.

Sông Gianh anh hùng

.
16:24, Chủ Nhật, 21/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên quê ở Quảng Trung, Ba Đồn, bên bờ sông Gianh hiền từ. Lúc tiền khởi đến ngày nằm xuống tròn 96 năm, ông được hun đúc bởi khí chất sông Gianh, nguồn cội gia đình. Những làng mạc của châu thổ con sông này cũng hun đúc toàn bộ các làng xã thành anh hùng và nhiều vị tướng tài ba của các lực lượng vũ trang (LLVT) ra đi từ đây.
 
Quê hương anh hùng
 
Sông Gianh, con sông hình thành giọt nước đầu tiên từ đỉnh Cô Pi của rặng Giăng Màn ở biên giới Việt-Lào chảy qua một tỉnh duy nhất là Quảng Bình. Sâu trên miền cao có 2 xã Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa), nơi có những tộc người Khùa Mày, Trì, Thổ, Nguồn, Kinh sinh sống đã đóng góp 2 hình ảnh xã anh hùng LLVT trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khi đi qua huyện Tuyên Hóa, giọt nước sông Gianh tưới mát 13 xã của địa phương này.
 
Ông Hoàng Minh Đề, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa nói: “Tuyên Hóa có 14 xã đều được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT, trong đó có 13 xã dọc sông Gianh ở 2 nguồn nước Rào Nậy, Rào Trổ.
 
Người dân ở các xã đều có lòng yêu nước nồng nàn, cống hiến cho dân tộc nhiều người con ưu tú, xã nào cũng có nghĩa trang liệt sỹ tôn vinh những người con kiên trung. Chúng tôi tự hào khi sinh ra bên dòng sông Gianh để phục vụ quê hương, đất nước”.
Một góc sông Gianh.
Một góc sông Gianh.
Khi về đoạn hạ lưu, sông Gianh có châu thổ rộng lớn ở thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, Bố Trạch. Ông Phan Văn Gòn, nguyên Bí thư Huyện ủy Bố Trạch cho biết: “Phần bờ sông Gianh đoạn Bố Trạch có các xã Thanh Trạch, Bắc Trạch, Mỹ Trạch, Hạ Trạch cũng là những địa phương kiên cường, anh dũng, bất khuất và đều vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT”.
 
Đặc biệt, huyện Quảng Trạch trước đây có địa giới hành chính 34 xã, lưu vực con sông Gianh mở rộng ra đến hệ núi Hoành Sơn. Nơi đây có 34 địa phương được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT. Nay, một phần thị xã Ba Đồn, 9 xã vùng Nam sông Gianh được tách ra thành thị xã Ba Đồn nhưng cốt cách, con người sông Gianh vẫn là cốt cách, tinh thần Quảng Trạch anh hùng.
 
34 địa giới hành chính này có người công giáo cùng với đồng bào lương đã đoàn kết bên nhau và sinh ra nhiều người con ưu tú, chiến đấu kiên trung, góp sức người, sức của cho 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979.
 
Tổng cộng, sông Gianh chảy qua 53 xã, ngọn nước của nó đến đâu đều ủ trong đó nguồn năng lượng nuôi nấng giống nòi để phát triển, chiến đấu bảo vệ bờ cõi từng lớp lớp cha anh và mãi sau này, 53 xã ấy đều là xã anh hùng LLVT trong chiến đấu.
 
Những vị tướng bên bờ sông Gianh
 
Tôi may mắn tiếp cận toàn bộ các xã ở sông Gianh và không ít những bộ gia phả ở đây mới biết từ những đất quê anh hùng đó đã sinh ra 30 vị tướng cống hiến đức độ, tài năng cho các quân binh chủng của QĐND Việt Nam. Đó là chưa kể nhiều vị tướng khác công tác trong ngành Công an.
 
Ông Hoàng Minh Đề lần giở những ghi chép tỉ mỉ rồi nói: “Ở huyện Tuyên Hóa có 8 vị tướng. Trong đó nổi tiếng nhất là vị tướng tiền bối Hoàng Sâm. Thiếu tướng Hoàng Sâm là 1 trong 10 vị tướng đầu tiên của quân đội được Bác Hồ ký sắc lệnh thụ phong năm xưa. Gia phả họ Trần ở xã Văn Hóa còn ghi rõ: Thiếu tướng Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ sinh năm 1915, 12 tuổi theo bố mẹ sang Nakhon, Chiang Mai (Thái Lan) sinh sống.
 
Ở đây, cậu thiếu niên Trần Văn Kỳ được kết nạp vào Đội Thiếu niên tiền phong Việt kiều và khi Thầu Chính (Bác Hồ) đến hoạt động, cậu Kỳ được chọn làm liên lạc. Ông có nhiều thành tích lớn trong hoạt động cách mạng và vang danh với chiến thuật thu phục thổ phỉ”.
 
