.

Qua thực tiễn, ông đã rút ra bài học rất quý báu và có khuyến cáo cho người dân là, không nên trồng cây bạch đàn giống bản địa mà trồng cây keo tai tượng (hay còn gọi keo lai). Ông lý giải cây bạch đàn trồng chỉ một chu kỳ là hủy hoại đất. Đất nơi nào đã trồng bạch đàn thì sau này không thể trồng cây gì phát triển được.

Mặt khác so với cây keo chu kỳ khai thác gỗ cây bạch đàn dài gấp đôi, hiệu quả kinh tế thấp. Nhờ ý kiến chỉ đạo này của ông mà hàng triệu ha đất lâm nghiệp từ chương trình 327 thực sự đã có hiệu quả.

Trong những lần nghe tin tỉnh nhà bị bão lũ thiên tai, ông đã gọi điện về thăm hỏi, động viên và góp ý với lãnh đạo tỉnh và với các cơ quan ở Trung ương về các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại. Tôi nhớ, khi về Tuyên Hóa, thấy việc khai thác đá vôi tràn lan, ông đã có ý kiến chấn chỉnh.

Ông nói rằng khai thác tài nguyên phải tính toán thật kỹ với việc ảnh hưởng đến môi trường. Đầu tư dự án xi măng là cần thiết, nhưng phải cân đối với nguồn tài nguyên đá vôi, cần đầu tư chống xói lở bờ sông Gianh...

Thật cảm động khi tôi tháp tùng ông chuyến thăm quê và làm việc chính thức với Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần cuối cùng. Sáng ngày 14-10-2013, sau lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp một ngày, ông đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Hình như có linh cảm,  đồng chí Lương Ngọc Bính, Bí thư Tỉnh ủy nói nhỏ với tôi rằng: "Cậu cố gắng chụp thật nhiều ảnh và ghi lại thật cụ thể ý kiến phát biểu của bác Nguyên nhé!" Tôi thấy ông nói chuyện với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất thân tình. Ông chia sẻ những thiệt hại mất mát to lớn mà bão số 10 gây ra đối với người dân trong tỉnh. Ông đề nghị lãnh đạo tỉnh cần chỉ đạo phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, giúp người dân ổn định kinh tế sau bão...

Ông nói, tỉnh cần nghiên cứu bố trí lại cây trồng hợp lý. Đối với cây cao su cần bình tĩnh xem xét, cần có bản lĩnh, không vì bão làm gãy đổ mà dao động trong việc trồng cây cao su trở lại, vì đây là loại cây trồng đã được khẳng định có hiệu quả trên vùng gò đồi tỉnh ta. Ông cũng biểu dương Đảng bộ tỉnh đã xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất cao; ông đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục phát huy hơn nữa, tạo sức mạnh mới để phát triển kinh tế, xã hội có hiệu quả

Ông nhờ Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cho ông gửi lời thăm hỏi đến cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang trong tỉnh, chúc tỉnh ngày càng phát triển về mọi mặt...

Trọng Thái

,