Trong khi đó, các xã lưu vực sông Gianh qua huyện Bố Trạch cũng đóng góp cho nước non 4 vị tướng: “Gồm trung tướng Lê Văn Tri, anh hùng LLVTND, thiếu tướng Lưu Bá Xảo, thiếu tướng Lưu Dương, thiếu tướng Phan Văn Minh. Thiếu tướng Minh hiện là Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam”, ông Gòn cho biết.
 
Đặc biệt, con sông chảy qua huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn đã cống hiến cho đất nước 18 vị tướng lãnh thuộc các quân binh chủng QĐND Việt Nam anh hùng. Đấy là con số hiếm thấy. Nhiều nhất có lẽ là xã Quảng Trung có 4 vị tướng, gia đình Trung tướng Đồng Sỹ nguyên đóng góp 3 vị tướng và người làng Biểu Lệ kề cạnh có vị tướng Hồ Ngọc Tỵ, Thiếu tướng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4.
 
Quê hương từ dòng sông
 
Mặc dù việc nước, nhiệm vụ được giao nhiều và gian truân nhưng những vị tướng dọc sông Gianh luôn hướng về quê nhà mỗi khi có dịp. Những câu từ của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khi tả về dòng sông trong di cảo “Trọn một con đường” là đại biểu nhất: “Người đời thường nói quê hương là đỉnh núi, dòng sông, là cây đa, bến nước, sân đình… Với tôi điều đó thật thiêng liêng, hàm súc. Quê hương và tuổi thơ tôi có nhiều điều gợi thương gợi nhớ, nhưng sâu đậm nhất vẫn là sông Gianh.
Di tích lịch sử cách mạng tại nhà từ đường của gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên bên bờ sông Gianh.
Di tích lịch sử cách mạng tại nhà từ đường của gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên bên bờ sông Gianh.
Tuổi thơ tôi lớn cùng sông Gianh, dòng sông đã đi vào lịch sử dân tộc bao đời và chứa đựng trong mình bao sự tích, huyền thoại; sông đã chứng kiến nỗi đau đất nước bị chia cắt, Trịnh-Nguyễn phân tranh. Ngược về nguồn của sông Gianh cũng là ngược về lịch sử của vùng đất quê tôi, một vùng non xanh nước biếc, màu xanh của huyền thoại, màu xanh của thời gian”.
 
Những vị tướng sinh ra từ nhân dân có một bản quán anh hùng từ lúc tiền khởi. Nhưng ngược về xưa xa, cụ Nguyễn Hanh, một lão niên ở Quảng Trung nói: “Lòng yêu nước nồng nàn luôn cháy mãi. Tướng dọc sông Gianh đều là tướng ra trận. Cũng vì ngày xưa hơn 300 năm Trịnh-Nguyễn phân tranh đã hun đúc dòng chảy trong huyết quản về trận mạc như thế mà nay hậu thế có những vị tướng ra đi từ đây”.
 
Thầy giáo dạy sử Võ Minh Khiêu ở xã Quảng Trung đã nghỉ hưu bổ sung thêm: “Dọc sông Gianh tinh thần yêu nước thương nòi như bao vùng quê khác ở Việt Nam. Xưa thì có chống giặc Minh, giặc Thanh, chống ngàn năm đô hộ phương Bắc. Gần hơn, trước khi cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra thì ngọn lửa của phong trào Cần Vương đã hun đúc ý chí của bao thế hệ dọc sông Gianh”.
 
Thật vậy, thế hệ phong trào Cần Vương vẫn còn rõ dấu tích trong lòng người và bên bờ bãi sông Gianh. Những lãnh binh như đề đốc Lê Trực, Lê Mô Khởi, Mai Lượng… đã xây dựng phong trào Cần Vương mạnh mẽ, đánh nhiều trận dọc sông Gianh gây tiếng vang lớn.
 
Cho đến nay đã dâu bể hơn trăm năm nhưng công lao của họ vẫn được ghi nhận trong lòng dân. Lăng mộ, đền thờ của những bậc tiền nhân ấy được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia bên bờ Gianh huyền thoại. Người ta nói sông Gianh anh hùng là vậy, bởi các vị tướng sinh ra từ nhân dân anh hùng.
Trên lưu vực các con sông ở Quảng Bình, đã có 60 vị tướng lĩnh công tác trong các quân binh chủng QĐNDVN và ngành Công an. Trong đó có 47 vị tướng trong quân đội. Hàm cao nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là vị tư lệnh lâu nhất của Đoàn 559.
          Minh Phong
,